Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo Gia Lai với công tác tuyên truyền liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Báo Gia Lai
14:36, 07/09/2023
 

Tây nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Dân số đến năm 2023 hơn 6,5 triệu người, diện tích tự nhiên 54.477km2, chiếm tỷ lệ 16,4% so với tổng diện tích cả nước. Tây nguyên có đường biên giới dài hơn 600km giáp Lào, Campuchia và là vùng có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng; có dân cư, văn hóa, trình độ sản xuất đặc thù, cộng với nhiều lợi thế về đất đai, hệ sinh thái đa dạng.

Một góc thành phố Pleiku - trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh Gia Lai
Một góc thành phố Pleiku - trung tâm chính trị - kinh tế của tỉnh Gia Lai

Hạ tầng giao thông có các sân bay: Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương; các tuyến quốc lộ: 14, 19, 24, 25, 26, 27, 28 nối với quốc lộ 1. Đường giao thông huyết mạch, thúc đẩy sự phát triển của vùng Tây nguyên và duyên hải miền Trung. Cùng với đó, những đặc điểm địa lý và văn hóa đặc thù, là một trong những vùng tiềm năng để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Việt Nam. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế này, việc thúc đẩy hợp tác và liên kết vùng là vô cùng cần thiết.

* Thực trạng thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng

Vùng đất đỏ bazan Tây nguyên rất phù hợp phát triển cây công nghiệp như: cà phê, cao su, chè, điều, tiêu, các loại cây ăn quả và cây nông nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi đại gia súc... Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua nhiều loại cây trồng mới đã phát triển nhanh chóng, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mắc ca, chanh dây, bơ, sầu riêng, mít, nhãn, vải thiều… Một số loại cây dược liệu như: đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, xạ đen, sâm Ngọc Linh, sâm dây, sâm bố chính, mật nhân… cũng được trồng để hình thành các vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn. Lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản cũng đang hướng đến sản xuất tập trung.

Bên cạnh định hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, vùng Tây nguyên có tiềm năng rất lớn về phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, thể hiện qua việc hàng loạt dự án năng lượng: thủy điện, điện mặt trời, điện gió, được triển khai và đưa vào khai thác hiệu quả.

Phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, những năm qua kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên đạt được nhiều kết quả to lớn và rất quan trọng. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 đạt gần 8%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002 (thông tin từ Nghị quyết số 23-NQ/TW). Tây nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai thuộc Công ty CP Xuất khẩu Đồng Giao
Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai thuộc Công ty CP Xuất khẩu Đồng Giao

Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, Tây nguyên còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam (thông tin từ Nghị quyết số 23-NQ/TW). Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao. Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp mới bước đầu hình thành, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Các ngành hàng thế mạnh của vùng Tây nguyên có quy mô sản xuất nhỏ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thương hiệu chưa mạnh. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, chưa hình thành được các tuyến du lịch liên vùng để khai thác tiềm năng và phát huy giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc vùng Tây nguyên. Mặt khác, nguồn nhân lực chất lượng, hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả…

Do sự chia cắt về địa lý và giao thông, thực tế có thể thấy, Tây nguyên chia làm 3 khu vực rõ rệt: Bắc Tây nguyên với 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum; Nam Tây nguyên: Đắk Lắk, Đắk Nông; Lâm Đồng ở phía Đông Nam Tây nguyên gần như chia tách với phần còn lại. Việc trùng lắp trong các sản phẩm du lịch, sản xuất hàng hóa đang là vấn đề đặt ra cho Tây nguyên.

Vì vậy, vấn đề hợp tác và liên kết vùng không chỉ tạo ra sức mạnh tập thể mà còn giúp tạo ra một môi trường thuận lợi để các tỉnh Tây nguyên cùng nhau phát triển. Tây nguyên có nhiều tiềm năng phát triển như: nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc sản nông nghiệp, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo, vùng văn hóa đặc thù. Các hình thức liên kết vùng có thể trên các khía cạnh không gian kinh tế theo lãnh thổ, chuỗi ngành hàng, tổ chức sản xuất, logistics. Bằng cách kết hợp và tận dụng lợi thế của từng tỉnh trong vùng, chúng ta có thể tạo ra một hệ sinh thái kinh tế mạnh mẽ và đa dạng, thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Liên kết vùng làm tăng khả năng kết nối về mọi mặt, tăng hiệu quả quản lý vĩ mô, tạo lợi thế so sánh trong cạnh tranh và động lực để phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu, đòi hỏi liên kết vùng phải có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách phù hợp với đặc thù và thực tiễn phát triển vùng Tây nguyên. Ngày 6-10-2022 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây là kim chỉ nam định hướng cho hoạt động của cả vùng.

