Từng là chủ của 10 hécta điều, thế nhưng do nhiều lần cầm cố, bán điều non để tiêu xài nên hiện nay vườn điều của gia đình bà Thị Dung ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) chỉ còn chưa được 1 hécta. Ngay cả vườn điều còn lại này cũng đã được khoán cho một hộ khác thu hoạch từ tháng 7-2009 để lấy 65 triệu đồng. Giờ đây, cả nhà bà Thị Dung phải làm thuê kiếm sống qua ngày…
Từng là chủ của 10 hécta điều, thế nhưng do nhiều lần cầm cố, bán điều non để tiêu xài nên hiện nay vườn điều của gia đình bà Thị Dung ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) chỉ còn chưa được 1 hécta. Ngay cả vườn điều còn lại này cũng đã được khoán cho một hộ khác thu hoạch từ tháng 7-2009 để lấy 65 triệu đồng. Giờ đây, cả nhà bà Thị Dung phải làm thuê kiếm sống qua ngày…
Trường hợp bà Thị Dung không phải là cá biệt. Theo kết quả kiểm tra mới đây tại các huyện, thị của Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh hiện có 818 hộ bán điều non và cầm cố đất với diện tích hơn 1.900 hécta, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập.
* Nhức nhối một thực trạng
Thực trạng bán điều non, vay tiền với lãi suất cao, cầm cố đất đai, bán đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (phần lớn là người S’Tiêng, M’Nông) đã diễn ra nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có giải pháp giải quyết triệt để.
Nhiều vườn điều được giao đất theo chương trình 135 giờ cũng bị bà con cầm cố. |
Được hỏi vì sao phải bán đất liên tục trong nhiều năm mà vẫn còn vay nợ, bà Thị Dung nói: “Vì mình đông con, con lại hay bệnh nên phải vay mượn người ta. Tới lúc trả nợ, không có tiền phải bán bớt một vài hécta. Từ năm 2008 đến nay, nợ lại chồng chất. Giờ tôi phải làm thuê mua gạo nuôi con, còn miếng vườn nhỏ đã cầm, giờ chỉ mong Nhà nước xem xét giúp gia đình chuộc lại”.
Ông Điểu Đông, thôn trưởng Đắk Khâu, xã Phú Văn, giải thích thêm: “Năm nào cũng có hộ bán điều non để làm đám cưới, mua xe cho con, xây nhà, mua đầu máy, tivi... Phần lớn đồng bào chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt là nhanh có tiền lại không phải lao động nên lấy tiền sắm trang thiết bị sinh hoạt quá mức cần thiết. Chính vì không làm chủ được kế hoạch chi tiêu nên nhiều hộ vay tiền, mà toàn vay nặng lãi”.
Tất nhiên, không phải hộ bán điều non nào cũng vì thích sắm sửa. Có hộ do thất mùa, thiếu gạo ăn, gia đình có người ốm đau, nên phải vay mượn. “Mà ở đây có nhiều người cho vay nặng lãi, bà con đa phần thiếu cân đối tính toán, đến lúc cộng lãi thành ra con số nợ 30 - 40 triệu đồng là mất khả năng chi trả, phải bán đất” - ông Điểu Đông nói thêm.
Giá bán điều non hiện nay dao động từ 8 - 11 triệu đồng/hécta, thời gian bán từ 1 năm đến 12 năm, thậm chí có hộ bán 20 năm. Trong khi đó, với giá thị trường hiện nay, mỗi hécta điều có thể cho thu hoạch từ 50 - 60 triệu đồng.
* Ngăn chặn cho vay nặng lãi
Nguyên nhân của thực trạng này không chỉ xuất phát từ phía bà con nghèo, mà còn do thủ đoạn của các đối tượng cho vay. Thời gian đầu các đối tượng này làm quen, cho các hộ mượn một số ít tiền, cho mua hàng thiếu nợ, dần dần họ tìm cách dụ dỗ bà con mua hàng, vay tiền tính lãi cao rất tinh vi. Đến lúc đòi nợ, bà con không có tiền trả, họ cấn nợ, xiết đất.
Do không biết cách làm ăn, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. |
Tình trạng bán điều non, cầm cố đất, chuyển nhượng đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội: đói nghèo, gia tăng nạn phá rừng, thế nhưng các địa phương vẫn lúng túng trong xử lý. Ông Điểu Giá, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nói: “Hầu hết các trường hợp bán điều non, cầm cố đất đai, cho vay nặng lãi đều được giao kèo miệng hoặc viết giấy tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương nên khó phát hiện. Nhiều trường hợp cụ thể cơ quan chức năng không đủ cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt. Ví dụ như, mình đâu có cấm họ sang nhượng đất vì dính tới Luật Đất đai”.
Năm 2010, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Chỉ thị số 14 về tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng trên, song đến nay, tình hình vẫn không mấy khả quan. Ông Huỳnh Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, cho biết: “Chỉ thị 14 góp phần ngăn chặn tình trạng này. Các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền để bà con nhận thức được vấn đề. Đối với tư thương cho vay nặng lãi, ép dân lấy vườn, nhiều trường hợp cũng đã bị đưa ra giáo dục răn đe, thậm chí đã có trường hợp bị truy tố trước pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng này chưa giảm vì tính chất rất phức tạp”.
Thực trạng này chỉ có thể khắc phục từng bước bằng các biện pháp điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cho vay nặng lãi, lừa đảo, ép buộc đồng bào bán điều non, bán đất sản xuất. Đồng thời, phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Ngọc Dũng