Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhiên trên 70 ngàn hécta, trong đó 25% là diện tích mặt nước với các sông lớn Soài Rạp, Lòng Tàu cùng các chi lưu, như: Gò Gia, Đồng Tranh, Vàm Sát… Vùng ngập mặn chiếm gần 60% diện tích toàn huyện. Cần Giờ đang nỗ lực để trở thành một đô thị du lịch sinh thái kiểu mẫu.
Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.Hồ Chí Minh, có diện tích tự nhiên trên 70 ngàn hécta, trong đó 25% là diện tích mặt nước với các sông lớn Soài Rạp, Lòng Tàu cùng các chi lưu, như: Gò Gia, Đồng Tranh, Vàm Sát… Vùng ngập mặn chiếm gần 60% diện tích toàn huyện. Cần Giờ đang nỗ lực để trở thành một đô thị du lịch sinh thái kiểu mẫu.
Thiên nhiên ban cho miền Đông Nam bộ những mảng rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam mà người dân địa phương thường gọi là rừng Sác. Phần diện tích rộng nhất của rừng Sác là rừng ngập mặn Cần Giờ. Cần Giờ không chỉ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà còn là vùng du lịch sinh thái, du lịch biển đầy tiềm năng của TP.Hồ Chí Minh...
* Ngày càng đông du khách
Khi con đường Rừng Sác - một công trình giao thông quan trọng tạo sức bật cho Cần Giờ phát triển - chính thức thông xe cuối năm 2011, lượng khách du lịch đến với Cần Giờ mỗi năm một tăng lên. Đây cũng là con đường góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng duyên hải Cần Giờ. Trong 2 năm qua, các đơn vị ngành điện, cấp thoát nước cũng đã đẩy mạnh đầu tư các công trình phục vụ người dân và khách du lịch tại địa phương này.
Cần Giờ là vùng chiến khu xưa. Từ một vùng đất “chết” với hàng chục ngàn hécta rừng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Sau 1975, Đảng và Nhà nước đã đầu tư để người dân địa phương từng bước khôi phục, tái sinh những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn, xanh tắp và trở thành “lá phổi xanh” của TP. Hồ Chí Minh hôm nay.
Theo thống kê, trong vòng 2 năm qua, mỗi năm Cần Giờ thu hút bình quân 600 ngàn du khách đến với các khu du lịch, như: Vàm Sát; Khu di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác, Lâm Viên - đảo khỉ, bãi biển 30-4… Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư các khu vui chơi, giải trí có tính quy mô và hiện đại tại đây. Các bộ: Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Tài nguyên - môi trường đã có đề án xây dựng tuyến đê biển, cách bờ biển hiện hữu khoảng 2km. Saigontourist đã khởi công xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay). Bên cạnh đó, còn có hàng chục dự án đầu tư các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí đã và đang triển khai.
* Phát triển để bảo vệ
Rừng ngập mặn Cần Giờ được Tổ chức Giáo dục - khoa học và văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000. Việc phát triển du lịch sinh thái cũng là hình thức tận dụng lợi thế thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Theo các nhà khoa học, rừng Cần Giờ chứa đựng rất nhiều giá trị về lịch sử, khảo cổ, văn hóa tín ngưỡng. Trong rừng Cần Giờ hiện có nhiều khu vực bảo tồn động vật có giá trị như khu Lâm Viên - Đảo khỉ với hàng ngàn cá thể khỉ đuôi dài; khu Vàm Sát với khu bảo tồn chim rộng hơn 600 hécta có hơn 7 ngàn cá thể chim các loại và khu bảo tồn dơi nghệ với hàng ngàn con. Đặc biệt, nằm sâu trong những cánh rừng ngập mặn nơi đây còn có căn cứ cách mạng Chiến khu rừng Sác.
Trong định hướng của UBND TP.Hồ Chí Minh, Cần Giờ hướng đến xây dựng và trở thành một đô thị du lịch sinh thái rừng - biển rất đặc trưng. |
Trên địa bàn huyện Cần Giờ có khoảng 16 di tích đã được khảo sát và 5 di tích được khai quật, đào thám sát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, cách đây khoảng 2 ngàn năm, Cần Giờ đã là một “cảng thị sơ khai” trong khu vực.
Đặc biệt, Cần Giờ đã phối hợp với nhiều trường đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước, thu hút sự tham gia của người dân địa phương triển khai nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại rừng ngập mặn Cần Giờ. Những kết quả mang lại rất khả quan, như: số loài cây rừng ngập mặn gia tăng, nhiều loài trước đây biến mất nay đã xuất hiện trở lại; những khu đất bồi đã tạo thêm diện tích cho các loài cây tiên phong xuất hiện. Đặc biệt, Cần Giờ đã xây dựng được hơn 127 hécta rừng giống đước, tạo nguồn gen cây rừng phục vụ công tác trồng rừng tại chỗ và cung cấp cho các khu vực khác.
Mạnh Trần