Giờ tan tầm ở TP. Hồ Chí Minh, có những người hối hả trở về với mái ấm gia đình, nhưng cũng có những người lại tất bật đến với các lớp học đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng đêm, có khoảng 300 ngàn người dân thành phố và các tỉnh lân cận đến với các trung tâm, cơ sở, trường đại học, cao đẳng để bổ túc kiến thức…
Giờ tan tầm ở TP. Hồ Chí Minh, có những người hối hả trở về với mái ấm gia đình, nhưng cũng có những người lại tất bật đến với các lớp học đêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng đêm, có khoảng 300 ngàn người dân thành phố và các tỉnh lân cận đến với các trung tâm, cơ sở, trường đại học, cao đẳng để bổ túc kiến thức…
Cầu thang máy ở dãy nhà D của Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) (cơ sở Đinh Tiên Hoàng) từ khoảng 17 giờ 30 trở đi lúc nào cũng đông người xếp hàng để chờ lên lớp. Bãi giữ xe của nhiều trường đại học, như: Kiến trúc, Kinh tế, Khoa học tự nhiên ban đêm lúc nào cũng kín chỗ.
* Nhu cầu đa dạng
Ông Nguyễn Thanh Bình, cán bộ truyền thông của một công ty xây lắp năm nay đã ngoài 50 tuổi. Hàng tuần 3 buổi, ông vẫn đến với lớp báo chí văn bằng 2 do Trường đại học KHXH-NV TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Ông tâm sự rằng ông học thêm lớp này không phải vì muốn có thêm một bằng đại học nữa mà vì cần bổ túc những kiến thức chuyên sâu về báo chí để hỗ trợ cho công việc hiện nay.
Giảng viên Vũ Hải Sơn trong một buổi giảng lớp đêm. |
Chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những lớp học đêm ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay là các lớp, các khóa đào tạo tiếng Anh, tin học. Đa số học viên là sinh viên của các trường đại học cần có chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra để tốt nghiệp.
Người đi học thêm ở TP. Hồ Chí Minh hầu hết xuất phát từ nhu cầu cá nhân và phải tự đóng tiền để học nên chuyện học hành của họ cũng nghiêm túc. Ông Trần Thế Phương, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở quận 5, TP. Hồ Chí Minh hiện đang theo học lớp CEO cho biết: “Học phí lớp này rất cao nhưng được các chuyên gia uy tín giảng dạy nên tui bổ túc được nhiều kiến thức quản lý doanh nghiệp rất hữu ích. Bữa nào lỡ đi học trễ là thấy tiếc, phải tranh thủ xem sổ ghi chép của bạn bè hoặc hỏi lại anh em khác”.
Cũng có một số người do nhu cầu chuẩn hóa công chức, nhu cầu bổ nhiệm hay nhu cầu xin việc nên cần một tấm bằng và phải đến các lớp đêm học phổ cập giáo dục THPT hoặc học tại chức, văn bằng 2 đại học. Vì nhu cầu cần cái bằng hơn cần trang bị tri thức, kỹ năng nên cách học của họ cũng khác. Nhưng tỷ lệ này không nhiều so với những người âm thầm bỏ tiền và thời gian ra để tìm kiến thức, kỹ năng.
* Đốt lên ngọn lửa hiếu học
Giảng viên Vũ Hải Sơn - Khoa Báo chí - truyền thông, Trường đại học KHXH-NV kể rằng, trong các lớp đêm anh dạy, những bà mẹ trẻ mang con đến lớp, những bà mẹ mang thai vẫn theo học, những công chức từ Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh đi xe buýt hoặc xe gắn máy về học lớp đêm... khá nhiều. Chính tinh thần hiếu học của họ trở thành nguồn động viên cho anh khi giảng bài.
Ở các chi nhánh của Trung tâm Ngoại ngữ đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh, mỗi đêm có đến hơn 20 ngàn người theo học các lớp tiếng Anh, tiếng Pháp. Bên cạnh các trường đại học, cao đẳng, các trường trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông, các nhà văn hóa thiếu thi, thanh niên, phụ nữ cũng mở các lớp đào tạo bồi dưỡng đa dạng. Từ nghệ thuật cắm hoa, chơi đàn, làm MC, quay phim, chụp ảnh đến các lớp kỹ năng chuyên biệt, như: quản lý lao động, quản lý nhà hàng… |
Đi dọc hành lang các trường đại học, các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ... ban đêm, có thể cảm nhận được một thế giới tinh thần rất đẹp của một thành phố với nhịp đập hối hả ngoài kia. Những mái đầu đã bạc vẫn miệt mài cùng tri thức. Chị Nguyễn Thị Thắm, kế toán trưởng một doanh nghiệp ở Long An, hàng tuần đi xe gắn máy lên học tiếng Anh thương mại, sáng hôm sau lại về sớm đi làm.
Đi làm cả ngày đã mệt, vào lớp học đêm để tiếp thu kiến thức, kỹ năng quả thực không phải dễ dàng đối với nhiều người có tuổi. Vì thế, nhiều giảng viên các trung tâm đào tạo, các trường đại học phải xử lý chương trình gọn nhẹ hơn và cho bài tập cũng nhẹ nhàng hơn cho phù hợp.
Không khó để tìm ra những tấm gương hiếu học từ những lớp học đêm ở TP. Hồ Chí Minh. Nhiều người còn chật vật chạy tiền học phí, mỗi tối đến trường còn dở cơm theo và tranh thủ giờ giải lao để ăn tối. Nhiều người phải xin về sớm nếu thầy cô giáo kéo dài một buổi học hơn thường lệ vì sợ trễ xe buýt…
Tất cả đã góp phần tạo nên một bức tranh đẹp của tinh thần hiếu học Việt Nam.
Minh Thư