Báo Đồng Nai điện tử
En

18 thôn Vườn Trầu sẽ hết trầu?

09:05, 29/05/2012

Đất Bà Điểm - Hóc Môn một thời nổi tiếng với nghề trồng trầu giờ đây đang đối mặt với cơn lốc đô thị hóa. Trong một căn nhà nhỏ ở ấp Nam Lân, bác Trần Văn Tốt, nay đã 85 tuổi, bùi ngùi nói: “Bây giờ 18 thôn Vườn Trầu chỉ còn một hai nhà trồng trầu thôi....

Đất Bà Điểm - Hóc Môn một thời nổi tiếng với nghề trồng trầu giờ đây đang đối mặt với cơn lốc đô thị hóa. Trong một căn nhà nhỏ ở ấp Nam Lân, bác Trần Văn Tốt, nay đã 85 tuổi, bùi ngùi nói: “Bây giờ 18 thôn Vườn Trầu chỉ còn một hai nhà trồng trầu thôi. Bỏ vốn 10 triệu đồng thu vào 3 triệu, hổng sống nổi nên bà con chuyển sang trồng cây tạp, cây nào thu được huê lợi. Nhiều người bán đất đi mần ăn xa, bởi vì thời này hổng còn ai ăn trầu nữa. Ngày xưa chúng tôi trồng cau, trồng trầu, trồng cây ăn trái, còn bây giờ, người ta toàn trồng cây xi măng không à!”.

Vườn trầu của chị Bùi Ngọc Phượng.
Vườn trầu của chị Bùi Ngọc Phượng.

Hóc Môn đang ngày ngày đổi mới theo hướng đô thị. Các công trình, nhà xây kiên cố mọc lên với tốc độ nhanh. 18 thôn Vườn Trầu xưa giờ cũng đang bê tông hóa. Và đó cũng là tiến trình chung. Song, với những ai có một chút hoài niệm, khi đi trên mảnh đất từng nuôi giấu cán bộ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến này đều thấy như đang đánh mất một chút gì quen thuộc.

Dấu tích 18 thôn Vườn Trầu xưa giờ còn rõ nét nhất ở ấp Tây Lân và Bắc Lân. Những con hẻm nhỏ, những hàng cau vút lên trên những mái nhà, những đám trầu đang vượt cọc vươn lên... những hình ảnh này không biết còn lại bao năm nữa?

Vườn trầu của chị Bùi Ngọc Phượng (ấp Tây Lân, Bà Điểm) hiện có 600 gốc. Chị nói rằng, mặc dù vẫn giữ vườn trầu nhưng đó không coi đây là thu nhập chính của gia đình bởi mỗi đợt chỉ thu được 600 ngàn đồng (10 ngày hái một lần), và để duy trì được vườn trầu thì gia đình phải tìm nguồn vốn từ những công việc khác như nuôi heo. Có người đã khuyên chị chuyển sang kinh doanh phòng trọ để có thu nhập cao như các hộ khác, nhưng chị cười: “Vườn trầu này của ông bà để lại mà…!”.

Mấy năm gần đây, Hóc Môn nói chung và vùng 18 thôn Vườn Trầu nói riêng cũng chứng kiến sự đổi thay của cư dân trong vùng vì sự xuất hiện của những nhà máy, xí nghiệp, người nhập cư và các khu dân cư mới, hàng ngàn khu nhà trọ. Theo số liệu của UBND xã Bà Điểm, hiện địa phương này có hơn 10 ngàn hộ, trong có đến gần 900 hộ kinh doanh phòng trọ với gần 7 ngàn phòng. Từ năm 1990 đến nay, diện tích trầu từ 45 hécta thu hẹp còn khoảng 11 hécta. Một số chuyển sang trồng lan hoặc những công việc khác có thu nhập cao hơn.

Từ nay đến năm 2015, nhiều dự án làm đường được triển khai sẽ tiếp tục làm cạn dần diện tích trầu. Và rồi sẽ không còn ai trồng trầu nữa, vì lớp người có kinh nghiệm hiện ở độ tuổi khoảng 60, công thợ thì khó, thị trường tiêu thụ lại hẹp. Lớp trẻ đi sau có xu hướng đến những công việc nhàn hơn, có thu nhập cao hơn.

Nghị quyết của UBND TP.Hồ Chí Minh vào năm 2001 có nêu lên việc quy hoạch 50 hécta để làm du lịch vườn trầu kết hợp du lịch sinh thái. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai cụ thể. Chủ tịch Hội Nông dân xã Bà Điểm Lưu Ngọc Ngân nói: “Xã cũng đang chờ triển khai dự án, nếu mà triển khai thì đầu tiên xã sẽ hỗ trợ cho nông dân giữ vườn trầu, có bao nhiêu giữ bấy nhiêu rồi mới phát triển sau, chứ chưa gì họ đã dẹp dần thấy mà đau lòng”.

Trần Thị Bích Sơn

 

 

Tin xem nhiều