* Báo Gia Lai tuyên truyền thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng

Thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng đã trở thành một phương pháp quan trọng để phát triển vùng Tây nguyên. Trong quá trình này, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về thúc đẩy hợp tác liên kết vùng, góp phần xây dựng một Tây nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng phát triển. Là kênh thông tin quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước, báo chí địa phương chắc chắn sẽ phải đứng ở vị trí tiên phong trên mặt trận tuyên truyền.

Trong những năm qua, Báo Gia Lai đã ý thức về vai trò, nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng với toàn hệ thống chính trị của tỉnh thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo nhận thức và sự hiểu biết về những lợi ích trong hợp tác, liên kết vùng.

Hiện nay, Báo Gia Lai có ấn phẩm báo in phát hành từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với số lượng trên 11 ngàn tờ/kỳ, Báo ảnh Gia Lai với 3 ngữ Kinh, Jrai, Bahnar phát hành 1 kỳ/tuần, với số lượng 3 ngàn tờ; Báo Gia Lai Điện tử với số lượng truy cập trung bình 70 ngàn lượt/ngày, bên cạnh đó Báo Gia Lai còn phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam phối hợp dịch, in Báo ảnh Dân Tộc - Miền Núi 2 ngữ Jrai và Bahnar phát không thu tiền với số lượng 3 ngàn bản/1 ngữ/kỳ.

Bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội, cùng các ấn phẩm của mình, Báo Gia Lai có thể tạo ra những kênh truyền tải cần thiết đến với bạn đọc. Báo đã tuyên truyền về hợp tác liên kết vùng qua việc giới thiệu tiềm năng, lợi thế từng vùng; phỏng vấn các chuyên gia, nhà quản lý và các bên liên quan về hiệu quả từ việc liên kết vùng mang lại, từ đó giới thiệu các dự án thành công và tiềm năng hợp tác vùng giữa các tỉnh khu vực Tây nguyên với nhau, giữa các tỉnh Tây nguyên với duyên hải miền Trung. Điều này không chỉ tạo động lực cho các bên liên quan mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thông tin tuyên truyền của báo đóng vai trò là cầu nối giữa các bên tham gia hợp tác liên kết vùng, là dữ liệu tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp. Báo cung cấp thông tin nền tảng về các vấn đề liên quan đến hợp tác liên kết vùng, từ đó cơ quan thẩm quyền đưa ra các giải pháp, chính sách hỗ trợ và khuyến khích thúc đẩy cho quá trình này.

Ngoài chế biến, DOVECO Gia Lai cũng sơ chế, đóng gói, bảo quản và xuất khẩu nhiều sản phẩm rau quả tươi
Ngoài chế biến, DOVECO Gia Lai cũng sơ chế, đóng gói, bảo quản và xuất khẩu nhiều sản phẩm rau quả tươi

Trong xu hướng hội nhập và liên kết  quốc tế ngày càng rộng mở, việc liên kết vùng, coi liên kết vùng là chủ đạo, dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng, phát triển dựa vào chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mang lại những lợi ích thiết thực, khắc phục tình trạng chạy theo biến động thị trường mà thời gian qua để lại nhiều bài học về giá cao su, hồ tiêu, bơ, chanh dây... Vấn đề đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ liên kết sản xuất nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng.

Những năm qua, Báo Gia Lai đã tháp tùng nhiều đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đến các địa phương trong và ngoài tỉnh để tuyên truyền về hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, giao lưu thương mại, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất và người, tiềm năng thế mạnh của Gia Lai. Bên cạnh đó, Báo Gia Lai đã đẩy mạnh tuyên truyền phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương, sản phẩm du lịch đặc sắc của Gia Lai dựa trên điều kiện tự nhiên sinh thái, văn hóa bản địa; xây dựng nền văn hóa Tây nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng.

Báo Gia Lai còn tích cực tuyên truyền công tác quản lý, giao khoán và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với tạo nguồn dược liệu dưới tán rừng; phát triển văn hóa xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; tuyên truyền về phát triển đô thị; vấn đề đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tuyên truyền phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng dữ liệu vùng phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là cơ sở thuận lợi cho nhà đầu tư đến địa phương đầu tư.

Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn của địa phương, nhằm tuyên truyền có hiệu quả về hợp tác, liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Báo Gia Lai đã và đang tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền trên các ấn phẩm đang xuất bản. Kết hợp sử dụng các phương tiện truyền thông khác nhau như: báo giấy, báo ảnh, báo điện tử và các mạng xã hội để lan tỏa thông điệp về hợp tác liên kết vùng Tây nguyên. Lập ra kế hoạch tuyên truyền hiệu quả, thúc đẩy tiến trình hợp tác, liên kết trên tất cả các lĩnh vực; mở chuyên mục theo từng ngành, lĩnh vực để tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả hơn các cơ chế chính sách, dự án phát triển cho vùng Tây nguyên, tiến trình triển khai và kết quả, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Tận dụng thế mạnh của hình ảnh, video, podcast, infographic để truyền tải thông tin một cách hấp dẫn giúp bạn đọc dễ tiếp cận nhất.

Một ví dụ để minh chứng cho hoạt động này, ngày 15-7-2023 tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã diễn ra Ngày hội Quảng bá và kết nối du lịch các thành phố ở Tây nguyên với thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), Báo Gia Lai ngoài việc tuyên truyền các sự kiện trên các ấn phẩm của mình, đã kết nối với các báo Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum tổ chức livestream trên trang Facebook, thu hút một lượng bạn đọc đông đảo xem trực tiếp hoạt động chính của ngày hội. Trong công tác tuyên truyền, Báo Gia Lai đã tổ chức các chương trình talkshow, gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong hợp tác liên kết vùng, nhằm truyền tải thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự giao lưu và tạo ra mạng lưới liên kết giữa các đối tác và cộng đồng.

Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai
Hoạt động sản xuất tại một doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai

Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 6-10-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Tây nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt, là từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21-4-2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội, Báo Gia Lai đã đồng hành cùng với chính quyền tuyên truyền về việc UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy trình, quy định của Luật Quy hoạch (hiện nay Hội Thẩm định của tỉnh đã thông qua, chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đồng thời, Báo Gia Lai cũng tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo liên kết vùng; tuyên truyền đề xuất đầu tư xây dựng các dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng như: đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn đầu tư xây dựng trước năm 2030; tuyến giao thông kết nối vùng Ayun Pa (Gia Lai) và Ea Hleo (Đắk Lắk) để góp phần Gia Lai cùng với các tỉnh Tây nguyên liên kết hợp tác đẩy mạnh tác phát triển.

Hy vọng thông qua hội thảo này công tác tuyên truyền về hợp tác, liên kết vùng, trong đó có vùng Tây nguyên ngày càng phát triển; thông qua báo chí sẽ giúp nâng cao nhận thức và sự quan tâm của mọi người, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư, qua đó tạo đòn bẩy hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của  cả khu vực.

Tỉnh Gia Lai đã hình thành hàng trăm vùng nguyên liệu để phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh
Tỉnh Gia Lai đã hình thành hàng trăm vùng nguyên liệu để phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh

* 4 giải pháp, đề xuất nâng cao công tác tuyên truyền của báo Đảng địa phương

1- Cũng như các báo Đảng địa phương, chính quyền các cấp cần kịp thời hỗ trợ về cơ sở dữ liệu, thông tin, tạo điều kiện cho phóng viên tiếp cận thông tin kịp thời, hiệu quả. Đây là cơ sở để truyền thông cũng như tạo sự phản biện của xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương.

2- Tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình cung cấp thông tin để làm cơ sở kết nối tuyên truyền đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia một cách thống nhất.

3- Báo Đảng địa phương cần liên kết, chia sẻ thông tin, mở rộng, tổ chức nhiều chương trình talkshow, gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong hợp tác liên kết vùng, nhằm truyền tải thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích sự giao lưu và tạo ra mạng lưới liên kết giữa các đối tác và cộng đồng.

4- Chính quyền các cấp cần quan tâm hỗ trợ kinh phí cho cơ quan báo chí trong công tác phối kết hợp tuyên truyền. Tạo cho các báo tổ chức hiệu quả hơn các chương trình gặp gỡ với sự tham gia của các chuyên gia, nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong hợp tác liên kết vùng, tổ chức các chuyến đi đến các địa phương khác tuyên truyền về liên kết vùng.

 

 

Tin xem nhiều