Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước với công tác tuyên truyền đẩy mạnh kết nối vùng để phát triển ngành nông nghiệp:
Liên kết tuyên truyền cùng phát triển

Nguyễn Thị Minh Nhâm
10:39, 07/09/2023
 

Cùng với đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương thức hoạt động, các cơ quan báo chí Đông Nam bộ đã và đang đẩy mạnh liên kết, phối hợp tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kết nối vùng, phát triển ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... Đây vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu, động lực mà những người làm báo Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) tập trung thực hiện, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp.

* Đa dạng hình thức tuyên truyền

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII xác định “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 nhân tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời; có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”. Đây là mảng đề tài rộng, thực sự hấp dẫn đối với những người làm báo khu vực Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm
Tỉnh ủy viên, Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước Nguyễn Thị Minh Nhâm

Ngay từ khi hợp nhất, đi vào hoạt động (tháng10-2019), Ban Giám đốc - Ban Biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước đã đưa ra phương châm hành động: “Chú trọng báo nói, đổi mới báo hình, cải tiến báo in, bứt phá báo điện tử” để định hướng tuyên truyền lợi thế của tỉnh trên 4 loại hình báo chí và hạ tầng số. Định hướng tuyên truyền được Ban Giám đốc - Ban Biên tập triển khai hàng tuần; các chủ điểm, vấn đề thời sự được triển khai kịp thời tới toàn thể cơ quan và cộng tác viên.

Điểm rất thuận lợi là từ thời điểm hợp nhất, đi vào hoạt động của Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước đến nay, là khoảng thời gian có nhiều chủ trương, định hướng về phát triển nông nghiệp, liên kết vùng, liên kết khu vực được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hàng loạt nghị quyết, kết luận của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước ban hành tiếp đó đã xác định phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phát huy lợi thế so sánh và chuỗi giá trị; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh kết nối vùng để phát triển ngành nông nghiệp và chế biến... của một tỉnh nông nghiệp, có nhiều lợi thế về nông nghiệp.

Chất liệu đã có, người thật - việc thật đều phong phú và đa dạng. BPTV đã ra mắt và duy trì tốt những chuyên mục, chương trình, bản tin như: Nông nghiệp - Nông thôn, Nông thôn mới, Khuyến công, Nông nghiệp xanh, VFC - Nông nghiệp bền vững, Kinh tế Quốc phòng, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế và hội nhập... Tùy tính chất và vấn đề thời sự, tuyên truyền lồng ghép vào các chương trình, chuyên mục: Hành trình khát vọng, Hòa sóng cùng VOH, Cà phê sáng, Giảm nghèo bền vững, Đảng trong cuộc sống, Bình Phước đất và người, Kết nối Đông Nam bộ, Tài nguyên và môi trường; các chương trình thời sự hàng ngày, chương trình tiếng S’tiêng, Khmer, bản tin Tiếng Anh...

* Phát huy thế mạnh đặc thù

Bình Phước là địa phương thứ hai trong cả nước thực hiện mô hình hợp nhất cơ quan báo chí cấp tỉnh (sau tỉnh Quảng Ninh), trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện, với 4 loại hình báo chí (phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử) và các hạ tầng số.

Với ưu điểm mang tính đặc thù, cũng như các mảng và đề tài khác, tài nguyên thông tin về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được khai thác tối đa, không để lãng phí. Khi nguồn tư liệu phóng viên, cộng tác viên thu thập sẽ sử dụng sản xuất cho cả 4 loại hình báo chí, các hạ tầng số, được sử dụng cho nhiều chương trình, chuyên mục. Thông tin được cập nhật liên tục và có sự tham gia tổng lực của 4 loại hình báo chí và mạng xã hội, tăng sự tương tác với công chúng. Riêng báo điện tử của BPTV (baobinhphuoc.com.vn) đang hội tụ cả phát thanh, truyền hình, kênh YouTube, các bản tin podcast, đọc báo in, trang tiếng Anh, các video clip, file audio... Vì vậy, thông tin lan tỏa rất sâu rộng, rất sôi động, có hiệu ứng tốt, cùng một định hướng, theo sát dòng sự kiện, bám sát xu hướng và dòng chủ lưu.

Các tác giả nhận giải A tại Liên hoan Nghiệp vụ báo chí tỉnh Bình Phước lần thứ nhất, năm 2023 do Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước tổ chức

Với phương châm “Vì bạn mỗi ngày”, BPTV luôn chủ động thực hiện, liên kết, phối hợp, trao đổi với các cơ quan báo, đài, cơ quan truyền thông khu vực miền Đông Nam bộ và cả nước như: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên... để trao đổi, hợp tác nhằm lan tỏa thông tin rộng hơn, chủ yếu là trên truyền hình và phát thanh. Thông tin hợp tác trên lĩnh vực phát thanh và truyền hình được khai thác sử dụng cho báo điện tử, một phần cho báo in, làm cho tờ Báo Bình Phước hết sức sinh động, thông tin đa dạng và bổ ích cho bà con nông dân. 

