Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo quốc phòng và an ninh - vấn đề trọng yếu thúc đẩy phát triển bền vững vùng Đông Nam bộ

Trường Sĩ quan lục quân 2
12:46, 07/09/2023
 

Vùng Đông Nam bộ gồm TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là vùng có vị trí vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh (QPAN) và đối ngoại của đất nước.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm phòng giáo dục truyền thống nhà trường

Trong khuôn khổ của hội thảo lần này, bài viết của chúng tôi tập trung vào các vấn đề chính: Đặc điểm tình hình của vùng Đông Nam bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, QPAN, đối ngoại đất nước. Trong nhiệm vụ kết nối vùng, việc đảm bảo QPAN đóng vị trí vai trò, tầm quan trọng như thế nào. Công tác đào tạo nhân lực đảm bảo QPAN tạo thuận lợi kết nối vùng Đông Nam bộ. Các giải pháp nhằm đảm bảo QPAN thúc đẩy sự kết nối vùng, phát triển bền vững…

Đặc điểm tình hình vùng Đông Nam bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, QPAN, đối ngoại của đất nước

Đông Nam bộ có địa hình rộng, thoáng; phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải...

Phía Bắc, tiếp giáp với các tỉnh Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản. Phía Tây và Tây - Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước. Phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh) và Hoa Lư (Bình Phước), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang kiểm tra đào tạo nhân lực quốc phòng - an ninh tại Trường Sĩ quan lục quân 2

Vùng Đông Nam bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm QPAN và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước với hạt nhân là đô thị đặc biệt TP.HCM - trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng…

Từ đặc điểm này, để thực hiện mục tiêu kết nối Đông Nam bộ phải bảo đảm “Huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; các mặt giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế vào loại hàng đầu cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và QPAN vững chắc; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước; là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực”.

Mặt khác, đây cũng là địa bàn có đông dân tộc, đa tôn giáo, nhiều công nhân lao động từ các nơi trong cả nước vừa tạo thuận lợi cho phát triển, vừa là những thách thức về an ninh trật tự, chính trị xã hội, QPAN… nên việc đảm bảo QPAN cho kết nối phát triển bền vững là nhu cầu tất yếu, khách quan.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong vùng đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng và tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là: Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỉ trọng khu vực dịch vụ vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước…

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2020-2025) đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời định hướng phát triển vùng theo hướng: “khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...”. Tình hình thế giới, khu vực và trong nước, cũng như ở vùng Đông Nam bộ có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen… nên việc đảm bảo QPAN cho kết nối, phát triển vùng Đông Nam bộ bền vững thực sự là nhu cầu khách quan.

Đảm bảo QPAN đóng vị trí vai trò rất quan trọng thúc đẩy kết nối vùng Đông Nam bộ

Đặc điểm tình hình trên cho thấy, Đông Nam bộ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo QPAN của khu vực truyền thống “Miền Đông gian lao mà anh dũng” với hiện tại năng động, đổi mới, phát triển.

Quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức dự hội nghị phối hợp làm điểm về xây dựng các mô hình đảm bảo quốc phòng địa phương cho phát triển bền vững tại Bình Dương

Đông Nam bộ luôn là đầu tàu, động lực thúc đẩy cả nước, đặc biệt trong hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Xét vị trí, tầm quan trọng của khu vực Đông Nam bộ, ngày 7-10-2022, Bộ Chính trị khóa XIII có Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm QPAN vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết xác định, tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, phù hợp vị trí, vai trò chiến lược của vùng Đông Nam bộ, đầu tàu kinh tế cả nước.

Nghị quyết 24 đã xác định mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng “chính quyền số”, “kinh tế số”, “xã hội số”; phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh, hiện đại.

Trong đó, QPAN, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét và dẫn đầu cả nước… Đồng thời, mối đoàn kết quân - dân, đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết các tôn giáo bền vững, gắn bó, tạo động lực chung cho sự kết nối vùng phát triển mọi mặt.

