Ngay sau khi cuốn tiểu thuyết cùng tên được xuất bản năm 1985, dự án phim Ender’s Game từng được ấp ủ nhiều lần với kịch bản ban đầu do chính tác giả thực hiện. Tuy nhiên, vì luôn có những bất đồng về chuyện bản quyền với các hãng phim nên các dự án này đều bị hủy bỏ. Tới mùa thu năm 2010, đạo diễn Gavin Hood (X-Men Origins: Wolverine) chính thức tuyên bố sẽ thực hiện dự án chuyển thể Ender’s Game với vai trò đạo diễn kiêm biên kịch.
Nội dung bộ phim được lồng ghép giữa Ender's Game và một cuốn riêng biệt tên là Ender's Shadow. Vị đạo diễn hứa hẹn chắt lọc ra những chi tiết, sự kiện quan trọng và hấp dẫn nhất của hai cuốn tiểu thuyết để tạo nên một tác phẩm độc đáo mà vẫn đảm bảo bám sát nguyên tác, không để người hâm mộ phải thất vọng.
Kết quả mà khán giả được chứng kiến trong năm 2013 không nằm ngoài mong đợi. Có thể xem Ender’s Game là sự kết hợp độc đáo giữa các bộ phim bom tấn giả tưởng khác như Star Wars, Harry Potter hay thậm chí là The Hunger Games. Bộ phim có khởi điểm 70 năm sau lần xâm lược đầu tiên của một loài sinh vật đến từ hành tinh khác có tên là Formics.
Giành chiến thắng khi đó nhưng nhân loại phải chịu đựng những tổn thất hết sức nặng nề. Do đó, loài người phải lên kế hoạch tuyển chọn và đào tạo những đứa trẻ có khả năng quân sự đặc biệt để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng tiếp theo có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Các thiếu niên xuất chúng được đưa đến một trường huấn luyện nằm lơ lửng trong không gian vũ trụ, tiếp nhận những bài học hết sức khắc nghiệt nhằm nâng cao kỹ năng chiến đấu để có thể trở thành chỉ huy, điều khiển cả một binh đoàn tiêu diệt kẻ thù.
Thành công lớn nhất của Ender’s Game là quy tụ được một dàn diễn viên nhí xuất sắc. Đảm nhận vai chính Ender Wiggin là Asa Butterfield, người từng gây ấn tượng với hai vai diễn trong Hugo và The Boy in the Striped Pajamas. Tuy có thân hình nhỏ bé, ốm yếu nhưng Ender Wiggin lại sở hữu bộ óc xuất chúng của một chiến lược gia thực thụ. Đó là lý do mà cậu luôn dễ dàng vượt qua những thử thách mà nhà cầm quyền đặt ra. Tuy nhiên, Ender lại bị ám ảnh bởi những giấc mơ hết sức kỳ lạ mà chính cậu cũng không tài nào giải đáp được.
Harrison Ford trong một cảnh phim "Ender's Game". Ảnh: Lionsgate. |
Không như các siêu phẩm anh hùng khác, thay vì tâng bốc khả năng của nhân vật chính, Ender’s Game lại tập trung đào sâu khai thác “tính người” của cậu bé. Điều đó được thể hiện qua cách cậu xử lý các tình huống do đội ngũ tuyển chọn cố tình đặt ra như thái độ khi bị người khác ức hiếp, trạng thái tâm lý khi bị loại khỏi chương trình và cách ứng xử trước những thất bại. Qua đó, đạo diễn khéo léo lồng ghép những bài học về tình bạn, tình đồng đội và cả tình người.
Ender’s Game cũng đánh dấu sự trở lại của Hailee Steinfeld, cô bé từng nhận được đề cử Oscar khi mới 13 tuổi qua vai diễn xuất sắc trong bộ phim viễn Tây True Grit của anh em nhà Coen. Vai diễn Petra của Steinfeld là một nhân vật nữ rất quan trọng, đặc biệt được tác giả phát triển sâu hơn trong các phần tiếp theo của bộ truyện gốc. Bên cạnh đó, Ender’s Game còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng khác trong như Harrison Ford, Ben Kingsley, Viola Davis… trong vai những lãnh đạo quân sự đồng thời là những người thầy cô nghiêm khắc của Ender Wiggin.
Tuy được xếp vào thể loại hành động, phiêu lưu kiêm khoa học viễn tưởng nhưng Ender’s Game không đặt nặng yếu tố hành động. Gavin Hood không cố gắng biến bộ phim của mình trở thành một tác phẩm ngập tràn kỷ xảo cháy nổ, đánh đấm như những bom tấn khác. Thay vào đó, anh dành những khoảng lặng để người xem suy nghĩ, giống như trước khi ra trận, cần có sự tính toán chuẩn bị kỹ càng. Cách dẫn chuyện của Ender’s Game có nhiều nét tương đồng với tác phẩm khoa học viễn tưởng Oblivion của Tom Cruise. Do đó, mạch phim có phần chậm rãi và dàn trải, tạo cảm giác phim trở nên khá dài (dù thực tế chưa đến hai tiếng).
Ender’s Game sở hữu hình ảnh tuyệt đẹp và những góc quay hoàn toàn mãn nhãn. Thậm chí, có những bối cảnh mà Gavin Hood sắp đặt trong bộ phim còn vượt xa hơn cả trí tưởng tượng của độc giả yêu thích bộ truyện gốc. Một điểm thú vị riêng biệt trong Ender’s Game là những trận chiến, những trò chơi được thiết kế theo kiểu dàn trận, đòi hỏi tinh thần đồng đội cao cũng như tài điều khiển linh hoạt của người chỉ huy. Những cuộc đấu trí trong phim cũng dễ khiến khán giả liên tưởng đến trò Quidditch nổi tiếng của cậu bé phù thủy Harry Potter khi người chơi cũng được thoái mái tự do bay lượn trong môi trường không trọng lực.
Poster phim "Ender's Game". Ảnh: Lionsgate. |
Trên hết, Ender’s Game là một bộ phim ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc và đặt ra một câu hỏi đầy trăn trở về vấn đề đạo đức - liệu việc biến các cô cậu thiếu niên thành những cỗ máy giết người để giành chiến thắng có phải là một điều đúng đắn? Cậu bé Ender Wiggin tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã có những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành mà người lớn cũng phải nể phục. “Thắng làm vua, thua làm giặc” có lẽ đã trở thành một quan niệm hết sức lỗi thời và lựa chọn của Ender Wiggin trong cuộc chơi này đã chứng tỏ một điều rằng chiến tranh sẽ chỉ đem lại cái ác, làm nảy nở những điều xấu xa.
Tuy nhiên, vẫn có một số nhân vật và tình tiết đặt ra trong phim nhưng chưa được giải quyết trọn vẹn. Có lẽ đạo diễn và các nhà sản xuất muốn để dành đất phát triển trong những phần tiếp theo, nếu như Ender’s Game ăn khách tại các phòng vé trên toàn thế giới.
Ender’s Game (Cuộc đấu của Ender) khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 1/11.
Theo VnExpress