Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ Euro 2012: Cuộc “cách mạng” Đức vẫn là hình mẫu

09:07, 01/07/2012

Cuộc cách mạng bóng đá tấn công của người Đức vẫn dang dở. Tuy nhiên, con đường, lý tưởng mà họ kiên định theo đuổi trong suốt 8 năm qua vẫn là hình mẫu đáng ngưỡng mộ và học tập.

Cuộc cách mạng bóng đá tấn công của người Đức vẫn dang dở. Tuy nhiên, con đường, lý tưởng mà họ kiên định theo đuổi trong suốt 8 năm qua vẫn là hình mẫu đáng ngưỡng mộ và học tập.

Từ KLINSMANN…

Sau thất bại tại Euro 2004 (bị loại ngay từ vòng bảng, trong đó có trận hòa 0-0 đáng xấu hổ trước Latvia), để chuẩn bị cho kỳ World Cup 2006 được tổ chức trên sân nhà, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã chọn cựu danh thủ Jurgen Klinsmann dẫn dắt Die Mannschaft.

Đức đã thất bại không phải vì không thể hiện được lối chơi, mà vì họ đã chơi thiếu tập trung trong một vài thời điểm quan trọng của trận đấu. Ảnh: T.L
Đức đã thất bại không phải vì không thể hiện được lối chơi, mà vì họ đã chơi thiếu tập trung trong một vài thời điểm quan trọng của trận đấu. Ảnh: T.L

Quyết định này đã vấp phải sự phản ứng khá gay gắt bởi nhà vô địch thế giới (VĐTG) Italia 1990 còn quá trẻ (khi ấy vừa tròn 40 tuổi), lại chưa hề có kinh nghiệm huấn luyện, dù là ở cấp CLB. Tuy nhiên, không ai ngờ đây lại là viên gạch đặt nền móng đầu tiên cho một cuộc cách mạng thay đổi bản sắc của cả một nền bóng đá (BĐ) đã giành đến 3 chức VĐTG và chừng ấy chiếc cúp châu Âu.

Chỉ có 2 năm chuẩn bị, nhưng Klinsmann và các cộng sự đắc lực, như: Bierhoff và Loew đã thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ. Đầu tiên, họ tổ chức một cuộc hội thảo với các HLV và cầu thủ Đức, để rồi tất cả đều đi đến thống nhất: phải chơi với ý thức tấn công chủ động và nhịp độ cao.

Từ một nền BĐ có phần khô cứng với triết lý đặt tính hiệu quả, lạnh lùng lên hàng đầu và phản ứng theo lối chơi của đối thủ, “chúng tôi quyết định đi theo con đường chủ động tấn công, chuyền bóng và luân chuyển nó từ phía dưới lên trên càng nhanh càng tốt bằng cách hướng đến thứ BĐ năng động” - Klinsmann sau này kể lại. Không phải chiến thắng bằng mọi giá mà chiến thắng nhưng phải mang lại niềm vui, sự thỏa mãn cho khán giả. Đó là cả một cuộc cách mạng về tư duy.

Mục tiêu đã được vạch ra, với sự ủng hộ của DFB, vị HLV trưởng trẻ tuổi của đội tuyển quốc gia (ĐTQG) làm việc với tất cả các CLB, học viện BĐ và các ĐT trẻ của Đức để thay đổi phương pháp huấn luyện, các bài tập kỹ chiến thuật theo hướng này. Không chỉ vậy, DFB và Klinsmann còn ứng dụng triệt để khoa học công nghệ vào BĐ, mời chuyên gia thể lực người Mỹ cho ĐTQG; các CLB phải theo dõi, ghi nhận các tham số kỹ chiến thuật, y sinh của tất cả cầu thủ, qua từng trận đấu; chế độ dinh dưỡng được tính toán chi ly, thậm chí việc uống nước trở thành bắt buộc (uống trước khi cơ thể đòi hỏi chứ không phải khát mới uống…).

Và người ta đã chứng kiến một tuyển Đức bùng nổ và trẻ trung, tươi mới như thế nào tại World Cup 2006. Dù Klinsmann và các học trò chỉ về hạng 3 (cũng thua chính Italia ở bán kết) nhưng màn trình diễn của BĐ đầy cống hiến của ĐT nước Đức hoàn toàn chinh phục khán giả, “đó là đội bóng của chúng ta là cách chơi mà chúng tôi muốn thấy”.

…Đến Joachim Loew

Sau World Cup 2006, Klinsmann tự nguyện rời vị trí thuyền trưởng. Trên cái nền để lại của người tiền nhiệm cùng những cầu thủ được đào tạo theo phong cách mới, nhất quán từ cấp CLB, HLV Loew hoàn thiện những chi tiết kỹ thuật - chiến thuật và phát triển, nâng cao lối chơi của ĐT Đức.

Hiểu rõ yếu tố quan trọng nhất trong BĐ là vị trí trên sân, các cầu thủ phải hiểu rõ vị trí và cách di chuyển của mình trong hệ thống chiến thuật chung; Loew chia sân bóng thành 18 hình chữ nhật với 3 phần theo chiều dọc và 6 theo chiều ngang. Khi một cầu thủ rời ô (khu vực) mà mình phụ trách, lập tức một người khác phải vào trám chỗ của đồng đội.

Với cách tổ chức khoa học cùng việc yêu cầu các cầu thủ phải liên tục di chuyển như trong môn bóng bầu dục Mỹ (một sáng tạo của Klinsmann, vốn sống ở Mỹ), hệ thống vận hành chiến thuật của Die Mannschaft như một mô hình mạng có tính tổ chức rất cao bởi sự liên kết hết sức chặt chẽ giữa các mắt xích, đồng thời dành chỗ cho sự sáng tạo, đột biến. Với cách vận hành như vậy trong 3 kỳ giải lớn liên tiếp, Đức đều chí ít vào đến bán kết và luôn là đội có lối chơi lôi cuốn, ưa thích nhất.

 Nhưng cuộc cách mạng vẫn chưa trọn vẹn

So với World Cup 2010, tại Euro 2012, ĐT Đức đã cho thấy có sự tiến bộ, chín chắn hơn rất nhiều. Không bùng nổ như 2 năm trước, nhưng họ thi đấu biến hóa hơn, các đợt tấn công linh hoạt, đa dạng hơn và biết điều tiết nhịp điệu.

Tuy nhiên ngay từ vòng bảng, những điểm yếu của “cỗ xe tăng” đã được chỉ ra, trong đó đáng chú ý nhất là hàng thủ của Đức để lộ quá nhiều khoảng trống mỗi khi tấn công. Bằng chứng là Neuer đã phải 2 lần vào lưới nhặt bóng trước Hà Lan và Đan Mạch, rồi đến tứ kết một đội chuyên tâm chơi phòng ngự như Hy Lạp cũng có thể 2 lần sút thủng lưới Đức. Die Mannschaft là đội dẫn đầu về số bàn thắng tại Euro 2012 với 10 bàn, nhưng trong 4 đội mạnh nhất giải họ cũng là đội số bàn thua nhiều nhất (6 bàn, chỉ hơn Ireland và Hy Lạp).

Một điểm yếu thứ 2 là tuyển Đức hôm nay đã đánh mất bản sắc vốn là sức mạnh truyền thống khiến cả thế giới phải nể sợ. Đó là bản lĩnh, tinh thần thép của các thế hệ cầu thủ đi trước. Sau thất bại trước Italia, “hoàng đế” Beckenbauer cho rằng các cầu thủ Đức bị tâm lý (điều mà các thế hệ trước đây chưa hề mắc phải): “Những câu chuyện về lời nguyền trước Italia đã khiến họ tê liệt”. Một phần nguyên nhân khiến chất Giéc Manh phai nhạt là sự xuất hiện của quá nhiều cầu thủ gốc ngoại trong Mannschaft (có tới 8 gương mặt, trong đó có 5 đá chính ở trận bán kết vừa qua). Sự xuất hiện của những cầu thủ gốc ngoại là tất yếu trong một thế giới giao thoa và nó mang đến cho ĐT Đức sự mới mẻ, đa dạng hơn; nhưng đồng thời cũng khiến tính cách Đức kiên cường của Die Mannschaft không còn thuần chất.

Dừng bước ở bán kết World Cup 2006, thua chung kết Euro 2008, rồi lại bán kết World Cup 2010 và bây giờ là bán kết Euro 2012; cuộc cách mạng BĐ tấn công của người Đức vẫn dang dở. Đã 16 năm Đức chưa tìm lại được một danh hiệu, đành hẹn thêm 2 năm nữa, nhưng World Cup 2014 lại diễn ra ở Nam Mỹ, thánh địa của Brazil. Chỉ mong không vì thất bại ở Euro này mà họ không tiếp tục kiên định con đường đã chọn, vì cho dù chưa dẫn tới thành quả cuối cùng, nhưng con đường ấy đã giúp BĐ Đức được công nhận, tôn trọng và mến mộ.

Minh Chung

 

Tin xem nhiều