Về tầm nhìn đến 2045, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm QPAN; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. QPAN,  chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo được tăng cường, củng cố vững chắc…

Vấn đề đào tạo nhân lực đảm bảo QPAN tạo thuận lợi kết nối vùng Đông Nam bộ

Thống kê chưa đầy đủ, toàn vùng Đông Nam bộ hiện có hơn 1,6 ngàn cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập (tăng gần 1 ngàn cơ sở so năm học 2010-2011). Các địa phương đã chú trọng công tác huy động học sinh nhập học đúng độ tuổi, tuy vậy, một số chỉ tiêu vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ toàn vùng đứng thứ 3 trong sáu vùng kinh tế - xã hội. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đứng thứ 5 trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng dân số cơ học của vùng, đặc biệt là tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, đã gây áp lực không nhỏ lên hệ thống giáo dục. Tỷ lệ học sinh/trường và sĩ số học sinh/lớp của vùng cao nhất cả nước, đặc biệt tỷ lệ học/trường cấp THCS cao gấp 2 lần so với trung bình cả nước.

Tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp của vùng Đông Nam bộ là 92,5%, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng Đông Nam bộ tăng dần hàng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong sáu vùng kinh tế - xã hội.

Giáo dục đại học của vùng ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Toàn vùng hiện có 57 trường đại học và 316 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Tỷ lệ sinh viên đại học đứng thứ 2 toàn quốc, chỉ sau đồng bằng sông Hồng.

Bình quân hàng năm, có khoảng hơn 70 ngàn sinh viên và 6 ngàn học viên, nghiên cứu sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 86,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước). Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo của vùng là 29,5% (đứng thứ 2 trong sáu vùng kinh tế - xã hội). Tỷ lệ dân số có trình độ đại học trở lên của cả vùng khoảng 6,6%.

Trong đó, các cơ sở đào tạo nhân lực cho QPAN như: Trường đại học Nguyễn Huệ, Đại học Trần Đại Nghĩa, Đại học Ngô Quyền, Trường cao đẳng Hậu cần 2, Trường cao đẳng Kỹ thuật hải quân, Trường quân sự Quân khu 7, Trường quân sự Quân đoàn 4… Trong đó, Trường đại học Nguyễn Huệ (Sĩ quan lục quân 2) thuộc Bộ Quốc phòng, đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân (tuyển sinh từ Quảng Trị trở vào) và hàng chục đối tượng khác cho quân đội; đồng thời, nhà trường còn đào tạo cán bộ quân sự xã phường cho các địa phương thuộc địa bàn Quân khu 5, 7, 9 và đào tạo cán bộ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Giáo dục và đào tạo Đông Nam bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh/thành phố trong vùng sẽ tập tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo; về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; về chất lượng giáo dục các cấp học; về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; về hợp tác, kết nối và liên kết vùng nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển giáo dục và đào tạo; trong đó có đào tạo nhân lực đảm bảo QPAN tạo vững chắc cho liên kết vùng.

Nhân lực do các cơ sở đào tạo của Quân đội trên địa bàn đào tạo bao gồm đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ công tác trong các đơn vị lực lượng vũ trang; đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, học sinh, sinh viên (giáo dục QPAN)… Thông qua đào tạo, bồi dưỡng, các đối tượng được đào tạo sẽ nâng cao, thống nhất về nhận thức và hành động, trực tiếp xây dựng hệ thống chính trị, khu vực phòng thủ địa phương vững mạnh, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Các giải pháp nhằm đảm bảo QPAN thúc đẩy sự kết nối vùng, phát triển bền vững

Bám sát 6 nhóm giải pháp chính mà Nghị quyết 24 Bộ Chính trị nêu ra. Riêng giải pháp thứ 5 về đảm bảo QPAN, đối ngoại cho vùng phát triển bền vững,

Dân quân thường trực các khu công nghiệp - một trong những lực lượng đang được Đồng Nai xây dựng vững mạnh, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội

Tăng cường QPAN, đối ngoại kết hợp với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh kinh tế trong tình hình mới. Thực hiện có hiệu quả Đề án Bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch Tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng, củng cố vững chắc khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”; phòng ngừa, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phát hiện, tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Hoàn thành quy hoạch tổng thể, điều chỉnh hệ thống công trình phòng thủ trên địa bàn, tập trung trên tuyến biên giới và vùng biển, đảo; xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của vùng trong tình hình mới. Phát huy tối đa vị thế, lợi thế về vị trí địa chính trị trong công tác đối ngoại, để đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế với các nước trên thế giới; chủ động triển khai, mở rộng các hoạt động giao lưu nhân dân với các nước bạn

PGS-TS VŨ THANH HIỆP, Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2
 

 
Tin xem nhiều