Sau 4 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng, danh hài kỳ cựu người Anh - Rowan Atkinson - trở lại và tiếp tục tạo nên tiếng cười cho khán giả với phần hai của phim hành động, hài 'Johnny English'.
Sau 4 năm vắng bóng trên màn ảnh rộng, danh hài kỳ cựu người Anh - Rowan Atkinson - trở lại và tiếp tục tạo nên tiếng cười cho khán giả với phần hai của phim hành động, hài 'Johnny English'.
Rowan Atkinson vốn được coi là một ngôi sao huyền thoại của truyền hình Anh sau vai diễn để đời - Mr. Bean - từ năm 1990 đến 1995. Sở hữu gương mặt nhăn nhó, khôi hài, ông khiến cho khán giả ngay lập tức phải bật cười khi nhìn thấy mình trên màn ảnh. Vào khoảng năm 1992, khi tham gia một chiến dịch quảng cáo thẻ tín dụng của nước Anh trong vai điệp viên vụng về, gây rắc rối, ý tưởng xây dựng một phim điện ảnh về hình mẫu này đã được Rowan ấp ủ. Năm 2003, Johnny English ra đời và đạt được thành công lớn khi thu về 160 triệu USD và tạo tiền đề để sản xuất phần hai. Tuy nhiên, phải 8 năm sau, Rowan Atkinson mới quyết định tiếp tục vai diễn này.
Rowan Atkinson trở lại với vai Johnny English sau gần chục năm. Ảnh: Universal.
Sau vụ bê bối đáng xấu hổ ở Mozambique gần một thập kỷ trước, Johnny English - điệp viên xuất sắc của tổ chức MI7 - lui về sống ẩn dật trong một ngôi chùa ở Tây Tạng. Khi nhận được yêu cầu khẩn cấp từ cục tình báo, Johnny sẵn sàng trở về. Tổ chức lúc này đang được điều phối bởi Thi Mã (Gillian Anderson đóng). Johnny ngay lập tức được phái tới Hong Kong để truy tìm cựu điệp viên CIA Fisher, người đang nắm giữ thông tin về kế hoạch ám sát thủ tướng Trung Quốc Xiang Ping tại cuộc tọa đàm Anh - Trung Quốc sắp diễn ra. Đồng hành với Johnny English trong phần này là đặc vụ trẻ triển vọng Tucker.
Qua hàng loạt manh mối, Johnny biết được tổ chức đứng đằng sau âm mưu này là Cơn Lốc. Họ sở hữu ba mảnh của một chiếc chìa khóa có khả năng tiếp cận một vũ khí bí mật có khả năng khống chế con người. Lần theo các dấu vết, Johnny English còn phát hiện ra Cơn Lốc chính là thủ phạm gây ra cái chết của tổng thống Mozambique 8 năm về trước. Trong quá trình đi tìm sự thật, "điệp viên Không - không - thấy" còn bị MI7 kết tội là nội gián của Cơn Lốc trà trộn vào. Nhục nhã và hổ thẹn, Johnny và cộng sự Tucker quyết tâm tìm cách minh oan cho bản thân và lật mặt kẻ chủ mưu đứng đằng sau âm mưu ám sát thủ tướng Trung Quốc.
Một cảnh kịch tính trong 'Johnny English Reborn'. Ảnh: Universal.
Rowan Atkinson khiến khán giả bật cười ngay từ giây phút đầu tiên ông xuất hiện trên màn ảnh rộng. Vẻ mặt ngác ngơ cùng dáng vẻ hậu đậu, vụng về của Johnny English đã đủ để khiến người xem phải phấn khích theo dõi. Khác với Mr. Bean có phần ngớ ngẩn, khi đóng Johnny English, Rowan Atkinson phải "vận động" nhiều hơn bởi nhân vật này có khá nhiều cảnh quay hành động, chiến đấu. Tính cách của "Không - không - thấy" có phần trăng hoa, "lả lướt", bộ mặt cũng "hình sự" và cố tỏ ra nghiêm trọng nhưng vẫn lộ rõ sự ngốc nghếch, khờ khạo, đặc biệt là trong các tình huống cao trào.
Kịch bản của Johnny English Reborn vô cùng đơn giản, không có tính bất ngờ. Nhưng điểm gây thích thú cho khán giả nằm ở cách xử lý tình huống của điệp viên Johnny English không đi theo quy luật thông thường của các điệp viên. Nói cách khác, đây là một hình ảnh đối trọng với James Bond 007 hào hoa, mạnh mẽ. Trong những chi tiết như khi "con mồi" phải leo trèo, vận dụng hết sức mạnh để chạy trốn thì Johnny English sử dụng những phương pháp không mất sức rất đơn giản, thực tế mà vẫn bắt được đối phương một cách nhanh gọn. Chính điều đó làm nên sức hấp dẫn của nhân vật này.
Rowan Atkinson cho biết, ông hoàn toàn dễ chịu khi trở lại với nhân vật này sau 8 năm. "Tôi vẫn luôn yêu thích Johnny English bởi sự tự mãn và thói quen đánh giá quá cao các kỹ năng của chính mình ở nhân vật này. Chúng có một điều gì đó vô cùng lôi cuốn. Tôi cảm thấy dễ chịu khi hóa thân vào các nhân vật cũ, dù là Mr. Bean hay Johnny English". Khoảng thời gian gần một thập kỷ cho thấy tài năng thực sự của Rowan. Ông vẫn "nhập vai" Johnny English một cách tự nhiên và tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn cho khán giả như khi nhân vật này lần đầu tiên trình làng vào năm 2003 trong phần một.
Gương mặt nhăn nhó, khôi hài đặc trưng của Rowan Atkinson. Ảnh: Universal.
Nhà sản xuất cũng khéo léo đưa vào phim những thương hiệu nổi tiếng như Rolls Royce hay Toshiba mà không gây phản cảm. Bên cạnh đó, người xem còn nhận thấy ở Johnny English Reborn rất nhiều hình ảnh quen thuộc, không chỉ James Bond mà còn Jason Bourne, Người vận chuyển của Jason Statham và thậm chí cả... Người đẹp ngủ trong rừng của Walt Disney. Các món vũ khí công nghệ cao trong phim ngoài việc cứu Johnny thoát khỏi bao phen cận kề cái chết thì còn phát huy tác dụng gây cười, ví dụ như vũ khí xác định vị trí, dấu vết của điệp viên hay chiếc máy hút bụi nhiều chức năng của nữ sát thủ lão làng lặn lội từ Hong Kong sang Anh để tìm cách tiêu diệt Johnny English.
Nhiều nhân vật chính trị như thủ tướng Trung Quốc, tổng thống Mozambique, thủ tướng Anh và cả nữ hoàng Anh cũng được đưa vào phim để tạo bất ngờ cho người xem, bổ trợ cho nét đặc trưng "không không thấy" của điệp viên Johnny English. Gillian Anderson - nữ diễn viên từng quen thuộc qua loạt phim truyền hình The X Files - lại xuất hiện khá mờ nhạt trong phim. Nhân vật Thi Mã của cô thậm chí còn không gây được ấn tượng bằng nữ sát thủ lão làng đến từ Hong Kong - người khiến Johnny English gặp bao phen khốn đốn với khả năng cải trang, biến hóa khôn lường.
Không phải là một tác phẩm điện ảnh có chiều sâu nhưng Johnny English Reborn lại đem tới nhiều tiếng cười sảng khoái cho khán giả. Yếu tố hành động, hài hước, dí dỏm và "thương hiệu" phim hài của Rowan Atkinson đủ để làm thỏa mãn những ai tìm tới rạp với mục đích giải trí, thư giãn. Khán giả Việt Nam được thưởng thức bộ phim này trước cả Bắc Mỹ và Anh.
Johnny English Reborn khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 16/9 với hai phiên bản - 2D Digital và 2D thường.
Theo VnExpress