Báo Đồng Nai điện tử
En

Tranh thủ lợi thế để thu hút đầu tư

09:07, 24/07/2012

Xếp thứ 9/63 tỉnh, thành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hiện Tây Ninh đang có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư với 207 dự án, tổng vốn đăng ký 1.441 triệu USD và 288 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 29.960 tỷ đồng.

Xếp thứ 9/63 tỉnh, thành về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hiện Tây Ninh đang có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư với 207 dự án, tổng vốn đăng ký 1.441 triệu USD và 288 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 29.960 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, so với lợi thế của mình, các con số đó vẫn còn khiêm tốn.

* Điểm sáng trong thu hút đầu tư

Những năm qua, nhiều dự án đầu tư tại Tây Ninh đã hoạt động hiệu quả, mở rộng quy mô. Chẳng hạn: Công ty cổ phần Bourbon An Hòa là chủ đầu tư dự án vườn công nghiệp Bourbon An Hòa có quy mô 1.020 hécta đang kêu gọi đầu tư vào nhiều hạng mục công trình, như: khu công nghiệp, khu kho cảng, khu dân cư…

Lợi thế của tỉnh Tây Ninh là có đường biên giới dài và nhiều cửa khẩu. Trong ảnh: Cửa khẩu Mộc Bài.       Ảnh: Q.Hưng
Lợi thế của tỉnh Tây Ninh là có đường biên giới dài và nhiều cửa khẩu. Trong ảnh: Cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh: Q.Hưng

Ông Trần Tựu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bourbon An Hòa cho biết: Vườn công nghiệp Bourbon An Hòa có giá cho thuê đất rất cạnh tranh, tốt nhất khu vực tỉnh Tây Ninh và so với các tỉnh lân cận. Vườn công nghiệp đã thu hút được nhiều dự án từ Singapore, Ấn Độ, Đài Loan, Thái Lan…

Ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có vị trí đặc biệt trong phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhờ nằm ở vị trí giao kết của các tuyến đường giao thông huyết mạch, trên các trục hành lang kinh tế quốc gia, có đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua nên dễ dàng tiếp cận với các cảng biển và các trung tâm kinh tế lớn trong vùng. UBND tỉnh Tây Ninh rất quan tâm đến việc xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, thuận tiện để mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

* Phát huy lợi thế

Theo ông Võ Tấn Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh muốn qua Campuchia đến các tỉnh Đông Bắc Thái Lan đều phải qua Tây Ninh.

Hệ thống đường bộ nối với Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long cũng là lợi thế giúp tỉnh này đóng vai trò trung chuyển, tiếp vận, tập kết, phân phối cho nhiều khu vực. Tây Ninh còn có ưu thế biên giới tiếp giáp Campuchia với nhiều hệ thống cửa khẩu là nơi trung chuyển, cung ứng tốt hàng hóa cho thị trường Campuchia, đến các nước khu vực và ngược lại, thu hút nguồn hàng từ nước ngoài cho thị trường trong nước.

Tuyến đường sắt của hành lang kinh tế phía Nam chạy từ Dawei của Myanmar qua Thái Lan, Campuchia đến Việt Nam do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất xây dựng, sẽ hoàn thành vào năm 2020. Trên tuyến đường sắt này, Tây Ninh sẽ là nơi tập kết hàng hóa vận chuyển sang nhiều địa phương của các nước trong khu vực, như: Phnom Penh, Siem Reap, Stung Treng (Campuchia), Rachathani (Thái Lan), Pakse (Lào)…, hoặc tiếp nhận hàng hóa từ các vùng đó rồi phân phối đi các tỉnh, thành khác trong cả nước. Đến năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành, trục hành lang kinh tế này sẽ có những tác động liên kết kinh tế khu vực sôi động và mang tầm quốc tế.

Ông Trần Lưu Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, tỉnh đang nỗ lực công nghiệp hóa nên rất cần các nguồn vốn đầu tư để phát triển hạ tầng. Theo quy hoạch, TX.Tây Ninh sẽ lên thành phố vào năm 2015. Hiện nay, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Tây Ninh.

Quang Hưng

 

Tin xem nhiều