Báo Đồng Nai điện tử
En

Phim ’Tây Du Ký 1986’ được lồng tiếng Việt

10:05, 29/05/2012

Hè này, khán giả gặp lại Tôn Ngộ Không trên sóng truyền hình trong nước. Bên cạnh việc lồng tiếng Việt, kỹ thuật đồ họa cũng được áp dụng để nâng cấp phần hình ảnh.

Hè này, khán giả gặp lại Tôn Ngộ Không trên sóng truyền hình trong nước. Bên cạnh việc lồng tiếng Việt, kỹ thuật đồ họa cũng được áp dụng để nâng cấp phần hình ảnh.

Từ ngày 11/6, lúc 21h30 từ thứ hai đến thứ năm hàng tuần, HTV3 chiếu lại bộ phim Tây Du Ký. Điểm nhấn của lần chiếu này là các nhân vật đều "nói tiếng Việt" qua sự diễn xuất của các diễn viên lồng tiếng: Tiến Đạt (Tôn Ngộ Không),
Trần Vũ (Đường Tam Tạng), Minh Triết (Trư Bát Giới), Văn Tài (Sa Tăng).

Hình ảnh thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh trong bộ phim nổi tiếng.

Hình ảnh thầy trò Đường Tăng trên đường thỉnh kinh trong bộ phim nổi tiếng.

Ngoài ra, do phiên bản 1986 hiện nay khá cũ, hình ảnh nhòe và không còn sắc nét, đội ngũ kỹ thuật ở Việt Nam đã dùng kỹ thuật đồ họa để nâng cấp bản phim này, nhằm mang đến cho khán giả bản phim rõ ràng, màu sắc tươi mới hơn.

Năm 2010, "Tôn Ngộ Không" Lục Tiểu Linh Đồng đến thăm Việt Nam. Dịp này, NSƯT Kim Tiến kể lại kỷ niệm là người đầu tiên thuyết minh cho tác phẩm này. "Bộ phim được sản xuất từ năm 1986. Khoảng 3 năm sau, đài Truyền hình Việt Nam được Đại sứ quán Trung Quốc tặng một bản phim Tây Du Ký. Đài phải dịch và thuyết minh rất nhanh để kịp phát sóng. Mọi việc được làm rất gấp gáp. Lúc đó trong đài không có người thông thạo tiếng Trung Quốc, vì thế phải nhờ bên Bộ Ngoại giao dịch", bà kể.

Giọng thuyết minh nhẹ nhàng, truyền cảm của nữ NSƯT là một trong những yếu tố giúp bộ phim đi vào lòng nhiều thế hệ khán giả Việt Nam. Sau nghệ sĩ Kim Tiến, Tây Du Ký cũng được phát lại nhiều lần trên nhiều sóng truyền hình trong nước với các giọng thuyết minh mới.

Kể từ ngày phát sóng lần đầu tiên, đến nay đã có rất nhiều phiên bản Tây Du Ký mới, nhưng bản 1986 vẫn luôn khẳng định vị trí trong lòng khán giả.

Tạo hình phật bà Quan âm trong Tây Du Ký 1986.

Tạo hình Phật bà Quan âm trong Tây Du Ký 1986.

Bộ phim được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của Ngô Thừa Ân. Tác phẩm này là một trong tứ đại danh tác văn học cổ điển Trung Hoa (cùng với Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Thủy Hử của Thi Nại Am và Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần).

Tây Du Ký kể về 4 thầy trò Đường Tam Tạng (Đường Tăng), Tôn Ngộ Không, Trư Ngộ Năng (Trư Bát Giới), Sa Ngộ Tĩnh (Sa Tăng) đi thỉnh kinh ở Tây Trúc (khu vực nay thuộc Ấn Độ). 3 đệ tử của Đường Tăng đều có xuất thân thần thánh: Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ thần thông, tự phong là Tề Thiên Đại Thánh; Trư Ngộ Năng vốn là Thiên Bồng Nguyên soái của thiên đình và Sa Ngộ Tĩnh, vốn là Quyển Liêm Tướng quân. Ngoài ra, con ngựa mà Đường Tăng cưỡi vốn là Thái tử của Long vương (Bạch Long Mã) bị đày do từng lập mưu ăn thịt Đường Tăng.

Theo VnExpress

 

Tin xem nhiều