Chương trình Hàng Việt về nông thôn thực sự có hiệu quả tại Tây Ninh, khi tại các chợ khu vực biên giới, hàng Việt đã “lên ngôi”. Nhiều mặt hàng mang thương hiệu Việt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các tiểu thương nhập từ chợ TX. Tây Ninh, chợ Long Hoa (Tây Ninh) hoặc chợ Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh).
Chương trình Hàng Việt về nông thôn thực sự có hiệu quả tại Tây Ninh, khi tại các chợ khu vực biên giới, hàng Việt đã “lên ngôi”. Nhiều mặt hàng mang thương hiệu Việt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các tiểu thương nhập từ chợ TX. Tây Ninh, chợ Long Hoa (Tây Ninh) hoặc chợ Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh).
Mặc dù được xem là chợ lớn vùng biên giới huyện Châu Thành, nhưng chợ Hòa Bình vẫn chỉ là một chợ biên giới nghèo. Hàng hóa trong chợ là các mặt hàng thiết yếu, như: nông sản, bánh kẹo, gạo, thực phẩm đóng gói, quần áo, giày dép. Điều đặc biệt nhất khi đến chợ Hòa Bình, các mặt hàng của Việt Nam chiếm ưu thế, với các thương hiệu, như: Kinh Đô, Bibica, Vissan, thực phẩm Cầu Tre, đồ hộp Hạ Long, sữa Vinamilk, giày dép Biti’s, bột giặt Vì dân...
Theo những tiểu thương buôn bán tại đây, trước đây trong chợ cũng có bán một số mặt hàng của Thái Lan và Trung Quốc. Nhưng khi thông tin về quần áo Trung Quốc có tẩm hóa chất gây nguy hại, người dân tẩy chay và chuyển sang sử dụng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng Thái Lan, Trung Quốc vận chuyển về từ bên kia biên giới có giá cao nhưng chất lượng không ai đảm bảo, nên dần dà người dân cũng không lựa chọn sử dụng nữa.
Chợ Hòa Bình được chia thành 2 khu vực, phía con đường bên phải chợ là nơi tập trung của những cửa hàng chuyên bán cho dân Campuchia. Tại cửa hàng của chị Trương Thị Mũi, chúng tôi thấy có khá đông chị em là người Campuchia đến mua bánh kẹo, thực phẩm khô để về sử dụng trong gia đình và bán lại. Chị Mũi cho biết: “Hàng Việt Nam có giá bán rẻ hơn nhiều nên những người Campuchia ở giáp bên kia biên giới đều sang đây mua về, thường là để bán lẻ lại và để dùng trong gia đình”.
Tại khu nhà lồng chợ đến khu vực bán hàng quần áo, đa số hàng hóa bán tại đây là hàng Việt Nam. Tiểu thương bán quần áo cho biết, quần áo được lấy từ các chợ sỉ ở TP. Hồ Chí Minh, đều là hàng Việt Nam may gia công. Tuy mẫu mã và màu sắc không đẹp, sắc sảo như hàng Trung Quốc trước đây, nhưng vẫn bán được vì người dân đều hỏi mua hàng Việt Nam.
Chị Lê Kim Yến và chị Lê Kim Thu, tiểu thương bán hàng quần áo tại đây, cho biết: “Giờ tụi tôi chỉ dám bán hàng Việt Nam, hàng có chữ Trung Quốc không ai dám mua, không bán được phải bỏ đi”.
Có thể thấy, tuy chỉ cách biên giới Campuchia không xa, nhưng những mặt hàng xuất xứ Việt Nam vẫn chiếm ưu thế ở ngôi chợ biên giới này, vì người tiêu dùng hiện nay đã trở thành người tiêu dùng thông minh khi tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về xuất xứ, chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, nhờ sự đầu tư, cải tiến và nâng cao từ chất lượng đến mẫu mã, hàng Việt dần dần trở thành sự lựa chọn quen thuộc của mọi người dân từ thành thị, nông thôn đến vùng xa biên giới.
Anh Thảo