Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hồ Chí Minh mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà đưa ra kiến nghị thành lập Sở Công nghệ cao cho địa phương này. Ý tưởng ấy xuất phát từ quan điểm cho rằng, một trong những mục tiêu lớn của TP.Hồ Chí Minh là phát triển công nghệ cao.
Tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP. Hồ Chí Minh mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà đưa ra kiến nghị thành lập Sở Công nghệ cao cho địa phương này. Ý tưởng ấy xuất phát từ quan điểm cho rằng, một trong những mục tiêu lớn của TP.Hồ Chí Minh là phát triển công nghệ cao.
Nhưng trong cuộc họp này, cũng có ý kiến cho rằng việc phát triển công nghệ cao ở TP.Hồ Chí Minh những năm qua chưa thật sự có hiệu quả tương xứng. Vậy đâu là “bức tranh tổng thể” công nghệ cao của TP.Hồ Chí Minh hiện nay?
* Cùng cả nước, vì cả nước
Nhiều năm qua, TP.Hồ Chí Minh đã tập trung hướng đến các dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin (CNTT)… trong phát triển kinh tế - xã hội. Nỗ lực thực hiện mục tiêu ấy thể hiện ở việc tiếp tục đầu tư cho lĩnh vực công nghệ, kêu gọi doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm công nghệ. Nhiều chương trình nghiên cứu phát triển trên các lĩnh vực, như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - điện tử và GIS, cơ khí - tự động hóa và vật liệu mới…
Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: M.Trần |
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó giám đốc Công ty công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cho biết, tính đến thời điểm này, QTSC đã thu hút được 102 đơn vị CNTT, trong đó có 44 đơn vị nước ngoài; tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 78,83 triệu USD. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động tại QTSC năm 2011 đạt gần 2 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh (SHTP) những năm qua đã trở thành địa điểm thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước. Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP cho biết, đến nay, SHTP đã có 57 dự án đầu tư, với tổng vốn 2,03 tỷ USD, trong đó vốn đã giải ngân đạt 706,6 triệu USD.
Bức tranh phát triển công nghệ cao của TP.Hồ Chí Minh còn có sự đóng góp của Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh (ICDREC) với việc nghiên cứu và đưa vào ứng dụng nhiều loại chip, sản phẩm công nghệ bán dẫn hàng đầu trong nước. Mới đây, ICDREC là phòng kiểm định đầu tiên của Việt Nam nhằm phục vụ nhu cầu kiểm định các lõi IP bán dẫn vừa và nhỏ do Việt Nam thiết kế hay phối hợp cùng đối tác khác. Phí kiểm định 10 -15 ngàn USD cho một sản phẩm.
* Nhìn về tương lai
Năm 2012, nhiều đơn vị đã xây dựng định hướng chiến lược và nhiều giải pháp trọng tâm mang tính đột phá để tạo đà cho sự vươn lên mạnh mẽ hơn. Cụ thể, SHTP đặt mục tiêu thu hút 10 - 12 dự án với số vốn 160 triệu USD; tiếp tục triển khai Chương trình “công nghiệp hỗ trợ” đối với một số dự án công nghệ cao đang hoạt động trong SHTP, phát triển chương trình hệ thống năng lượng mặt trời…
Theo ông Phan Minh Tân - Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, bằng những chính sách thiết thực trong hoạt động khoa học - công nghệ, sự quyết tâm của chính quyền và DN trên địa bàn thành phố, sự phát triển công nghệ cao của địa phương này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tạo đột phá phát triển toàn diện đời sống kinh tế - xã hội, đưa TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực. |
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT QTSC cho biết, mục tiêu tổng quát năm 2012 và các năm tiếp theo là tiếp tục phát triển QTSC thành một đô thị sản xuất phần mềm và dịch vụ CNTT uy tín hàng đầu của Việt Nam và khu vực, có điều kiện làm việc và sinh sống tiện nghi, hiện đại.
Hiện có nhiều công ty CNTT và phát triển phần mềm nước ngoài (chủ yếu từ Nhật Bản và Hàn Quốc) có ý định mở rộng quy mô hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư là các doanh nghiệp phần mềm tại Việt Nam, như: IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp), Tập đoàn Nikkiso (Nhật Bản)…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, trong quá trình phát triển công nghệ cao cũng còn nhiều điểm vướng về pháp lý, cơ chế mà hiện các sở, ngành liên quan thỉnh thoảng vẫn nêu lên.
Mạnh Trần