Hiếm có một đội tuyển (ĐT) nào thay đổi công thức đã mang lại 3 trận toàn thắng. Càng không một nhà cầm quân nào tại một giải đấu lớn, ở đúng vòng “knock out” lại dám cất một lúc 3 cầu thủ đã mang về đến 5 bàn thắng ở vòng bảng. Vậy mà HLV Joachim Loew và ĐT Đức đã làm điều đó, và đã mang về thành công mỹ mãn.
Hiếm có một đội tuyển (ĐT) nào thay đổi công thức đã mang lại 3 trận toàn thắng. Càng không một nhà cầm quân nào tại một giải đấu lớn, ở đúng vòng “knock out” lại dám cất một lúc 3 cầu thủ đã mang về đến 5 bàn thắng ở vòng bảng. Vậy mà HLV Joachim Loew và ĐT Đức đã làm điều đó, và đã mang về thành công mỹ mãn.
HLV Joachim Loew (ngoài cùng bên trái) đã thành công với quyết định mạo hiểm của mình. Ảnh: T.L |
Chưa thể nói đội hình và lối chơi của Đức ở trận tứ kết với Hy Lạp mạnh hơn, chắc chắn hơn so với 3 trận vòng bảng. Nhưng có thể khẳng định, 3 gương mặt mới trên hàng công, gồm 1 già: Klose (34 tuổi), 2 trẻ: Schuerrle (21 tuổi) và Reus (23 tuổi) - thay Mueller, Podolski và Gomez, đã thổi vào lối chơi của Die Mannschaft một sinh khí mới.
Khả năng di chuyển không biết mệt mỏi của Schuerrle và Reus, cùng những pha chạy chỗ không bóng thông minh và lão luyện để lôi kéo, tạo khoảng trống trong vùng cấm của Klose đã góp phần phá vỡ phòng tuyến phòng ngự mà Hy Lạp đã chuẩn bị dựng lên. Không chỉ vậy, 2 trong số họ: Klose và Reus còn trực tiếp ghi bàn đóng đinh trận đấu, kết liễu không thương tiếc thiên thần thoại của người Hy Lạp.
Tuy nhiên, sự thay đổi bất ngờ này không chỉ là ý tưởng của riêng HLV Joachim Loew. Trước trận tứ kết trong mục xã luận thể thao của một tờ báo Đức, cựu HLV Bayern Munich hiện đang dẫn dắt CLB Wolfsburg, Felix Magath đã có đề xuất. Theo nhà cầm quân lão làng này: Hy Lạp sẽ chơi lùi sâu, phòng ngự và họ rất giỏi việc đó, được tổ chức tốt, chơi quyết liệt, có kỷ luật. Trước một đối thủ như vậy, Magath cho rằng, Đức cần những tiền vệ có thể cầm bóng và chơi tốt trong khoảng không gian hẹp và biết tạo đột biến như Klose, Schuerrle hay Mario Goetze (người vào sân ở phút 80 thay Reus). Ông Magath nhấn mạnh: “Tất nhiên, những thay đổi như thế cũng có rủi ro khiến nhịp điệu bị phá vỡ, nhưng riêng trận này chúng ra cần điều đó. Khi đã vào bán kết, chúng ta có thể quay lại với đội hình xuất phát đã thành công ở vòng bảng”.
Không chỉ biết lắng nghe và cầu thị, nhà cầm quân trẻ của Mannschaft còn cho thấy sự kiên định và chính kiến của mình như trước đó để giữ đến cùng tiền đạo Gomez bất chấp mọi lời chỉ trích (và chân sút này đã ghi 3 bàn ở vòng bảng), cũng như không ngừng bảo vệ và khẳng định Ozil sẽ tỏa sáng ở vòng knock out (chính là cầu thủ đoạt danh hiệu xuất sắc nhất trong trận tứ kết với Hy Lạp với 2 pha kiến tạo thành bàn).
Vẫn còn không ít hạn chế cần khắc phục để Đức có thể tìm lại được một danh hiệu vô địch sau 16 năm (lần cuối cùng họ đăng quang ở một giải đấu lớn là tại Euro 1996). Đặc biệt, chính ở trận thắng vang dội nhất trước Hy Lạp đội quân của Loew lại bộc lộ nhiều điểm yếu nhất; nhưng với một ĐT dồi dào về tài năng để lựa chọn, có khả năng tự điều chỉnh, thích ứng nhanh; cho đến lúc này chính Đức chứ không phải Tây Ban Nha mới là ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vô địch Euro 2012.
Ai có thể cản nổi xích xe tăng Đức đang lừng lững tiến vào Kiev, nơi sẽ diễn ra trận chiến cuối cùng, người Anh hay Italia?
Đông Kha