Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo hiểm cây công nghiệp: Vì sao nông dân chưa mặn mà?

09:07, 03/07/2012

 Hiện toàn tỉnh Bình Phước chỉ có các công ty cao su, các doanh nghiệp chuyên về trồng cao su và một số ít tiểu điền tham gia bảo hiểm, mặc dù loại hình này hình thức chia sẻ rủi ro giúp nông dân yên tâm hơn khi đầu tư vào loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao này.

 

 Hiện toàn tỉnh Bình Phước chỉ có các công ty cao su, các doanh nghiệp chuyên về trồng cao su và một số ít tiểu điền tham gia bảo hiểm, mặc dù loại hình này hình thức chia sẻ rủi ro giúp nông dân yên tâm hơn khi đầu tư vào loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao này.

* Chỉ có ba phần trăm!

Năm 2011, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước đã mua bảo hiểm cho hơn 2.300 hécta cao su với tổng số tiền hơn 89 tỷ đồng. Trận lốc tháng 5-2011, công ty có hơn 6 hécta bị thiệt hại đã được Bảo Việt chi trả bảo hiểm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Nông trường Tân Hòa I (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) cho biết: “Do nằm trong luồng lốc xoáy nên gần 6 hécta cao su từ 7-9 năm tuổi đang thu hoạch với năng suất cao của nông trường bị gãy đã ảnh hưởng lâu dài tới vườn cây vì gãy đổ lác đác từng cụm nhỏ, không thể khắc phục trồng mới được”.

Nông dân Nguyễn Văn Hòa (xã Tân Hưng, Đồng Phú, Bình Phước) đau xót trước vườn cao su bị gãy mà chưa mua bảo hiểm.            Ảnh: P. Bình
Nông dân Nguyễn Văn Hòa (xã Tân Hưng, Đồng Phú, Bình Phước) đau xót trước vườn cao su bị gãy mà chưa mua bảo hiểm. Ảnh: P. Bình

Hiện nay, Công ty Bảo Việt Bình Phước nhận bảo hiểm cây cao su từ 1 đến 30 tuổi với diện tích từ 1 hécta trở lên. Các tổn thất của người trồng cao su được công ty nhận bảo hiểm và có trách nhiệm bồi thường, bao gồm: Tổn thất do thiên tai dông bão, lốc, lũ lụt, sét đánh hoặc do cháy. Khi trường hợp rủi ro xảy ra, công ty sẽ có mức bồi thường tùy theo số tiền bảo hiểm người trồng cao su đã mua. Những năm trước, đối tượng tham gia bảo hiểm cây cao su chỉ tập trung ở các công ty cao su và các doanh nghiệp chuyên về trồng cao su. Thời gian gần đây, do tình hình thời tiết, thiên tai liên tục xảy ra, nên các hộ tiểu điền cũng đã bắt đầu quan tâm tới loại hình bảo hiểm này, tuy nhiên số lượng tham gia vẫn còn thấp. Hiện tổng diện tích cao su mà Công ty Bảo Việt Bình Phước nhận bảo hiểm chỉ vào khoảng 10 ngàn hécta, chiếm gần 3% diện tích cao su toàn tỉnh.

* Chưa biết nên chưa tham gia

Chị Lê Thị Hồng Xoan, phường Tân Thiện, TX. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết: “Trước đây, vườn cây của gia đình tôi bị thiệt hại nhiều do thiên tai mà chẳng biết kêu ai. Gần đây, tôi nghe có cả bảo hiểm cho cây công nghiệp, vì thế tôi dành dụm mua bảo hiểm cho hơn 20 hécta cao su của gia đình. Nhờ vậy, những khi lốc xoáy, mưa bão dù thiệt hại rất buồn, nhưng ít ra còn được bồi thường chi phí để tôi kịp thời tái thiết vườn cây”.

Ông Vũ Ngọc Thương, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Công ty Bảo Việt Bình Phước, giải thích thêm: “Nhận thức về việc bảo toàn tài sản của nông dân ngày một nâng cao nên số lượng tham gia tương đối nhiều. Ngoài ra, một số ngân hàng khi nông dân vay vốn yêu cầu vườn cây thế chấp phải có hợp đồng bảo hiểm. Đây cũng là một tác động rất lớn để người dân không vì tiếc số tiền nhỏ mà không được hưởng lợi ích từ dịch vụ này”.

Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng, bảo hiểm cây cao su nói riêng và bảo hiểm nông nghiệp nói chung trên địa bàn Bình Phước vẫn còn rất thấp do người nông dân chưa hiểu rõ được ích lợi của việc mua bảo hiểm.

Nguyên nhân nông dân chưa mặn mà với bảo hiểm cây công nghiệp phần lớn là do chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của loại hình mới mẻ này, cũng như là do mức chênh lệch khá lớn giữa số tiền bảo hiểm so với giá trị thực của vườn cây. Một khảo sát 300 người dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho thấy có đến 59,7% không biết gì về bảo hiểm nông nghiệp, 32% biết nhưng không tham gia.

Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng mặn mà với chuyện bảo hiểm nông nghiệp vì rủi ro cao. Chính vì thế, việc tuyên truyền cho bà con hiểu được lợi ích của bảo hiểm cây cao su cũng chưa được hiệu quả. Để bảo hiểm cây công nghiệp thực sự đến được với từng hộ nông dân, mang lại lợi ích cho cả 2 bên khi tham gia loại hình này, đang là bài toán nan giải dành cho những nhà đầu tư bảo hiểm.

Phước Bình

 

 

Tin xem nhiều