Vụ mía đường 2011 - 2012 sắp kết thúc nhưng diện tích mía cháy trên địa bàn các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Châu Thành (Tây Ninh) vẫn tiếp tục tăng lên trên con số 5000 hécta. Một ghi nhận đáng lo ngại cho các nhà máy đường ở đây là hiện tượng nông dân đang phá bỏ hàng ngàn hécta mía gốc để chuyển sang trồng các loại hoa màu khác…
Vụ mía đường 2011 - 2012 sắp kết thúc nhưng diện tích mía cháy trên địa bàn các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu và Châu Thành (Tây Ninh) vẫn tiếp tục tăng lên trên con số 5000 hécta. Một ghi nhận đáng lo ngại cho các nhà máy đường ở đây là hiện tượng nông dân đang phá bỏ hàng ngàn hécta mía gốc để chuyển sang trồng các loại hoa màu khác…
So với vụ trước, giá thu mua mía năm nay tăng hơn (gần 1,2 triệu đồng/tấn 10 CCS), đồng thời các nhà máy cũng có kế hoạch thu mía phù hợp, tăng công suất để hạn chế tình trạng ứ đọng, nôn nóng chờ chặt mía. Nhưng, khảo sát cho thấy số hộ nông dân Tây Ninh bỏ trồng mía hiện cũng tăng lên. Nỗi lo vùng nguyên liệu bị xóa trắng đang đặt ra cho các doanh nghiệp chế biến đường trên địa bàn.
* Giá tăng vẫn lỗ...
Từ trước Tết đến nay, tình trạng mía cháy đã được cảnh báo, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng vẫn không giảm. Nhà máy đường Bourbon Tây Ninh phải tiếp nhận lượng mía cháy hơn 30% tổng sản lượng mía đưa về. Con số này ở nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh hơn 20%.
Dịu Nguyễn Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Tây Ninh giúp nông dân dập lửa mía cháy. |
Mía cháy có nhiều nguyên nhân: do bất cẩn, do tư thù... Nhưng nguyên nhân này chiếm tỷ lệ nhỏ, vì theo bà con, nếu tư thù, người đốt mía không nhất thiết phải chờ đến thời điểm mía sắp thu hoạch mới ra tay, bởi lúc cây mía còn đang thời kỳ sinh trưởng, thiệt hại sẽ nặng nề hơn. Một nguyên nhân mía cháy nghe rất đau lòng: nông dân tự đốt để được thu hoạch nhanh vì cần tiền. Điều này nghe thật nghịch lý. Bởi mía cháy thì nông dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nào là họ phải cầu cứu “đầu công” để thu hoạch mía sớm, đầu công “ép” nông dân trồng mía phải chấp nhận thuê thu hoạch với mức giá gấp rưỡi, gấp đôi dù thu hoạch mía cháy nhanh hơn thu hoạch mía tươi do mía bị cháy không còn lá, thân và gốc mía trống trải, dễ chặt. Thu mua mía cháy, các nhà máy cũng bất lợi. Và nghịch lý này lại gợi ra câu hỏi: Ai là người có lợi sau khi mía bị cháy?
Theo tính toán của nhiều hộ dân, nếu trồng mía đạt sản lượng 70 tấn/hécta, với giá thu mua như hiện nay, sẽ có lời 30 triệu đồng/hécta, nhưng khi mía bị cháy thì lỗ đến 10 triệu đồng/hécta do chữ đường giảm, chi phí công đốn chặt, vận chuyển tăng gấp đôi. Về phía nhà máy đường, khi tiếp nhận mía cháy, hiệu suất thu hồi đường thấp.
Theo Sở NN-PTNN Tây Ninh, đến giữa tháng 3, các nhà máy đường trong tỉnh này đã thu mua và đưa vào chế biến trên 1,2 triệu tấn mía cây, đạt khoảng 70% sản lượng, đường sản xuất được trên 100 ngàn tấn. Nhưng, tình trạng bấp bênh trong nghề trồng mía hiện nay đã khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với cây mía và chuyện bỏ mía đã diễn ra.
.* ..Và những nỗ lực của doanh nghiệp
Công bằng mà nói, các nhà máy đường đã có nhiều nỗ lực để khuyến khích nông dân giữ mía, như: tăng cường mức đầu tư, hỗ trợ, có chính sách thưởng, tăng giá thu mua…
Nhưng, vấn nạn mía cháy dẫn đến thua lỗ của nông dân được xem là nguyên nhân chủ yếu của thực trạng. Nhiều nhà máy đã đề ra giải pháp kiên quyết trong việc quản lý chặt chẽ nhân công thu hoạch mía. Nhà máy đường Nước Trong áp dụng biện pháp: Tiền công thu hoạch mía cháy thấp hơn giá thu hoạch mía tươi. Cụ thể, nếu giá thu hoạch mía tươi là 180.000 đồng-tấn thì giá thu hoạch mía cháy giảm từ 15-10% (tùy thời điểm). Nhà máy này cũng có chính sách động viên, khen thưởng những nhân công thu hoạch mía tốt trong vụ bằng hình thức thưởng. Hiện trong tổng diện tích vùng nguyên liệu mía thuộc nhà máy đường Nước Trong có 53 đầu công, đều do nhà máy quản lý, điều động khâu thu hoạch.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu nguyên nhân mía cháy đã được xác định, và nếu các nhà máy “đoàn kết” lại trong việc áp dụng biện pháp trả công thu hoạch mía cháy thấp hơn công thu hoạch mía tươi và “quản lý chặt đầu công” như mô hình của nhà máy đường Nước Trong, hy vọng trong vụ thu hoạch năm sau, diện tích mía cháy sẽ bị thu hẹp. Mặt khác, cần chú ý đến khâu bảo hiểm mía cháy cho nông dân.
* Cần sự vào cuộc của chính quyền
Lãnh đạo nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh cho biết, đến nay, vùng nguyên liệu mía do nhà máy đầu tư chắc chắn sẽ “mất” thêm khoảng 400 hécta nữa do nhiều nông dân chuyển sang trồng cây khác. Từ nay đến cuối vụ thu hoạch, có khả năng con số này sẽ tiếp tục tăng thêm. Còn ở vùng nguyên liệu mía do Nhà máy đường SBT đầu tư - tuy chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn diện tích mía chuyển sang cây trồng khác không thấp hơn Nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh.
Thực tế cho thấy, chỉ với khả năng của từng hộ, nông dân trồng mía không thể tự bảo vệ được những ruộng mía của mình. Nông dân và nhà máy cần sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng ở địa phương. Trong thời gian qua, các nhà máy đường đã trích kinh phí hỗ trợ cho địa phương tăng cường công tác bảo vệ vùng nguyên liệu mía. Nhiều địa phương tích cực hỗ trợ nông dân trồng mía bảo vệ tài sản của mình. Tuy nhiên, công tác bảo vệ sản xuất cho nông dân trồng mía vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, nhất là trong những vụ mía gần đây, ở Tây Ninh đã xảy ra hàng trăm vụ cháy mía, trong đó có không ít vụ là do kẻ xấu chủ động đốt phá, và hầu như không vụ nào bắt được thủ phạm để xử lý nghiêm minh.
Cây mía được Tây Ninh xác định là cây thế mạnh và công nghiệp chế biến mía đường có sự đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh này. Vì thế, việc tạo mọi điều kiện duy trì và phát triển cả về diện tích lẫn năng suất mía đang đặt ra như một bài toán lớn đối với địa phương mà trước mắt là phải làm sao hạn chế rủi ro cho người trồng mía.