Là đặc sản chỉ xuất hiện nhiều trong mùa mưa ở núi Cấm (TX.Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cua núi đã trở thành món ngon khó cưỡng, khiến nhiều du khách muốn được một lần nếm thử. Tuy nhiên, nếu trực tiếp “săn” cua núi thì sẽ thêm phần thú vị...
Không giống như cua đồng, cua núi không dễ để dùng tay bắt. Muốn bắt được cua núi, cư dân ở núi Cấm phải… đi câu. "Cần câu" cua núi thoạt nhìn tưởng đơn giản, nhưng muốn tạo ra dụng cụ này đòi hỏi kinh nghiệm nhất định.
Cần câu cua núi là nhánh tre dạng hơi cong, đầu có buộc chùm thun ngoằn ngoèo. Cái khó là phải làm sao cho chùm thun có hình dạng giống con mồi, mới "dụ" được cua núi... kẹp câu.
Gọi là “săn”, nhưng bắt cua núi không khó. Cua trú ngụ chủ yếu ở các hốc đá, bờ suối... Hiện, ở núi Cầm, chỉ khu vực vồ Bà, vồ Đầu hay ven các hồ, các đoạn suối lớn... là có nhiều cua núi.
Gặp một hốc đá nhỏ, cần thủ sẽ cho đầu cần câu có gắn dây thun vào trước miệng hốc đá, nhấp nhấp vài lần. Nếu hốc đá có cua ở, chúng sẽ phản ứng lập tức, bởi tưởng đó là con mồi.
Khi "săn" cua, cần thủ cần tập trung cao độ và kết hợp cùng thao tác lôi nhẹ cần câu để con cua tưởng mồi bỏ chạy, sẽ kẹp mạnh hơn. Lúc này, cần thủ chỉ giật mạnh cần câu, thì con cua văng ra khỏi hang.
Khi bị văng ra khỏi hang, cua núi khá hung dữ. Chúng giương đôi càng nghênh chiến. Nếu vội vàng chụp lấy, sẽ bị kẹp rất đau. Theo các cần thủ, cua núi kẹp đau hơn cua đồng, nên người câu cần phải dè chừng.
Với người có kinh nghiệm, việc bắt cua núi khá dễ dàng. Tuy nhiên, với du khách hoặc người dưới xuôi lên núi Cấm "săn" cua núi, thì nên cẩn thận, nếu muốn tự tay bắt chúng.
Trong quá trình bắt cua núi, cần thủ thường sử dụng giày thể thao, để dễ dàng leo các dốc đá. Ngoài ra, việc di chuyển săn cua trong đêm cũng đòi hỏi sự thận trọng.
Bên cạnh các hốc đá trên cạn, cần thủ thường men theo các đường ô nước, các nhánh suối nhỏ..., để câu cua núi.
Muốn bắt cua dưới các nhánh suối, cần thủ phải giở từng tảng đá nhỏ. Thông thường, cua hay nấp dưới những tảng đá nhỏ để đêm đến mò ra kiếm ăn.
Một con cua nằm dưới hòn đá nhỏ bị phát hiện. Nó co rút rất nhanh vào hốc đá. Việc phát hiện những con cua lớn luôn mang đến niềm vui cho cần thủ như chinh phục cô nàng khó tính!
Những con cua lớn, kích thước có thể bằng 3 ngón tay, có màu tím từ các chân kéo dài lên mai. Với cua già, trên mai còn có cả những đốm lông trông khá lạ mắt. Thời điểm chúng tôi đi săn, giá cua núi đang nằm ở ngưỡng 300.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ nguồn cung.
Với người chuyên đi săn cua núi, họ chỉ bắt những con cua vừa ăn. Với cua nhỏ, cua cái đang mang bọc trứng, họ sẽ thả lại với thiên nhiên để dành cho mùa khai thác năm sau, bởi họ ý thức được sự hào phóng của thiên nhiên là có hạn...
Xuất phát từ món ăn chơi của người dân trên núi Cấm cách đây chừng chục năm, cua núi đã dần trở nên nổi tiếng, xuất hiện trong bản đồ ẩm thực của du khách khi đến với An Giang, do có hương vị thơm ngon, được kết tinh từ thổ nhưỡng và nắng gió vùng Thất Sơn.
Thanh Tiến/Theo baoangiang.com.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin