Cách nay 9 năm, câu chuyện hai ông nông dân Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh ở Tây Ninh chế tạo máy bay trực thăng là sự kiện chấn động dư luận, dù chiếc trực thăng này không bay được và “dự án” của “Hai Lúa Tây Ninh” đã phải dừng lại sau đó. Tuần qua, báo chí trong nước lại đưa tin về một người miền Đông Nam bộ khác đã chế tạo và chế tạo thành công máy bay…
Cách nay 9 năm, câu chuyện hai ông nông dân Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh ở Tây Ninh chế tạo máy bay trực thăng là sự kiện chấn động dư luận, dù chiếc trực thăng này không bay được và “dự án” của “Hai Lúa Tây Ninh” đã phải dừng lại sau đó. Tuần qua, báo chí trong nước lại đưa tin về một người miền Đông Nam bộ khác đã chế tạo và chế tạo thành công máy bay… Đó là ông Nguyễn Bùi Hiển, kỹ sư cơ khí, thương binh, ngụ ở phường An Thanh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Bùi Hiển với chiếc trực thăng tự chế. |
Chúng tôi tìm đến khi người “kỹ sư kiêm phi công” đang hì hụi sửa mấy chiếc xe công trình đô thị. Tiếp chúng tôi, ông liên tục nhận được điện thoại chúc mừng về việc chế tạo thành công chiếc “trực thăng” tải trọng 350kg. Ông cho biết: “Mình đam mê nghề cơ khí từ thuở bé, cả gia đình đều gắn bó với nghề cơ khí này theo kiểu cha truyền con nối. Kế hoạch chế tạo máy bay của mình xuất phát từ một lần chiếc máy bay mô hình mà đang điều khiển thì gặp trục trặc và rơi hỏng. Sẵn có kiến thức về cơ khí, mình nghĩ đến chuyện tạo máy bay riêng cho mình…”
* Những tháng ngày mày mò
Ít ai biết rằng để chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng (hoặc “thiết bị bay” như cách nói của giới chuyên môn) mà báo chí đưa tin những ngày vừa qua, trong 3 năm qua, ông Nguyễn Bùi Hiển đã phải “làm nháp” bằng 3 chiếc máy bay nhỏ hơn để thử nghiệm. Thời gian đầu, ông sử dụng động cơ máy cưa, rồi đến động cơ máy cắt cỏ để làm động cơ chính cho máy bay. Khi những chiếc máy bay thử nghiệm này bay lên được, ông dồn sức để chế tạo chiếc máy bay như hiện nay.
Ông giao toàn bộ việc quản lý garage cho con trai mình và tập trung toàn bộ thời gian cho niềm đam mê chế tạo máy bay. Ông nói thêm: “Một chiếc máy bay mô hình có giá đến mấy chục ngàn đô la Mỹ. Tôi thấy trang bị để chơi kiểu đó phí quá, ấy là chưa nói đến chuyện thủ tục nhập vào rất khó khăn. Vì thế, tôi quyết tâm chế tạo cho bằng được”.
Ban đầu, ông bỏ ra 60 triệu đồng để mua động cơ chiếc ca nô có công suất 106 mã lực. Ông tham khảo nhiều tài liệu trên mạng và tham gia các diễn đàn, rồi về thí nghiệm. Từ những kiến thức có được và học hỏi trên Internet, ông đã chế tạo được những bộ phận quan trọng như đĩa quay, bộ phận truyền động, hộp số…
Nhiều bộ phận khác của chiếc máy bay này được ông Hiển tận dụng những vật liệu có sẵn như bình đựng nhiên liệu dùng can nhựa cũ loại 20 lít. Ống khói, két nước tản nhiệt cho động cơ, đồng hồ đo... đều tận dụng từ phụ tùng của một chiếc xe tải nhỏ. Để đảm bảo trọng lượng siêu nhẹ, trong khoang lái, ông chỉ đặt một chiếc ghế nhựa; phần khung khoang lái được bổ sung để đảm bảo an toàn, nếu không thì máy bay có thể nhẹ thêm vài chục kg.
* Siêu nhẹ và siêu… rẻ
Chiếc trực thăng do ông Hiển chế tạo thuộc loại siêu nhẹ, trọng lượng 250 kg, dài 2,95 m, rộng 1,2 m, cao 2,4 m, trang bị động cơ công suất máy 106 mã lực/6.500 vòng/phút; với độ dài sải cánh 4,6 m quay đảo chiều nhau. Theo ông Hiển, “máy bay” này có thể chở khoảng 100 kg.
Tuy nhiên, cái khó nhất là việc lái máy bay và làm cho máy bay bay lên. Ông Hiển kể rằng: “Thời gian đầu, tôi phải dùng dây buộc lại, không dám cho cho máy bay bay cao vì sợ nguy hiểm. Hơn nữa, lái máy bay đâu có như lái ô tô. Các công ty sản xuất máy bay phải đi thuê phi công để lái thử nghiệm còn mình làm tay ngang nên rủi ro rất cao”.
“Tập” cho máy bay nhấc lên khỏi mặt đất khoảng 2 tấc bằng cách lấy dây cột lại như vậy trong nhiều tuần, khi đã quen tay ông Hiển bắt đầu cho máy bay lên cao hơn. Mất 3 năm ròng vừa mày mò, vừa học hỏi, người kỹ sư cơ khí này đã cho ra đời chiếc trực thăng tại garage sửa chữa ô tô của mình với giá thành 200 triệu đồng.
Theo tính toán của ông Hiển, nếu được phép bay, chiếc trực thăng này có khả năng bay ở độ cao 200 m, tốc độ 150 - 200 km/g, tải trọng khoảng 350 kg. Tổng chi phí chế tạo khoảng 200 triệu đồng. Máy bay này có thể sử dụng loại xăng thông thường như A92 hoặc A95.
Tuy nhiên, trong tuần rồi, vào ngày 30-3, Đoàn cán bộ Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không - không quân) khi đến tìm hiểu về chiếc trực thăng này cũng đánh giá cao niềm đam mê tìm tòi, sáng chế của ông Hiển nhưng cho rằng chưa thể xem sản phẩm này là trực thăng mà nó chỉ được gọi là “phương tiện bay”. Và để “phương tiện bay” của ông Hiển phát triển thành một chiếc máy bay còn cần một quá trình nghiên cứu, chế tạo để đạt các điều kiện, thông số kỹ thuật rất ngặt nghèo.
Các nhà chuyên môn cũng cho rằng “phương tiện bay” của ông Hiển chế tạo có hình thức gọn gàng, đẹp mắt. Và so với những chiếc máy bay trực thăng ở Tây Ninh do 2 nông dân chế tạo, máy bay của ông Hiển có nhiều ưu điểm hơn, có những tính toán mang tính khoa học hơn.
Làm thế nào để chiếc máy bay trong garage này có thể bay trên bầu trời Bình Dương, bầu trời Đông Nam bộ? - Đó là câu hỏi không dễ có lời giải trên nhiều phương diện. Vì thế, ông Hiển vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn trên hành trình thỏa mãn niềm đam mê trực thăng của mình.
Đan Châu