Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh nghiệm hợp tác công - tư ở TP. Hồ Chí Minh

10:07, 30/07/2012

Hợp tác công - tư là một hình thức xã hội hóa đầu tư nhằm mục đích vừa giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước vừa đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.

Cầu Phú Mỹ, công trình giao thông được thực hiện bằng hình thức hợp tác công - tư (PPP).            Ảnh: M.Trần
Cầu Phú Mỹ, công trình giao thông được thực hiện bằng hình thức hợp tác công - tư (PPP). Ảnh: M.Trần

Hợp tác công - tư là một hình thức xã hội hóa đầu tư nhằm mục đích vừa giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước vừa đẩy nhanh tiến độ cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật và xã hội để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.

Trong giai đoạn 2011-2025, TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) cần hơn 42 tỷ USD để phát triển kết cấu hạ tầng nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là việc tiếp cận các nguồn vốn. Chính vì vậy phải tìm ra hướng đi vừa tiết kiệm ngân sách vừa đảm bảo sự phát triển. Trong bối cảnh này, quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư do Chính phủ ban hành từ năm 2010 đã đến được với nhiều dự án giao thông lớn.

* Từ câu chuyện một cây cầu

Khởi đầu cho xu hướng hợp tác công - tư là công trình cầu Phú Mỹ do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm chủ đầu tư và thầu xây dựng nước ngoài thi công.

Ở công trình này, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ được sự chuyển nhượng của Nhà nước trong khai thác và kinh doanh hạ tầng. Nhờ có sự hợp tác tốt, cán cân Nhà nước - tư nhân (hay còn gọi là công - tư) mà cầu Phú Mỹ đã hoàn thành vượt trước tiến độ 4 tháng, sử dụng hiệu quả số vốn của nhà đầu tư. Hiện cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng hiện đại có quy mô bậc nhất Việt Nam và được xếp là một trong những biểu tượng của TP.HCM hiện đại.

Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ Nguyễn Thành Thái cho rằng: “Nhà đầu tư luôn cần biết một dự án sẽ thực hiện thế nào, dự kiến hoàn thành lúc nào. Một dự án nói hoàn thành trong 3 năm mà đến 5 năm không xong thì tốn kém nhiều, họ không chịu đầu tư”.

Nhiều năm qua, hàng loạt công trình giao thông ở phía Nam, như đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã và đang thực hiện theo phương thức hợp tác đầu tư đạt những thành công nhất định. Hầu như các công trình trên đều bảo đảm tiến độ, có tầm ảnh hướng lớn đến giao thông trong khu vực.

* Cần sớm ban hành luật đối tác công tư

Nhiều năm qua, ở Việt Nam và đặc biệt là ở TP.HCM, nhiều dự án được thực hiện theo mô hình hợp tác công - tư (PPP) song đến nay, hành lang pháp lý cho hoạt động theo mô hình này chưa hoàn thiện, còn thiếu đồng bộ.

Hợp tác công tư - PPP (Public Private Partner) được xem như đòn bẩy để phát triển hạ tầng tại Việt Nam. PPP được hiểu là hình thức mà Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước. Đây được xem là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân vì tận dụng được nguồn lực tài chính và quản lý từ tư nhân mà vẫn đảm bảo lợi ích cho người dân.

Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được ban hành là cơ sở pháp lý đầu tiên quy định về hình thức đầu tư này. Tuy nhiên, quyết định này không đủ đảm bảo khuôn khổ pháp lý để vận hành một mô hình có tầm vĩ mô và không đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.  Và trên thực tế, không có nhiều tỉnh, thành có kinh nghiệm, tiềm lực xã hội hóa lớn như TP.HCM. Chính vì vậy, những nhà đầu tư vẫn cần một hành lang pháp lý vững chắc, đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi để họ tiếp tục cùng Nhà nước chung tay xây dựng các công trình trọng điểm cho xã hội.

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Đối tác công tư để huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp dịch vụ và hàng hóa công cộng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị.

Mạnh Trần

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều