Báo Đồng Nai điện tử
En

“Hung thần” trên quốc lộ 1K

09:04, 17/04/2012

Nhiều năm qua, đoạn quốc lộ 1K ngang qua địa bàn tỉnh Bình Dương thường xuyên diễn ra tình trạng đất đá rơi vãi. Hiểm họa đã xảy ra và vẫn còn rình rập…

Nhiều năm qua, đoạn quốc lộ 1K ngang qua địa bàn tỉnh Bình Dương thường xuyên diễn ra tình trạng đất đá rơi vãi. Hiểm họa đã xảy ra và vẫn còn rình rập…

Những mỏ đá Tân Bản, Hóa An, Tân Đông Hiệp, Tân An… chính là nơi gián tiếp cung cấp đá, sỏi, bụi bặm cho đoạn đường này. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe tải chở đá từ các mỏ này chạy bạt mạng và không được che chắn kỹ làm rơi vãi xuống đường. Không chỉ người dân trong khu vực mà người đi đường cũng hết sức khổ sở. Dù người dân có nhiều phản ánh, kiến nghị, nhưng thực trạng này vẫn chưa được giải quyết.

* Con đường… cát bụi

Ông Nguyễn Thành Tân, ngụ ở TX.Dĩ An, nói: “Nhiều năm nay, người dân chúng tôi cứ có cảm giác rằng đây là tuyến đường ưu tiên cho xe ben chở đất đá. Ngày nào cũng có những đoàn xe tải trọng lớn nối đuôi nhau chạy ầm ầm. Ban đêm họ càng chạy nhiều”.

Xe tải chở đất, đá quá tải không che chắn hoành hành trên quốc lộ 1K.            Ảnh: Sử Hoàn
Xe tải chở đất, đá quá tải không che chắn hoành hành trên quốc lộ 1K. Ảnh: Sử Hoàn

Ông Tân kể lại, nhiều trường hợp đá do xe chở văng vào bể kiếng nhà dân, hay làm người đi đường bị tai nạn phải đưa đi cấp cứu. Xe chở đất đá rơi vãi tạo thành một màn sương bụi làm cản trở tầm nhìn của người đi đường. Dăm đá rơi xuống mặt lộ đã trở thành những cái bẫy chết người. Mặt đường đoạn qua Bình Dương nhiều chỗ bị phá thành ổ gà, ổ voi cũng do xe tải. Nhiều trường hợp xe gắn máy chạy nhanh phải thắng gấp trước ổ voi nên tự gây tai nạn cho mình.

Một quán cà phê nằm mặt tiền quốc lộ 1K đã lấy tên là Cát Bụi! Quán đẹp nhưng cái biển bám đầy bụi cát và cửa kính phải đóng suốt ngày. Bụi và đất đá rơi vãi cũng làm cho việc buôn bán nhiều mặt hàng trên đường này trở nên ế ẩm, nhất là các mặt hàng ăn uống. Chị Lê Thị Lành, một người dân ở xã Bình An, TX. Thuận An nói như đùa: “Con đường này chỉ có bán khẩu trang là chạy!”

Hiểm nguy luôn rình rập người đi đường vì các đoàn xe tải chở đất đá thường chạy với tốc độ cao và thi nhau bóp còi kiểu “tra tấn”. Ông Trần Quý Quốc, một tài xế xe tải ngụ tại Dĩ An, giải thích: “Xe chở đá phải chạy tốc độ nhanh vì chủ xe khoán trắng cho các tài xế để tăng chuyến, tăng hiệu suất chuyên chở”.

* Không lẽ bó tay?

Anh Đỗ Toán, một người dân ở TP.Biên Hòa thường xuyên đi TP.Hồ Chí Minh nói: “Quốc lộ 1K là tuyến đường có thu phí, người tham gia giao thông cần được đảm bảo an toàn. Nhưng trên thực tế, cảnh xe ben vi phạm các quy định về an toàn giao thông vẫn diễn ra hàng ngày nhưng không hề thấy cơ quan chức năng nào xử phạt. Người đi xe máy sơ ý phóng nhanh dễ bị ngã, xe ô tô đi dễ bắn đá vào nhà dân”.

Những “hung thần” đã “góp phần” làm đoạn quốc lộ 1K qua địa bàn tỉnh Bình Dương xuống cấp. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm lòng đường, thiếu biển báo, gờ giảm tốc và quá nhiều lối rẽ qua con lươn, quá nhiều ngã ba giao nhau không có đèn tín hiệu... là những nguyên nhân gia tăng các vụ tai nạn giao thông.

 

Chị Nguyễn Thị Lành, một người bán hàng nước ở Đông Hòa, TX.Dĩ An nói thêm: “Tài xế thi nhau đạp ga, bất chấp nguy hiểm cho người đi đường. Nhưng bà con chúng tôi cứ thắc mắc là tuyến đường này thường xuất hiện thanh tra, cảnh sát giao thông nhưng các xe tải vẫn ngang nhiên chạy bạt mạng, mặc cho bụi đá rơi vãi khắp đường. Phải chăng những đoàn xe này được ưu tiên?”.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giang, Chánh thanh tra Sở Giao thông - vận tải tỉnh Bình Dương, thừa nhận rằng có tình trạng xe tải nặng chở đất, đá không che chắn cẩn thận làm rơi vãi xuống đường gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến tai nạn tồn tại nhiều năm nay trên quốc lộ 1K. Tuy nhiên, mỗi khi thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông có mặt thì đội ngũ cò - được các chủ doanh nghiệp vận tải thuê mướn theo dõi lực lượng chức năng - liền báo trước để đối phó. Cách đối phó của cánh tài xế thường là khóa cửa xe rồi bỏ đi hoặc chạy thật nhanh qua địa bàn giáp ranh (Đồng Nai hay TP.Hồ Chí Minh), gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng thi hành công vụ.

Nhưng chẳng lẽ những khó khăn như thế không tìm ra giải pháp để khắc phục? Đây là đoạn đường huyết mạch của vùng kinh tế trọng điểm, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Vì thế, người dân chờ các ngành chức năng có giải pháp kiên quyết.

Thu Cúc

 

 

Tin xem nhiều