Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ là 2 cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam bộ.
Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ là 2 cực tăng trưởng mới của vùng Đông Nam bộ.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 |
* Tâm phát triển mới
Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức khởi công xây dựng vào đầu năm 2021. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Với công suất thiết kế phục vụ 25 triệu lượt hành khách cùng 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm ở giai đoạn 1 và 100 triệu lượt hành khách cùng 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm khi hoàn thành xây dựng toàn bộ, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai. Với vị thế đó, sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực to lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Đồng Nai mà còn cho cả vùng Đông Nam bộ và cả nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho rằng, dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung, khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và các tỉnh, thành phía Nam nói riêng. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Luồng lưu thông khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm.
Phát biểu tại buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh, các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện 2 dự án trọng điểm quốc gia đang được triển khai thực hiện trên địa bàn Đồng Nai vào ngày 27-4, Phó thủ tướng Chính phủ LÊ VĂN THÀNH nhấn mạnh, dự án Sân bay Long Thành là dự án “trọng điểm của trọng điểm quốc gia”. Đây cũng là dự án sẽ nâng tầm vị thế của quốc gia. |
Hiện nay, Đồng Nai cũng đang nghiên cứu để phát triển mô hình thành phố sân bay nhằm mở rộng sự lan tỏa động lực phát triển từ dự án Sân bay Long Thành.
Trong khi đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ là một trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế.
Trong những năm qua, khối lượng hàng hóa tăng trưởng ổn định; riêng năm 2020, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu khối lượng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Cả đã tiếp nhận thành công một trong những tàu container lớn nhất thế giới hiện nay có trọng tải 214.121 DWT, qua đó nâng tầm vị thế của cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và của Việt Nam.
Chính vì vậy, đối với lĩnh vực cảng biển, hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được đánh giá sẽ trở thành trung tâm cảng biển của vùng Đông Nam bộ trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, với sân bay Long Thành, khu vực phía Nam đã có thêm một điểm kết nối giao thương hàng hóa lớn bằng đường hàng không bên cạnh điểm giao thương kết nối bằng đường biển là cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ GT-VT về việc xây dựng quy hoạch chi tiết cảng biển Đồng Nai vào tháng 5 vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, mọi hoạt động kinh tế của vùng Đông Nam bộ thời gian tới sẽ hướng về H.Long Thành và khu vực Cái Mép - Thị Vải. “Tâm phát triển mới của vùng Đông Nam bộ sẽ là khu vực Long Thành và Cái Mép. Mọi hoạt động kinh tế của vùng sẽ xoay quanh 2 tâm phát triển mới này” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.
* Tạo đà tăng trưởng
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, 2 dự án hạ tầng giao thông quan trọng của vùng Đông Nam bộ là đường vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Đây là 2 dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá phát triển cho cả vùng Đông Nam bộ và góp phần kết nối, lan tỏa động lực phát triển của “siêu” sân bay Long Thành và “siêu” cảng biển Cái Mép - Thị Vải trong tương lai.
Trên thực tế, việc đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối chính là yêu cầu cấp bách để tháo gỡ “điểm nghẽn”, tạo bứt phá cho vùng Đông Nam bộ nói chung cũng như phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển của 2 tâm phát triển mới của vùng là sân bay Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải.
Bộ trường GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là những dự án sẽ tạo ra sự đột phá phát triển về kinh tế - xã hội.
Để hiện thực hóa được mục tiêu đưa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành động lực để phát triển của cả vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa “siêu” sân bay và “siêu” cảng biển là yếu tố then chốt.
PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho rằng, sân bay Long Thành khi hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ tạo động lực rất lớn để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, trong đó có ngành logistics. Tuy nhiên, để tiềm năng này trở thành hiện thực đòi hỏi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cũng phải được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu.
“Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng đóng vai trò cực kỳ quan trọng và là yếu tố quan trọng để quyết định thành công. Bởi một trong những yếu tố quan trọng, đánh giá hiệu quả hoạt động logistics là vấn đề thời gian” - PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa cho biết.
PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa cũng cho rằng, để có được một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng đồng bộ thì không chỉ nỗ lực từ mỗi tỉnh Đồng Nai là có thể làm được mà cần phải có những hợp tác liên kết vùng với các địa phương lân cận.
Phạm Tùng