Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23-11-2022 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã ban hành chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ. Trong ảnh: Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng |
Chương trình hành động sẽ cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của vùng Đông Nam bộ nói chung. Từ đó, mở ra cơ hội mới cho vùng đất năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.
* Phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 8-8,5%
Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong tháng 10 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, những năm qua, cơ cấu kinh tế của vùng Đông Nam bộ đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.
Công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đổi mới giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá, vùng Đông Nam bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức lớn. Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; một số chỉ tiêu quan trọng chưa đạt như đề ra.
Chính vì vậy, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24, đưa ra các nhóm quan điểm cùng các mục tiêu và giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để phát triển vùng. Ngày 23-11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154 về chương trình hành động của Chính phủ để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng nói riêng và của vùng Đông Nam bộ nói chung.
Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt khoảng 8-8,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng (tương đương 14,5 ngàn USD); tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP; công nghiệp và xây dựng chiếm 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%); nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30-35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70-75%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng năng suất lao động của vùng đạt khoảng 7%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40-45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%; đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 10 ngàn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
* 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển
Theo đánh giá, vùng Đông Nam bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế thời gian qua có nguyên nhân nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ. Thể chế liên kết chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn và cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, việc phân cấp, phân quyền chưa tạo được sự chủ động cho các địa phương. Các quy hoạch chất lượng chưa cao. Năng lực quản lý của bộ máy, cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở về quản trị xã hội còn hạn chế…
Chính vì vậy, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đặt ra, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển vùng Đông Nam bộ trong giai đoạn tới gồm: công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24; phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Ngoài ra, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể, 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
29 dự án kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ Trong chương trình hành động của Chính phủ có 29 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng gồm: xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại TP.HCM; xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng tại TP.HCM; dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM; mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM; đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát; nâng cấp, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; nâng cấp, mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; xây dựng tuyến kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành (quốc lộ 20B); hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển TP.HCM; dự án Đường sắt đô thị TP.HCM; dự án Tuyến đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với Bình Dương, Đồng Nai; dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luống đường thủy nội địa; hoàn thành giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành; đầu tư mở rộng cảng hàng không Côn Đảo và nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E... |
Phạm Tùng