Cách trung tâm TP.Huế không xa, đi về hướng núi Ngự Bình, đến số 27 Lê Ngô Cát (phường Thủy Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có một quán cà phê "độc, lạ" được rất nhiều người dân Huế lẫn du khách trong và ngoài nước biết đến, đó là quán cà phê Hè.
Cách trung tâm TP.Huế không xa, đi về hướng núi Ngự Bình, đến số 27 Lê Ngô Cát (phường Thủy Xuân, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có một quán cà phê “độc, lạ” được rất nhiều người dân Huế lẫn du khách trong và ngoài nước biết đến, đó là quán cà phê Hè. Khách đến đây không vì nhu cầu giải khát, mà chủ yếu thưởng thức không gian như bảo tàng chiến tranh thu nhỏ.
Họa sĩ Nguyễn Văn Hè và chiếc nón của một lính Mỹ. |
Chủ quán cà phê Hè là họa sĩ Nguyễn Văn Hè, tốt nghiệp Trường đại học nghệ thuật Huế, từng đoạt nhiều giải thưởng về mỹ thuật.
Bộ sưu tập “độc, lạ”
Quán cà phê Hè trưng bày hơn 200 hiện vật về các loại vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội Mỹ và Sài Gòn, cũng như tất cả những gì có liên quan, như: áp-phích, tranh vẽ, logo, huy hiệu… được họa sĩ Hè kỳ công sưu tập từ hàng chục năm nay. Tường rào của quán là những hàng dây thép gai từng bao quanh đồn bót, ấp chiến lược, trên đó treo những chiếc mũ lính bị cháy nham nhở; cổng quán là những chiếc thùng phuy nhiên liệu, trần quán là chiếc dù màu xanh rêu của lính nhảy dù. Trong quán ngổn ngang hiện vật, từ quả đạn pháo cối 150 ly đã cưa làm đôi đến những chiếc bi-đông đựng nước, hăng-gô đựng cơm, chiếc chảo dã chiến, máy bộ đàm, pông-sô đi mưa...
Khách đến quán không ngồi trên bàn ghế thông thường, mà bàn là tấm vỉ sắt dùng để lót đường cho xe quân đội, còn ghế là những thùng đạn các loại hoặc loại ghế đặc dụng của quân đội. Trang trí cho quán là những vỏ đạn được cưa làm bình cắm hoa, gần đó là những chiếc loa thông tin một thời, rồi ống nhòm, băng ca tải thương... Họa sĩ Hè cho biết, bộ sưu tập của anh có khoảng 3 ngàn hiện vật, vì quán quá nhỏ nên anh đã phải cất bớt, chỉ trưng bày những hiện vật tiêu biểu.
Ẩn chứa nhân văn
Không gian quán cà phê Hè trưng bày rất nhiều hiện vật liên quan đến chiến tranh. |
Trong một không gian “hầm hố” như vậy, nhưng “bảo tàng” cà phê Hè không gây nên sự kinh sợ mà chỉ là nỗi hoài niệm hoặc háo hức tò mò.
“Ở một đất nước mà chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng đâu đó vẫn bắt gặp những cái chết oan uổng, vô tội do vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Khủng khiếp hơn là ở một số nơi, người dân vẫn hồn nhiên vật lộn mưu sinh đầy hiểm nguy với đống phế liệu chiến tranh, trong đó có không ít vật liệu nổ chưa được phá hủy” - họa sĩ Hè ưu tư nói.
Anh kể, anh sinh ra tại một làng quê nghèo ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, từ năm 14 tuổi anh và nhiều người dân quê đã đi nhặt phế liệu chiến tranh để mưu sinh. Một người chú của anh trong lúc cưa quả bom để lấy sắt bán phế liệu thì quả bom phát nổ, thi thể của chú nát thành từng mảnh vụn, người thân hốt lại chưa đầy bụm tay. Sau cái chết của chồng, người vợ như thân cây bị chặt ngang, héo rũ, nỗi đau đã khiến sự sống của người phụ nữ ấy ngày càng tàn lụi, khô kiệt cho đến khi bà cũng đi theo chồng. Một gia đình êm ấm bỗng chốc tan nát. “Bóng ma” chiến tranh cứ thế ám ảnh, đeo đẳng theo anh suốt hàng chục năm trời, và anh bắt đầu sưu tập từ lúc đó.
Trong giới sưu tập cũng có một vài người đam mê như anh, nhưng họa sĩ Hè cho rằng đến nay bộ sưu tập của anh vẫn là nhiều nhất. Quán cà phê Hè không chỉ tiếp đón du khách, mà có khá nhiều trường học đã đưa học sinh đến tham quan “bảo tàng”. |
Không có nguồn lực tài chính đủ mạnh, anh chọn cách sưu tập từ từ. Cứ nghe ở đâu có hiện vật là tìm đến. Có người bán, nhưng cũng có không ít người biết anh đam mê sưu tập đã mang hiện vật đến tặng. Phần lớn hiện vật của anh đều có “lý lịch”, từ những chiếc thẻ bài của lính Mỹ ở sân bay Tà Cơn (Khe Sanh), cho đến những vỏ đạn pháo 150 ly ở vùng đồi A Sầu - A Lưới, rồi một phần xác máy bay ở vịnh Lăng Cô… Trong số các hiện vật, họa sĩ Hè ấn tượng nhất là chiếc mũ sắt của người lính Mỹ mà anh mua được từ Đồng Nai. Ấn tượng, là vì trên chiếc mũ có những dòng chữ bút bi nắn nót bằng tiếng Anh viết lên tâm trạng của người lính “Bồng Sơn - 1968: Việt Nam - Địa ngục trần gian”, “Tôi đang nghĩ về cái chết của chính mình”, “Tôi đang sống hay đã chết - Peyton 1969”.
“Một số người gọi đây là bộ sưu tập tội ác chiến tranh, tôi không thích cách nghĩ đó. Tôi chỉ mong mọi người đến đây có thể hình dung phần nào về một cuộc chiến đã qua ở Việt Nam, đồng thời thấy rằng trong cuộc chiến tranh dù khốc liệt vẫn ẩn chứa rất nhiều điều nhân văn, như hàng chữ trên chiếc mũ của người lính Mỹ” - họa sĩ Hè chia sẻ.
Hà Lam