Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi người miền Đông có metro

09:09, 18/09/2012

Cách nay 40 năm, người dân Biên Hòa đi xe gắn máy về TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ mất 45 phút - thậm chí 30 phút - vì lúc đó đường thông thoáng. Giờ đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng xe máy, ô tô trên đầu dân ngày càng tăng, nhu cầu đi lại ngày càng lớn, tình trạng kẹt xe chưa có lời giải. Lời giải ấy đang chờ một công trình vừa khởi công vào cuối tháng rồi: tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Cách nay 40 năm, người dân Biên Hòa đi xe gắn máy về TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ mất 45 phút - thậm chí 30 phút - vì lúc đó đường thông thoáng. Giờ đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, số lượng xe máy, ô tô trên đầu dân ngày càng tăng, nhu cầu đi lại ngày càng lớn, tình trạng kẹt xe chưa có lời giải. Lời giải ấy đang chờ một công trình vừa khởi công vào cuối tháng rồi: tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên. 

Lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải cùng lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh bấm nút khởi công dự án Metro đầu tiên.             Ảnh: M. Trần
Lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải cùng lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh bấm nút khởi công dự án Metro đầu tiên. Ảnh: M. Trần

Đây là tuyến metro đầu tiên trong cả nước được xây dựng với tổng giá trị đầu tư hơn 47.320 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách. Tuyến metro ấy có tổng chiều dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức thuộc địa bàn TP.HCM và phần cuối tuyến nằm ở địa phận TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

* Thỏa ước mong sau 5 năm tới…

Sau khi vượt sông Sài Gòn, tuyến metro này gần như song song với xa lộ Hà Nội để đến bến Suối Tiên, nối vào cửa ngõ giao thông quan trọng TP.HCM với Biên Hòa - Vũng Tàu, nơi có nhu cầu lưu thông vào ra thành phố lớn nhất nước.

Các nhà ga được kết nối với hệ thống xe buýt để thuận lợi cho người dân đi lại. Tuyến metro này sẽ phục vụ các trung tâm lớn, như: Khu công nghệ cao, Khu đại học quốc gia, Khu vui chơi giải trí Suối Tiên, Bến xe miền Đông mới..., đặc biệt giảm ùn tắc giao thông và là động lực để phát triển đô thị khu vực Đông Bắc TP.HCM.

Những người lâu nay phải dùng xe buýt để ra vào trung tâm TP.HCM hy vọng đến năm 2017, theo kế hoạch, tuyến metro đầu tiên này sẽ hoàn thành và thời gian đầu vận chuyển khoảng 186 ngàn hành khách/ngày. Đến năm 2020, tuyến metro này sẽ vận chuyển 620 ngàn hành khách/ngày và đến năm 2040 vận chuyển được hơn 1 triệu hành khách/ngày.

Sau khi hoàn thành tuyến metro đầu tiên, sẽ có 6 tuyến metro khác ở TP.HCM được tiếp tục xây dựng. Người dân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ được hưởng thụ thành quả giao thông có ý nghĩa này trong 5 năm tới.

* Vượt khó để hoàn thành

Xây dựng metro là hoạt động chưa có tiền lệ trong ngành giao thông nước ta, đặc biệt là xây dựng đường ngầm trong lòng đất (mỗi đường ngầm metro có đường kính 6m là một chiều tàu chạy) ở độ sâu khoảng 20m chạy dọc từ khu vực chợ Bến Thành đến Nhà máy Ba Son.

Với tốc độ tàu metro chạy từ 40-60 km/giờ, lộ trình Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km chỉ mất khoảng 30 phút (cứ 5 phút có một chuyến xuất bến và tàu dừng ở mỗi ga bình quân 1,5 phút để đón và trả khách). Toàn tuyến có 14 nhà ga, trong đó nhà ga số 1, 2, 3 nằm ngầm dưới mặt đất.

Chính vì thế, nhiều khó khăn trước mắt đang được đặt ra cho chủ đầu tư, nhất là công tác giải phóng mặt bằng ở một đô thị vốn phát triển nóng những năm qua, vì nó dính đến hàng loạt các yêu cầu di dời: nhà dân, công sở, các công trình cấp nước, điện, cây xanh, chiếu sáng, thông tin liên lạc…

Nhưng, việc thực hiện thành công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này sẽ là tiền đề tốt để thực hiện các dự án metro tiếp theo cũng như thúc đẩy hoàn thiện hệ thống giao thông ở TP. HCM.

Trước mắt, thành phố phải nhanh chóng giải phóng mặt bằng để thi công, đồng thời phải kiên quyết giám sát tốt công trình trong thời gian xây dựng đảm bảo đạt chất lượng quốc tế, đúng tiến độ, an toàn cao nhất.

Mạnh Trần

 

 

 

 

Tin xem nhiều