Mỗi ngày, bác sĩ Nguyễn Trọng Cường, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện đa khoa huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) phải khám 200 - 300 bệnh nhân. Trong khi đó, ngành y tế quy định một bác sĩ chỉ khám từ 20 - 30 bệnh nhân/ngày là đạt yêu cầu. Sự quá tải xuất phát từ tình trạng thiếu bác sĩ (BS) trầm trọng ở đơn vị này. Và đó không chỉ là chuyện của một huyện mà là thực trạng chung của cả tỉnh…
Mỗi ngày, bác sĩ Nguyễn Trọng Cường, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện đa khoa huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) phải khám 200 - 300 bệnh nhân. Trong khi đó, ngành y tế quy định một bác sĩ chỉ khám từ 20 - 30 bệnh nhân/ngày là đạt yêu cầu. Sự quá tải xuất phát từ tình trạng thiếu bác sĩ (BS) trầm trọng ở đơn vị này. Và đó không chỉ là chuyện của một huyện mà là thực trạng chung của cả tỉnh…
Với 7 BS/vạn dân, Việt Nam đang là nước có tỷ lệ BS thấp nhất khu vực, nhưng riêng ở tỉnh Bình Phước thì tỷ lệ này còn thấp hơn: 5,4 BS/vạn dân.
* Vừa thiếu, vừa mất cân đối
Bệnh viện đa khoa huyện Chơn Thành với quy mô 70 giường bệnh, cần tối thiểu 16 BS nhưng hiện chỉ có 9, trong đó có 3 người làm công tác quản lý và đi học, chỉ có 6 người trực tiếp làm công tác khám, chữa bệnh nhưng không cân đối các ngành. Trong khi đó, hệ thống thiết bị phẫu thuật và xét nghiệm huyết học của cơ sở này vừa được đầu tư với giá trị hơn 1,4 tỷ đồng cùng với nhiều trang thiết bị hiện đại như bộ nội soi dạ dày - tá tràng, bộ dụng cụ mổ triệt sản… hiện vẫn trùm mền vì thiếu BS vận hành.
Máy nội soi dạ dày được đưa vào sử dụng tại Bệnh viện đa khoa TX.Bình Long. |
Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Phú quy mô 50 giường bệnh, nhưng hiện chỉ có 7 BS, trong đó 3 người làm công tác quản lý. Năm 2007, đơn vị này xây dựng 2 phòng mổ và thiết bị đèn mổ, giường mổ và máy gây mê, trị giá hơn 1 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có BS và kỹ thuật viên để vận hành.
BS. Trần Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Chơn Thành, nói thêm: “Đã thiếu BS nhưng một số người mình cho đi đào tạo chuyên khoa về thì bỏ ngang, hoặc vừa đào tạo xong thì không về làm việc ngày nào”. BS. Nguyễn Trọng Cường, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện đa khoa Chơn Thành cho biết một ngày làm việc của ông: “Sáng dậy đi trực ca, giao ban xong khoảng 7 giờ 30 là tôi phải khám bệnh đến 11 giờ mới xong. Buổi chiều cũng khám chữa bệnh từ 1 giờ đến tận 5 giờ vẫn chưa hết việc”.
* Bài toán chưa có lời giải
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 306 BS, trong đó có 202 BS thuộc tuyến huyện và chủ yếu ở hệ điều trị. Ngay TX. Đồng Xoài, có giai đoạn, trung tâm y tế dự phòng không có BS nào. Ở Trung tâm Y tế huyện Bù Đốp, có thời gian, nữ hộ sinh trung học phải gánh nhiệm vụ giám đốc trung tâm.
Nhiều năm qua, ngành y tế Bình Phước có nhiều nỗ lực thu hút cán bộ nhưng vẫn không cải thiện tình hình. Đã có thời gian, ngành y tế Bình Phước thực hiện việc luân chuyển, tăng cường bác sĩ từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã để hỗ trợ tuyến dưới, giảm áp lực cho tuyến trên. Nhưng phương án này đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Mặt khác, hiện nay ở cấp huyện của tỉnh này còn tồn tại cùng lúc 4 đầu mối quản lý, gồm: phòng y tế, trung tâm y tế, bệnh viện, trung tâm dân số kế hoạch hóa gia đình, không huy động được nguồn lực chung.
BS. Bùi Văn Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Phú, cho biết: “Nhiều năm liền bệnh viện không tuyển dụng được BS chính quy, nên buộc phải tuyển dụng người có trình độ trung cấp, cao đẳng rồi cử đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.”
Thiếu nhân lực trình độ cao là vấn đề lớn mà ngành y tế Bình Phước đang phải đối mặt.
Phạm Tăng - Kim Anh