Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông “cả chùa” được người dân quý mến

09:10, 29/10/2012

Ở phường 1, TX.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) có gần 80 hộ đồng bào dân tộc Chăm, sinh sống tập trung tại KP2. Trong cộng đồng này, ông Chàm Sá (ảnh) là người có uy tín rất lớn. Với bà con ở đây,  Chàm Sá như hiện thân của một già làng, luôn quan tâm đến họ từ việc lớn đến việc nhỏ.

Ở phường 1, TX.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) có gần 80 hộ đồng bào dân tộc Chăm, sinh sống tập trung tại KP2. Trong cộng đồng này, ông Chàm Sá (ảnh) là người có uy tín rất lớn. Với bà con ở đây,  Chàm Sá như hiện thân của một già làng, luôn quan tâm đến họ từ việc lớn đến việc nhỏ.

Gia đình nào khó khăn trong làm ăn, con cái học hành chểnh mảng, vợ chồng lục đục, ông Chàm Sá đều có mặt để giúp đỡ. Với những hộ nghèo, ông Chàm Sá như là ân nhân, vì họ có được cuộc sống ổn định hôm nay, cũng nhờ ông cả chùa này.

Bà Ay Sah, một người dân ở đây cho biết: “Ông rất thương người dân nghèo khổ, đi làm thuê, làm mướn. Ông lo nhà cửa, công việc cho bà con yên tâm làm ăn. Ông nói gì, bà con đều nghe theo”.

Sinh ra trong một gia đình có 5 người con, ông là con cả trong nhà. Gia cảnh khó khăn, nhà lại đông anh em, ông Chàm Sá phải nghỉ học khi vừa hết lớp 2. Khi lớn lên, thấy cảnh nhà quá khó khăn, trách nhiệm nuôi các em ăn học được đặt trọn lên ông Chàm Sá. Thời thanh niên, ông  bươn chải mưu sinh nhiều công việc, để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Làm ruộng, chăn trâu, làm thuê, hễ có việc là ông lao vào làm, không quản ngại gian khó hay mặc cảm con nhà nghèo. Miễn sao phụ giúp được cha mẹ phần nào là ông vui. Sau này, kinh tế gia đình tạm ổn, nhìn quanh thấy nhiều hộ dân tộc Chăm vẫn còn nghèo khó, ông Chàm Sá tự nguyện đứng ra đại diện cho bà con, đi tìm sự trợ giúp. Gia đình nào không có nhà, ông đi vận động các nhà hảo tâm, liên hệ với chính quyền địa phương, tận dụng nhiều nguồn khác nhau, để xây nhà cho bà con. Tính đến nay, ông đã vận động xây khoảng 40 căn nhà cho hộ nghèo tại phường 1 và hàng chục căn nhà đại đoàn kết cho các hộ dân tộc Chăm ở các huyện khác.

Ông Chàm Sá khiêm tốn cho biết: “Nhà nước quan tâm bà con dân tộc rất nhiều, từ chuyện học hành, xóa đói giảm nghèo, sản xuất, chăn nuôi. Tôi chỉ phụ cùng cán bộ MTTQ để trực tiếp giúp bà con thôi”.

Bà con Chăm ở đây gần một nửa làm nông nghiệp, số còn lại buôn bán nhỏ lẻ, làm công nhân, lao động phổ thông. Các hộ dân tộc Chăm đã có đất sản xuất, bình quân 0,3 hécta/hộ. Đời sống bà con nay đã ổn định, có nhà cửa kiên cố, có nước sinh hoạt, điện thắp sáng, đường giao thông nội thị được nhựa hóa, con cái đi học. Bà Trần Thị Thanh Thuyên, Phó chủ tịch UBND phường 1, nhận xét: “Ông Chàm Sá có đạo đức, tác phong tốt, gương mẫu. Chính sách gì địa phương cần tuyên truyền với bà con đều thông qua ông Chàm Sá để ông dịch ra tiếng Chăm cho bà con hiểu và trực tiếp vận động thực hiện, như: vận động bà con chăn nuôi trâu bò không thả rong hoặc cột xung quanh nhà, vận động bà con giữ gìn vệ sinh chung, nhất là không xả rác xuống khu vực rạch Tây Ninh…”.

Ghi nhận và cổ vũ những tấm gương có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 1761, công nhận Chàm Sá là một trong 27 người tiêu biểu nhất về mức độ uy tín đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Dù nay đã bước sang tuổi 63, độ tuổi người ta cho phép mình nghỉ ngơi, an dưỡng, nhưng ông Chàm Sá vẫn chưa có ý định dừng lại, khi nào bà con còn cần đến ông, người cả chùa này vẫn hết lòng phụng sự, góp phần xây dựng khu phố ngày càng phát triển, văn minh.

Nguyên Vũ

 

 

Tin xem nhiều