BPTV rất chú trọng hợp tác, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thời lượng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục tự sản xuất. Riêng trên lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, BPTV đang phối hợp với: Tập đoàn An Nông, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP vật tư nông nghiệp Bình Định, Công ty CP phân bón Bình Điền II, Công ty CP khử trùng Việt Nam - VFC... để đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững trên phát thanh, truyền hình, rồi lan tỏa sang báo điện tử, báo in, tốt cho nhà tài trợ và cho thông tin cần lan tỏa.

Không chỉ thực hiện trong tỉnh, lấy thông tin trao đổi của các cơ quan báo chí, truyền thông, các ekip của BPTV đã trực tiếp thực hiện các mô hình, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, chế biến chuyên sâu, sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng tại các tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Long An, TP.HCM... để đăng phát trên 4 loại hình báo chí và các hạ tầng số.

Thực hiện số báo đặc biệt chào năm mới và báo xuân hàng năm, BPTV đều có thư mời cộng tác, trao đổi với các báo Đảng trong cả nước, nhất là khu vực Đông Nam bộ nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Utz certified... Đây là những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp rất ý nghĩa cho công chúng, cho những nhà quản lý của tỉnh Bình Phước.

Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, BPTV đã thực hiện liên kết, phối hợp và tự sản xuất khoảng hơn 2 ngàn tin, bài, phóng sự liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, BPTV đã có nhiều bài viết gợi mở ngành, địa phương cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách khoa học, tổng thể, lâu dài; quy hoạch các vùng nông nghiệp trong vùng Đông Nam bộ, xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

* Đẩy mạnh liên kết cùng phát triển

Qua thực tiễn tại BPTV, chúng tôi nhận thấy: Việc hợp tác trao đổi chương trình, liên kết sản xuất là xu thế tất yếu, đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển, lớn mạnh của các cơ quan báo chí, truyền thông. Vì giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ những người làm báo, tăng sức lan tỏa của thông tin, tăng lợi ích kinh tế báo chí, tăng chất lượng thông tin…

Trụ sở Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước

Do vậy, BPTV mạnh dạn đề xuất các báo Đảng trong khu vực Đông Nam bộ cùng:

1- Phối hợp mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo in, báo điện tử mang tên (tạm đặt): “Kết nối Đông Nam bộ” hoặc “Đông Nam bộ phát triển”, “Đông Nam bộ - Động lực phát triển”, “Đông Nam bộ hôm nay”... Chuyên trang, chuyên mục phải mang tính cố định hàng tuần, mỗi tuần 1 số, mỗi số do một Báo phụ trách, chủ đề về lĩnh vực nông nghiệp hoặc nhiều lĩnh vực mà trong đó có nông nghiệp.

2- Định kỳ các báo trong khu vực Đông Nam bộ luân phiên mời các chuyên gia, nhà khoa học tư vấn, hiến kế cho ngành nông nghiệp, tất cả các báo đều đăng phát, lan tỏa thông tin.

3- Cùng mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu, định vị thương hiệu sản phẩm... cho chương trình chung của các báo Đông Nam bộ (hoặc báo này có thể nhờ báo kia lan tỏa thông tin có thương hiệu quảng cáo của các nhãn hàng để cùng chia sẻ quảng cáo hoặc làm giúp cho nhau).

4- Liên kết sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm; thực hiện việc đăng phát các tin, bài, chương trình, chuyên mục của nhau. Hỗ trợ lan tỏa, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các tỉnh, thành; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tìm đầu ra cho nông sản... quảng bá những sản phẩm, cây trồng chủ lực, thương hiệu nổi tiếng của các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ như: bưởi Tân Triều, xoài La Ngà, sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc, cà phê Cẩm Mỹ, tiêu Xuân Thọ... (Đồng Nai); muối ớt Tây Ninh, bánh tránh Trảng Bàng, dưa lưới Hoàng Xuân, trà túi lọc Sâm Bố Chính, trái na Hoàng Hậu... (Tây Ninh); thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết... (Bình Thuận); hạt điều, cây ăn trái (Bình Phước)...

BPTV sẽ tuyên truyền, giới thiệu trên báo in, báo điện tử và sóng phát thanh, truyền hình.

5- Liên kết, phối hợp đào tạo chuyên sâu cho các phóng viên, nhà báo về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để mỗi nhà báo phải là một chuyên gia trong lĩnh vực này; đồng thời, có các tác phẩm thật sự chất lượng tham gia các giải báo chí trung ương, khu vực và địa phương tổ chức.

6- Các báo trong khu vực cần xích lại gần nhau hơn nữa, có ký kết chung kế hoạch, chiến lược truyền thông dài hơi, toàn diện, nhằm đẩy mạnh kết nối vùng, thiết thực đưa Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vào thực tiễn cuộc sống hiệu quả, các tỉnh, thành Đông Nam bộ cùng phát triển, các cơ quan báo cùng phát triển.

Nguyễn Thị Minh Nhâm, Giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - truyền hình và Báo Bình Phước

 
Tin xem nhiều