Cậu con trai nhỏ của tôi cứ lẵng nhẵng theo mẹ vòi vĩnh mỗi lần nghe tiếng rao: “Bánh mì Sài Gòn, ba ngàn một ổ”. Vợ chồng tôi hoàn toàn không thích cho con ăn thứ bánh bán dạo ấy. Bánh được ủ trong một cái lồng, phủ lên một lớp bao bố dày, trông rất đáng ngờ.
Sài Gòn ở đâu cũng có thể tìm thấy tiệm bánh mì. |
Cậu con trai nhỏ của tôi cứ lẵng nhẵng theo mẹ vòi vĩnh mỗi lần nghe tiếng rao: “Bánh mì Sài Gòn, ba ngàn một ổ”. Vợ chồng tôi hoàn toàn không thích cho con ăn thứ bánh bán dạo ấy. Bánh được ủ trong một cái lồng, phủ lên một lớp bao bố dày, trông rất đáng ngờ. Nhưng trong nhà tôi, từ mẹ già, chị ruột đến con trai khi nghe tiếng rao đều thích chạy ra cổng, mua một ổ nhỏ nhỏ xinh xinh, nóng hổi giòn rụm vào lúc nửa buổi khi bụng đã bắt đầu cồn cào…
Tiếng rao được thu sẵn vào thẻ nhớ, phát đi phát lại rất đơn điệu, nhưng vẫn kích thích được nhiều người. Ngoài phố, cách nhà tôi vài trăm mét có bao nhiêu thương hiệu bánh nổi tiếng, bánh rất chất lượng thế mà cả nhà vẫn dành tình cảm cho “bánh mì Sài Gòn”, thứ bánh bán dạo mà qua tìm hiểu, tôi biết, nó được sản xuất thủ công, rất thủ công, ngay tại thành phố nhỏ tỉnh tôi đang ở, chứ không ai mất công đem từ Sài Gòn xa xôi về đây cả (và nếu mang về thì nó cũng khó nóng giòn như thế!). Thì ra, cái tên gọi “Sài Gòn” có sức hấp dẫn, sức “nặng” của một thương hiệu về chất lượng, uy tín… nên người bán dạo cũng biết lợi dụng!
Bánh mì Sài Gòn đi liền với một thói quen của người Sài Gòn: gặm bánh mì thay cho bữa sáng bận rộn trên đường đến chỗ làm khi không kịp ghé hàng quán tử tế và chỉ đủ thời gian để làm cữ cà phê vỉa hè. Hình ảnh người Sài Gòn ghé tiệm bánh mì lấy vội một ổ nhét vào cặp rồi sau đó vừa ăn bánh, vừa uống cà phê, vừa đọc báo… rất phổ biến. Bánh mì Sài Gòn còn dùng để ăn trưa, chiều, tối. Không một con đường, hẻm phố nào của Sài Gòn lại không có bánh mì. Có loại bánh mì “đủ thứ”, tức có đủ: thịt, pa-tê, chả lụa, dưa leo v.v… nhưng cũng có bánh mì chỉ đơn giản một thứ: cá, bì, xíu mại, trứng ốp-la v.v… Lại có cả những tiệm bánh mì hoành tráng “chuyên trị” bánh mì breakfast: thịt bò, pa-tê, khoai tây chiên… ngon có tiếng.
Nhưng, khi nói đến bánh mì Sài Gòn như một phong cách, đa phần người ta hiểu đó là hình thức ăn bánh mì kiểu nhanh gọn, rẻ tiền, chứ không phải kiểu ăn “phô trương” trong hàng quán sang trọng. Dân Sài Gòn dùng bánh mì như thức ăn nhanh. Thử tưởng tượng xem, nếu một ngày ra đường mà không thấy một tiệm bán bánh mì nào. Có người còn nói vui, nếu không có bánh mì, Sài Gòn chắc không còn là Sài Gòn nữa!
Ở Hà Nội cũng bán bánh mì nhưng thường người bán để bánh trong cái thúng, bưng đi dạo khắp nơi, ai kêu thì ghé lại. Còn ở Sài Gòn, một người bán bánh mì, mỗi bữa dẫu chỉ bán chục cái bánh cũng có một cái xe lắp kính hẳn hoi… và đa phần là bán trong các tiệm di động nhỏ. Bánh mì Sài Gòn có nhiều sự lựa chọn. Ngán thịt, sợ phì thì kêu bánh mì bì. Muốn bụng nhẹ, mau tiêu thì gọi bánh mì cá. Thích bồi dưỡng một chút thì “đủ thứ”. Còn chỉ cần đủ dinh dưỡng thì “trứng ốp-la”. Có lẽ không nơi đâu, bánh mì phong phú như ở Sài Gòn.
Nhiều người bán bánh mì ở Sài Gòn thành nghề gia truyền. Có người bán thành kỹ xảo, xẻ bánh mì, nhét thịt nhanh như múa. Các tiệm bánh mì có “thương hiệu truyền thống” như thế lúc nào cũng đông khách.
Ai từng sống, công tác hay học tập ở Sài Gòn đều có kỷ niệm với bánh mì Sài Gòn. Nhiều người đi xa thành phố này trong ký ức vẫn nhớ đến món ăn bình dân ấy. Đằng sau cái bánh mì và phong cách thưởng thức món ăn dân dã ấy là cả một nhịp sống Sài Gòn sôi động.
Nhã Thụy