Bờ Tây sông Sài Gòn là khu vực nằm dọc sông Sài Gòn, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (thuộc một phần quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh). Đây sẽ là khu vực được TP.Hồ Chí Minh quy hoạch mới, đa phần dành cho các không gian công cộng.
Bờ Tây sông Sài Gòn là khu vực nằm dọc sông Sài Gòn, trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (thuộc một phần quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh). Đây sẽ là khu vực được TP.Hồ Chí Minh quy hoạch mới, đa phần dành cho các không gian công cộng.
Cầu Thủ Thiêm nối đôi bờ Sài Gòn đã đưa vào sử dụng 3 năm qua sẽ nằm ở vị trí trung tâm của vùng quy hoạch bờ Tây. |
Đây là khu vực hiện có các cảng lớn, như: Tân Cảng, cảng Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son. Theo định hướng quy hoạch, khu vực này sẽ khống chế dân cư để dành hầu hết dải đất dọc sông bờ Tây xây công viên cây xanh và đường đi bộ. Nhà cao tầng cũng sẽ hạn chế, chỉ hình thành các điểm nhấn cao tầng tại các đầu mối giao thông kết nối giữa trung tâm hiện hữu và khu vực Thủ Thiêm.
Các khu dân cư ở khu bờ Tây sông Sài Gòn sẽ được tổ chức theo mô hình sử dụng đất hỗn hợp, các khu chức năng được tổ chức xen cài trong từng ô phố nhằm đa dạng hóa các hoạt động đô thị, giảm khoảng cách đi lại, tăng cường dân số vào các khu vực mới phát triển nhằm tăng khả năng đầu tư và giảm ảnh hưởng về mặt giao thông.
Khi việc di dời Tân Cảng hoàn tất, khu vực này sẽ bắt đầu khai thác sử dụng đất hỗn hợp với các loại hình nhà ở, trung tâm thương mại, dịch vụ… kết hợp tổ chức thành các không gian công cộng dành cho người dân thành phố với hình thức công viên tập trung. Không gian đô thị ở đây sẽ được tổ chức theo hướng mở một trục xanh, lộ giới trên 24m đi xuyên khu đất, tạo luồng lưu thông từ đường Nguyễn Hữu Cảnh vào lõi khu đất và kết thúc bằng một khu phức hợp thấp tầng, mở tầm nhìn ra sông Sài Gòn. Cầu cảng được đề nghị giữ lại làm công viên và đường giao thông.
Khu Nam Thị Nghè có các công trình với chức năng thương mại, dịch vụ, ở, giải trí, giáo dục… Các công trình nhà ở sẽ nằm dọc sông để khai thác tối đa diện tích mặt nước, chiều cao công trình thấp dần về phía quận 1.
Khu Ba Son cũng có công trình có chức năng thương mại, dịch vụ, ở, giải trí... nhưng các công trình này được phân chia thành 2 khu vực có bố cục khác nhau: Khu vực phía Tây Nam là khu điểm nhấn cao tầng, khu Đông Bắc xây dựng thấp dần về phía bờ sông.
Khu cảng quận 4 sẽ tạo tầm nhìn tối đa ra bờ sông cho khu đô thị hiện hữu bằng các không gian mở tại các vị trí giao nhau giữa đường Nguyễn Tất Thành và các đường hiện hữu. Ở đây còn có dải cây xanh lớn, liên tục dọc bờ sông.
Việc quy hoạch khu bờ Tây sông Sài Gòn được Nikken Sekkei, một đơn vị nước ngoài tư vấn. Hiện nay, những công trình tương lai đã bắt đầu khởi động. Ví dụ, phía quận 2, tương lai sẽ có một quảng trường và một công viên rộng lớn. Khu đất này hiện đang được chuẩn bị mặt bằng. Những mùa hè qua, người dân ở các quận nội thành thường đến hóng mát, thả diều tại đây và tưởng tượng đến viễn tương lai.
Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều chú trọng việc quy hoạch 2 bên bờ sông. Bài toán mà TP.Hồ Chí Minh còn phải giải quyết để đề án này đi vào hiện thực là vấn đề dân số, giao thông, bảo vệ môi trường. Tuy dự án vẫn còn trên giấy nhưng người Sài Gòn hôm nay có quyền dự cảm về vẻ đẹp của thành phố trong một ngày không xa.
Mạnh Trần