Báo Đồng Nai điện tử
En

Người Tà Mun sẽ là dân tộc thứ 55 ở Việt Nam?

08:11, 20/11/2012

Ở miền Đông Nam bộ, mà cụ thể là ở 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước hiện có khoảng 3 ngàn người Tà Mun sinh sống. Nhiều năm qua, trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam, không có dân tộc Tà Mun, tộc người này được xếp vào một nhánh của dân tộc S’Tiêng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, người Tà Mun có nhiều điểm khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử so với người S’Tiêng.

Ở miền Đông Nam bộ, mà cụ thể là ở 2 tỉnh Tây Ninh và Bình Phước hiện có khoảng 3 ngàn người Tà Mun sinh sống. Nhiều năm qua, trong danh mục 54 dân tộc Việt Nam, không có dân tộc Tà Mun, tộc người này được xếp vào một nhánh của dân tộc S’Tiêng. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, người Tà Mun có nhiều điểm khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử so với người S’Tiêng.

Việc đề nghị công nhận tộc người này đã được đưa ra từ nhiều năm nay nhưng hiện chưa có câu trả lời chính thức từ các cơ quan chức năng. Nếu người Tà Mun được công nhận như một dân tộc, thì Việt Nam sẽ không chỉ có 54 mà là 55 dân tộc anh em.

* Nỗi niềm tìm nguồn cội

Người Tà Mun ở tỉnh Bình Phước hiện có 234 hộ với 1.143 khẩu tập trung ở xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản. Con số này ở Tây Ninh là 1.680 người cư trú rải rác ở các huyện: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và TX.Tây Ninh.

Một ngôi nhà của người Tà Mun còn lưu giữ những vật dụng cổ.
Một ngôi nhà của người Tà Mun còn lưu giữ những vật dụng cổ.

Người Tà Mun không có chữ viết, chỉ lưu giữ được tiếng nói riêng của mình thuộc nhóm ngôn ngữ Môn Khmer, gần với ngôn ngữ của dân tộc Chơro. Theo các nhà nghiên cứu, người Tà Mun có một số phong tục, tập quán và truyền thống khác với người S’Tiêng bên cạnh các nét văn hóa có sự giao thoa, cộng cư với các nhóm dân tộc Nam Trường Sơn, đồng thời người Tà Mun cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa của tộc người Khmer.

Các làn điệu dân ca nguyên thủy của người Tà Mun được sưu tầm, như: các bài hát nghi lễ, hát ru và hát sinh hoạt giao duyên qua lao động sản xuất có nhiều nét độc đáo đến bất ngờ. Tục “cưới chồng” vẫn còn duy trì được đến nay là nét văn hóa đặc trưng của họ. Người Tà Mun hiện còn lưu giữ các hình thức lễ hội, như: lễ cầu mưa, lễ gieo hạt, lễ cúng cơm mới, lễ bỏ mả... Lễ cúng cơm mới cũng được xem như ngày tết cổ truyền của dân tộc, diễn ra vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch.

Trước đây, người Tà Mun sống du canh, du cư có 2 giống lúa riêng gọi là Trô và Sau-sơ-ra, khi lúa mới chín vàng mơ, bà con kéo nhau ra rẫy để thu hoạch, bởi nếu để lúa chín nữa, thóc sẽ rụng hết. Họ đeo gùi trên lưng, dùng tay tuốt từng bông lúa bỏ vào gùi, mang về nhà chứa vào bồ.

Một nét độc đáo khác là khi nấu cơm, họ mang lúa ra luộc cho chín rồi mới mang ra phơi cho khô, sau đó mới dùng chày giã thành gạo, cơm mới dẻo và ngon. Sau khi thu hoạch xong, họ tổ chức cúng thần linh đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa để họ được một mùa vụ bội thu gọi là lễ rước nước. Theo tập tục, mọi người cùng mặc áo váy mới, cùng đóng góp lúa nếp, heo, gà, vịt... cho làng để tổ chức cúng ông bà chung vào đêm cuối tháng 8, sau đó mới trở về nhà cúng rước ông bà riêng của từng nhà.

Những tư liệu về văn hóa dân gian cũng như vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc Tà Mun ngày càng bị mai một do đời sống hiện đại và do quá trình cộng cư diễn ra nhiều năm qua. Những già làng Tà Mun đang đau đáu khát vọng dân tộc mình được công nhận và được Nhà nước hỗ trợ để bảo vệ các di sản văn hóa.

* Còn đó những rào cản pháp lý

Người Tà Mun hiện nay đa số thuộc diện nghèo. Nguồn thu nhập chính nhờ làm rẫy, làm vườn hoặc làm thuê mướn. Ông Lâm Cây, một người dân ở Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) cho biết: “Nhiều gia đình Tà Mun giờ hết đất làm rẫy phải đi xịt thuốc thuê, cạo mủ mướn. Nhưng cũng có một số gia đình theo gương người Kinh biết trồng cao su, trồng điều, trồng cà phê cũng có thu nhập ổn định”.

Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước Lê Văn Hiếu cho biết: “Hiện số hộ nghèo là người Tà Mun ngày càng ít hơn. Nhưng điều mà người Tà Mun quan tâm nhất là kiến nghị được Nhà nước trả lại cái tên dân tộc cho bà con lâu nay chưa thực hiện được vì còn phải chờ các kết luận nghiên cứu”.

Theo các nhà khoa học, muốn công nhận một dân tộc, cần phải căn cứ trên nhiều yếu tố, đặc biệt là mối quan hệ giữa người Tà Mun với các cộng đồng dân tộc bản địa, như: S’Tiêng, Chơro, Khmer… mới có thể xác định chính xác. PGS. TS. Ngô Quang Sơn - Viện trưởng Viện Dân tộc (thuộc Ủy ban Dân tộc) nói rằng: Trong các tiêu chí nhận diện một tộc người, yếu tố ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử là 3 yếu tố rất quan trọng. Nhưng hiện nay các kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa của người Tà Mun còn chưa đầy đủ, cần phải có thêm thời gian mới có thể kết luận được.

Điều đáng nói là lâu nay, các loại giấy tờ hành chính, như: giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn của người Tà Mun Bình Phước đều ghi rõ Tà Mun trong phần dân tộc. Trước năm 1975, chế độ cũ cũng ghi nhận điều này và người Tà Mun hiện không muốn nhận mình là người S’Tiêng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước Điểu Hơn nói rằng: “Chúng tôi mong sớm có sự công nhận tên gọi đối với tộc người Tà Mun theo đúng tiêu chí, quy định, đặc biệt là cơ sở khoa học.”

Công việc của những nhà nghiên cứu văn hóa, những người làm công tác dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, nhưng điều cần lo hơn - theo các nhà quản lý - là chuyện giúp đỡ một số bà con còn khó khăn do thiếu đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định và giúp đỡ cả cộng đồng cùng phát triển kinh tế để giữ gìn những nét văn hóa riêng của mình đang có nguy cơ bị mai một ngày càng nặng nề.

Trọng Nguyễn

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều