Báo Đồng Nai điện tử
En

Bù Đăng còn những “làng nghề”...

09:07, 24/07/2012

Giữa lúc nhiều mặt hàng Trung Quốc “giả” thổ cẩm xuất hiện trên thị trường với giá cực rẻ, người S’Tiêng ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vẫn quyết giữ nghề dệt thủ công truyền thống. Thổ cẩm S’Tiêng được dệt từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ, qua các công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn… cha ông để lại.

Bà Điểu Thị Bét ngắm các hoa văn bên tủ đựng thổ cẩm của gia đình.
Bà Điểu Thị Bét ngắm các hoa văn bên tủ đựng thổ cẩm của gia đình.

Giữa lúc nhiều mặt hàng Trung Quốc “giả” thổ cẩm xuất hiện trên thị trường với giá cực rẻ, người S’Tiêng ở huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vẫn quyết giữ nghề dệt thủ công truyền thống. Thổ cẩm S’Tiêng được dệt từ đôi tay khéo léo của người phụ nữ, qua các công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn… cha ông để lại.

Vào những ngày nông nhàn, ở sóc 28, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, chị em S’Tiêng thường dành thời gian để dệt thổ cẩm và chỉ cho con cháu cùng làm nghề. Già làng Điểu Nhiêm nói: “Ở đây nhà nào cũng có một người biết dệt, có hộ sinh sống hẳn bằng nghề này”.

* Gìn giữ cho đời sau

Chị Điểu Thị Mum chia sẻ: “Các thiếu nữ tuổi 14, 15 thường được mẹ hoặc cô, dì trong nhà truyền dạy nghề để có vải cho gia đình may váy áo mặc trong lễ hội và chia cho con cái. Nhiều nhà còn dệt để bán cho du khách và bà con”. Trong vòng một tuần, chị Mum có thể hoàn thành một tấm thổ cẩm. Giá bình quân từ 500 - 600 ngàn đồng. Có những sản phẩm độc đáo được đặt hàng có thể bán với giá 1,5-2 triệu đồng.

Để dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn khác nhau, như: trồng bông, thu hoạch, tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống... rất vất vả. Ngay cả khâu tìm màu nhuộm cũng đòi hỏi người thợ phải hết sức công phu. Chẳng hạn, muốn có màu đen làm nền, phải nhuộm tấm thổ cẩm bằng vỏ cây lộc vừng, lá hai bia, lá trâm bầu… sau đó đem ngâm trong bùn non 7 ngày đêm liên tục; còn muốn có màu đỏ phải dùng mủ cây cánh kiến ở trên rừng; hay muốn màu xanh thì chọn lá, vỏ cây chàm…

Hầu hết đồng bào S’Tiêng ở các sóc đều duy trì nghề thổ cẩm như một sinh hoạt gia đình.

Công đoạn chọn màu đã khó, nhưng công đoạn phối màu còn khó hơn. Để tạo được những hoa văn tinh xảo, độc đáo, người thợ dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối… như những họa sĩ thực thụ. Ngoài ra, dập vải cũng là khâu quan trọng do yêu cầu phải làm đều tay, nếu không vải sẽ không căng mịn và khó nổi bật hoa văn. Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ nhỏ dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc đẹp và hoa văn tinh xảo.

* Cần có sự hỗ trợ

Nghệ nhân Điểu Thị Bét tâm sự: Những tấm thảm được dệt với các công đoạn truyền thống chỉ còn lưu giữ được trong nhà của già làng hoặc những người giàu có ở buôn, sóc.

Bà Thị Sơn giữ “hồn” cho thổ cẩm.
Bà Thị Sơn giữ “hồn” cho thổ cẩm.

Hiện đồng bào S’Tiêng không còn trồng bông lấy sợi, không tìm được đủ lá, vỏ cây rừng để nhuộm màu sắc cho thổ cẩm nên chuyển sang mua len, chỉ với các màu sắc khác nhau để thay thế. Bên cạnh các hoa văn gần gũi, như: hoa đẹp, cây, lá, sóng nước, máy bay, hình thoi, hình tam giác… thì nghệ nhân còn “cập nhật” nhiều hoa văn “đời mới”. Thực tế, nếu làm đúng quy trình cũ và hoa văn cũ, chi phí cho một tấm thổ cẩm sẽ cao, giá bán không đủ chi phí đầu vào.

Chị Điểu Dung, một người dân ở đây nói thêm: “Xem truyền hình, tôi thấy nhiều vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, Tây Bắc được Nhà nước hỗ trợ, thậm chí được các tổ chức của Nhật tài trợ để duy trì nghề thổ cẩm của dân tộc mình nhưng người S’Tiêng ở Bình Phước chưa thấy”.

Trong nhà của người S’Tiêng ở Bù Đăng hôm nay luôn có những tấm thổ cẩm đẹp được gìn giữ. Các bé gái vẫn hồi hộp chờ đến tuổi thiếu nữ để được mẹ, bà truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Nhưng, tình yêu ấy không biết có đủ sức giữ gìn nét văn hóa này hay không, nếu họ chưa có được sự hỗ trợ cần thiết để đối mặt với chuyện cơm - áo - gạo - tiền...

Tuyết Ly

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều