Đến với vùng đất Thủ Dầu Một vào một ngày nắng nóng tháng 3, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm sơn mài đặc sắc khi dừng chân tại một vài cửa hàng kinh doanh tranh sơn mài thuộc làng sơn mài Tương Bình Hiệp, nơi vốn là cái nôi của sơn mài Bình Dương danh tiếng.
Đến với vùng đất Thủ Dầu Một vào một ngày nắng nóng tháng 3, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những tác phẩm sơn mài đặc sắc khi dừng chân tại một vài cửa hàng kinh doanh tranh sơn mài thuộc làng sơn mài Tương Bình Hiệp, nơi vốn là cái nôi của sơn mài Bình Dương danh tiếng. Cả ngày rong ruổi trên những con đường của làng nghề, có dịp tiếp xúc với nhiều gia đình và những lớp nghệ nhân, chúng tôi thực sự khâm phục sức sống của làng nghề truyền thống này dù đang đứng trước nhiều thách thức.
Làm tranh sơn mài ở Bình Dương. |
Sơn mài có mặt ở Bình Dương tương đối muộn so với nghề làm gốm. Những nghệ nhân xưa ở đất Thủ đã tìm tòi và phát triển từ nghề sơn ta truyền thống thành nghệ thuật sơn mài Bình Dương. Cũng như gốm sứ, sơn mài Bình Dương đã gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước với nhiều giải thưởng tại các hội chợ, triển lãm trong nước cũng như quốc tế, để từ đó làm nổi danh sơn mài Bình Dương với cái nôi là Tương Bình Hiệp thuộc TX. Thủ Dầu Một.
* Một thời vang bóng
Xưa kia, những di dân Việt gốc Trung - Bắc đã đem theo nghề sơn cổ truyền của mình tạo lập nên làng nghề sơn và phát triển lâu dài tại vùng đất mới này. Về sau, Pháp lập Trường mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (1901 - nay là Trường trung cấp kỹ thuật Bình Dương) đã đào tạo một đội ngũ thợ thủ công mỹ nghệ lành nghề. Cũng từ đây nghệ nhân sơn mài tài hoa được học qua trường lớp xuất hiện ngày càng nhiều.
Các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp rất phong phú, như: các bức tranh tứ bình mai, lan, cúc, trúc; các bộ tranh Phúc, Lộc, Thọ; cảnh đồng quê; tranh trừu tượng; tranh chân dung các danh nhân thế giới; tranh vẽ lại các bức tranh dân gian Đông Hồ,; tranh của các họa sĩ nổi tiếng… Ngoài tranh sơn mài, người thợ thủ công Tương Bình Hiệp đã tìm tòi thêm nhiều chất liệu mới như: thếp vàng, thếp bạc, cẩn vỏ trứng, cẩn xà cừ (hay còn gọi là cẩn ốc)… từ đó làm ra được nhiều loại sản phẩm mỹ nghệ khác như: bàn ghế, lọ hoa, chén, dĩa, khay, hoành phi, câu đối,… với nhiều kiểu dáng độc đáo và mới lạ.
* Nỗi niềm một làng nghề
Thời đại công nghiệp với công nghệ hiện đại giúp người thợ đỡ nặng nhọc hơn trong một vài khâu sản xuất. Chẳng hạn, người ta không còn mài, đánh bóng sản phẩm bằng tay như trước đây nữa mà nay đã có máy mài, máy đánh bóng. Nhưng quá trình công nghiệp hóa đã dần làm mất đi những cách tạo tác sơn mài truyền thống. Chất liệu cũng bị thay đổi dần cho phù hợp với nhịp độ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, sản phẩm sơn mài ở Tương Bình Hiệp hoàn toàn được làm từ loại sơn truyền thống (sơn ta) Phú Thọ. Nay loại sơn này đã được thay thế bằng sơn chiết xuất từ vỏ hạt điều vốn mau khô và giá thành lại rẻ hơn rất nhiều.
Một vài cá nhân, tập thể vì chạy theo lợi nhuận đã cho ra đời hàng loạt các sản phẩm sơn mài “mì ăn liền”. Cách làm ấy đã dần làm giảm sút uy tín của làng nghề.
Sức tiêu thụ giảm nhiều, một số cơ sở và hộ gia đình sản xuất nhỏ do thiếu vốn đầu tư nên đành từ bỏ nghề để chuyển hướng mưu sinh. Các cơ sở lớn cũng gặp không ít khó khăn do thiếu nhân công lành nghề và khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Một thách thức rất lớn đối với làng nghề là không có người kế nghiệp. Lớp trẻ không chịu ngồi cả ngày ngâm trong nước để làm một công vệc đơn điệu là “mài”. Trong khi đó những người tâm huyết với nghề thì tuổi đời đã cao, không thể đảm đương công việc nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng lại rất cực nhọc này.
Anh Tô Minh Huân, ấp 4, xã Tương Bình Hiệp làm nghề đã được 20 năm chia sẻ: “Xưa ở đây người ta làm nghề sơn mài không à. Nay người ta không còn mặn mà lắm với nghề này nữa. Thấy nghề sơn mài đang dần bị mai một cũng buồn lắm. Vì là nghề truyền thống gắn bó từ lâu với mình nên giờ dù có ít nhiều khó khăn thì cũng phải theo để nuôi sống gia đình, lo cho con ăn học, sau này chắc tụi nó cũng không ai theo nghề này đâu vì tụi trẻ thời nay ít ai muốn làm nghề này; thợ vẽ, thợ sơn bây giờ toàn là những người trung niên thôi, những người trẻ hiếm ai theo nghề này lắm”.
Chú Lê Văn Minh (60 tuổi), ấp 4, xã Tương Bình Hiệp - là một nghệ nhân đã giải nghệ vì cuộc sống quá bấp bênh, tâm sự: “Ngày xưa sơn mài thịnh lắm, trên con đường này từ đầu đường đến cuối đường, nhà nào cũng làm sơn mài, nhưng nay người ta bỏ nghề chuyển sang làm cái khác hết rồi”.
Những người trong nghề, tâm huyết với nghề không khỏi chạnh lòng, xót xa trước bức tranh làng nghề Tương Bình Hiệp hôm nay.
Huỳnh Phúc Diễm