Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động nhập cư thời bão giá

08:04, 24/04/2012

Trong tổng số hơn 258 ngàn lao động làm việc trong 1.062 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 65% (khoảng 168 ngàn người) lao động nhập cư. Đồng lương ít ỏi, vật giá lại liên tục tăng cao, người lao động nhập cư tại TP. Hồ Chí Minh đang chật vật chống chọi với nỗi lo cơm áo. Tình trạng nghỉ việc, nhảy việc diễn ra thường xuyên khiến cuộc sống vốn đã bấp bênh lại càng bấp bênh hơn…

Trong tổng số hơn 258 ngàn lao động làm việc trong 1.062 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, có đến 65% (khoảng 168 ngàn người) lao động nhập cư. Đồng lương ít ỏi, vật giá lại liên tục tăng cao, người lao động nhập cư tại TP. Hồ Chí Minh đang chật vật chống chọi với nỗi lo cơm áo. Tình trạng nghỉ việc, nhảy việc diễn ra thường xuyên khiến cuộc sống vốn đã bấp bênh lại càng bấp bênh hơn… 

* Từ những câu chuyện cụ thể...

Chị Liên (quê Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) làm việc trong một công ty may mặc tư nhân tại quận 12 đã hơn 5 năm. Dù rất ngại nhảy việc nhưng chị cũng phải bỏ công ty cũ để đi tìm một công việc mới có thu nhập khá hơn. Chị Liên cho biết, ở công ty chị làm trước đây chủ yếu gia công các sản phẩm may mặc. Do đó, chị và những công nhân khác đều không được hưởng lương cơ bản. Khi công ty nhận được nhiều hàng, chị phải làm 12 tiếng/ngày, có khi tăng ca đến nửa đêm nhưng tiền tăng ca lại rất thấp. Hàng tháng, tổng thu nhập của chị tiện tặn lắm cũng tạm đủ cho chị chi tiêu hàng tháng. Gần đây, vật giá liên tục tăng cao nên chị thường xuyên lâm vào cảnh thiếu hụt.

Nhiều người nhập cư đi bán hàng rong ở TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều người nhập cư đi bán hàng rong ở TP. Hồ Chí Minh.

Phương (quê Tiền Giang), hiện đang làm tại Công ty nhựa Phát Đạt ở quận 12, cho biết, một ngày làm việc của chị kéo dài đến 13 tiếng, đan xen tuần làm ca ngày, tuần làm ca đêm. Nếu làm ca ngày, mỗi sáng chị phải thức dậy từ 5 giờ sáng, làm đến 7 giờ tối. Còn nếu làm ca đêm chị phải làm từ 5 giờ chiều đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Phương tâm sự: “Cuộc sống công nhân rất khổ cực. Là con gái nhưng phải đứng khuôn đổ nhựa vào từng sản phẩm. Bất kể ngày hay đêm, tất cả công nhân đều phải hứng chịu cái nóng hầm hập phả ra từ những khuôn lò. Nhiều lúc do mệt mỏi hay sơ suất phỏng tay, cháy áo là chuyện bình thường”. Cực nhọc là vậy, nhưng mỗi tháng thu nhập của Phương cũng chỉ 3,6 triệu đồng.

Mới vào làm việc cho một công ty chuyên lắp ráp kính tại quận Tân Phú, Hoàng (quê Quảng Nam) cho hay, từ tết đến nay anh đã phải nhảy việc tới 3 lần. Mặc dù chưa quen với công việc mới vốn khá nguy hiểm nhưng Hoàng như vui hơn, anh tâm sự: “Đối với những người lao động chân tay như tụi em, làm việc gì cũng được miễn sao có thu nhập đỡ hơn để vừa trang trải cuộc sống, vừa có tiền để phụ giúp gia đình. Lý do mà anh nhảy việc liên tục là thu nhập ở những công ty trước đây quá thấp.

Từng là công nhân làm việc nhiều năm trong KCN Tân Bình, chị Hằng (quê Thanh Hóa) đành phải bỏ việc để ra ngoài kiếm sống. Chị cho hay, bao nhiêu năm làm công nhân với đồng lương ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống gia đình, công việc thì đi sớm về trễ không có điều kiện để chăm sóc con cái. Công việc mà chị lựa chọn là bán hàng rong, nước giải khát trên các vỉa hè. Với chị, công việc này thu nhập cũng rất bấp bênh nhưng có thể phụ giúp chồng và quan trọng hơn là có thời gian để chăm lo cơm nước cho con nhỏ. Cùng cảnh ngộ, Thắng (quê ở Sóc Trăng) trước đây từng làm việc nhiều năm cho một công ty cửa cuốn của Úc, tâm sự: “Tiền lương không theo kịp bão giá”, mọi trang trải cuộc sống ở thành phố ngày càng cao khiến anh khó khăn hơn trong khi mẹ già ở quê thường xuyên ốm đau bệnh tật nên anh cũng tính bỏ việc để về quê…

*...Đến bức tranh xã hội

Không chỉ khó khăn về việc làm, những người lao động nhập cư tại TP. Hồ Chí Minh còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, nhu cầu sinh hoạt hàng ngày và điều kiện học hành của con em họ. Theo số liệu thống kê của Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, chỉ có 7% công nhân nhập cư ở địa phương này được ở trong các khu lưu trú. Hầu hết công nhân, người lao động nhập cư làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải tự thuê nhà trọ để ở.

Lương thấp, điều kiện nhà ở không đảm bảo, giá cả mọi mặt hàng thiết yếu tăng cao, làm việc với cường độ cao trong các xưởng sản xuất nóng bức, ngột ngạt là nguyên nhân khiến rất nhiều công nhân không muốn gắn bó với doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra lao động việc làm do Ngân hàng Thế giới và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp tiến hành năm 2009, lao động khu vực phi chính thức tại TP.Hồ Chí Minh chiếm 34%. Theo lãnh đạo Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, đời sống khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân “nhảy việc” với mong muốn sẽ có thu nhập cao hơn. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh tuyển mới hơn 20 ngàn lao động, song thực ra hầu hết số lao động này là “nhảy” từ đơn vị này sang đơn vị khác. Một bộ phận không nhỏ công nhân có tay nghề cũng không chịu nổi điều kiện sống quá khó khăn đã buộc phải quay về quê cũ.

Năm ngoái, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, thực hiện từ ngày 1-10-2011, áp dụng như nhau giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Bộ cũng đề xuất quy định mức hỗ trợ suất ăn giữa ca cho công nhân tối thiểu phải là 15 ngàn đồng/suất. Mức điều chỉnh mới này chỉ giảm bớt phần nào khó khăn cho những người công nhân đang vắt kiệt sức bên những cỗ máy, đang phải chắt chiu từng đồng chống chọi với “bão giá” để mưu sinh.

Đào Thiện

 

    

 

 

Tin xem nhiều