Thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư ở TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong việc tiếp tục triển khai các dự án địa ốc. Không đủ năng lực tài chính, việc kêu gọi hợp tác đầu tư gặp nhiều trở ngại, hàng loạt công trình địa ốc ở đây đang thi công dở dang, phải tạm ngừng triển khai.
Thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian qua đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư ở TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong việc tiếp tục triển khai các dự án địa ốc. Không đủ năng lực tài chính, việc kêu gọi hợp tác đầu tư gặp nhiều trở ngại, hàng loạt công trình địa ốc ở đây đang thi công dở dang, phải tạm ngừng triển khai.
Không chỉ có các đại gia bất động sản trong nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đứng trước tình trạng không triển khai tiếp được dự án và có nguy cơ bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do chậm tiến độ.
* Thiếu nguồn lực tài chính
Nhiều dự án từng một thời đình đám của Quốc Cường Gia Lai, Sông Đà River Side, căn hộ Green House... hiện đang phải ngưng thi công. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do thiếu hụt nguồn lực tài chính.
Nhiều dự án địa ốc ở TP.Hồ Chí Minh phải tạm ngưng thi công vì thiếu vốnm (Ảnh: Xuân Vinh). |
Dự án căn hộ Green House được khởi công xây dựng từ giữa năm 2010, sau khi xây dựng xong phần móng và chính thức công bố bán từ đầu năm 2011, nay vẫn chỉ có… phần móng! Hoặc dự án Khu đô thị đại học quốc tế tại huyện Hóc Môn có tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD do Công ty Berjaya Land Berhad thuộc Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) làm chủ đầu tư, là dự án có mô hình trường đại học kết hợp khu nhà ở sinh thái đầu tiên tại Việt Nam và mang tầm cỡ quốc tế được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7-2008, dự kiến được khởi công vào đầu năm 2009, nhưng đến nay mới dừng lại ở khâu chuẩn bị. Đại diện chủ đầu tư cho biết, nhà đầu tư mới giải ngân được hơn 93 tỷ đồng.
Tương tự, dự án cao ốc căn hộ cao cấp BMC - Hưng Long tại quận 7, TP.HCM do Công ty vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư được khởi công tháng 7-2007, dự kiến bàn giao căn hộ cuối năm 2009, nhưng đến nay, vẫn ở tình trạng dở dang và tạm dừng thi công.
Những trường hợp như thế khá nhiều và xuất hiện tại hầu hết các quận, huyện, như: Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, 9, Nhà Bè… Các chuyên gia cho rằng, tình trạng ngưng xây dựng hàng loạt các dự án bất động sản như thế là một lãng phí lớn.
* Sẽ rút giấy phép
Cũng có trường hợp, tình trạng chậm tiến độ đầu tư không phải do thiếu vốn. Ví dụ: Dự án Khu đô thị Saigon Sport City đầu tư phát triển khu đất 79,7 hécta tại Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2 để xây dựng và khai thác kinh doanh một trung tâm huấn luyện và giải trí, thể dục - thể thao hiện cũng chững lại vì mâu thuẫn giữa các bên tham gia dự án.
Cũng có trường hợp, dự án chậm tiến độ xuất phát từ câu chuyện đền bù, giải tỏa hoặc sự thiếu thống nhất quan điểm trong công tác bồi thường giữa nhà đầu tư và địa phương. Nhiều chủ đầu tư cho rằng, việc thực hiện đúng tiến độ dự án cần phải đi đôi với tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng do phía địa phương đầu tư. Trong khi đó, đơn vị phối hợp thì cho rằng, mức bồi thường tại dự án này quá thấp so với các dự án giáp ranh.
Tuy vậy, tình trạng chậm tiến độ không hoàn toàn do thiếu năng lực tài chính như hầu hết các dự án địa ốc hiện nay. Chủ đầu tư vẫn còn năng lực tài chính, nhưng do đầu tư dàn trải tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều ngành nên không tập trung được nguồn lực.
Thực trạng này đã bắt đầu từ cuối năm ngoái. Đầu năm nay, UBND TP.HCM đã có nhiều động thái cảnh báo các chủ đầu tư không được tiếp tục trì hoãn, không hoàn thành các thủ tục đầu tư như đã cam kết. Nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên tại TP.HCM hiện đã bị các cơ quan chức năng đề nghị UBND TP.HCM thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do chậm tiến độ.
Huy Bảo