Báo Đồng Nai điện tử
En

Sài Gòn, nếu thành phố hướng ra sông

09:02, 28/02/2012

“Phải làm cho người dân không quay lưng với dòng sông”, đó là chia sẻ của GS. VS. TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học ứng dụng, TP. Hồ Chí Minh - khi hoài niệm về cảnh “trên bến dưới thuyền” của một Sài Gòn xưa và đến nay, dòng sông lại là nơi hội tụ của nhiều dòng nước ô nhiễm, cùng với những tiềm năng chưa khai thác hết…

“Phải làm cho người dân không quay lưng với dòng sông”, đó là chia sẻ của GS. VS. TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học ứng dụng, TP. Hồ Chí Minh - khi hoài niệm về cảnh “trên bến dưới thuyền” của một Sài Gòn xưa và đến nay, dòng sông lại là nơi hội tụ của nhiều dòng nước ô nhiễm, cùng với những tiềm năng chưa khai thác hết…

* Một thời sầm uất

TP. Hồ Chí Minh có một mạng lưới sông ngòi chằng chịt với hơn 100 tuyến sông rạch có chiều dài khoảng 700km, nằm ở vị trí giao lưu với nhiều vùng kinh tế trong và ngoài nước. Theo sách “Phố chuyên doanh ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh”, từ xưa, hệ thống sông rạch Sài Gòn, đặc biệt là khu vực bến Bình Đông (Q.8), là “không gian làm ăn sinh sống bản xứ, xúm xít chật chội”. Người ta kể rằng, đây là nơi giao thương của miền Tây và miền Đông của Nam bộ Việt Nam. Bà con thương lái đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mang nông sản lên Sài Gòn bán, rồi mua về những đồ gia dụng, đi phân phối khắp miền Tây.

Chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc nằm trong ý tưởng phát huy lợi thế sông nước, xây dựng “thành phố hướng ra sông” của các nhà quy hoạch TP. Hồ Chí Minh.
Chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc nằm trong ý tưởng phát huy lợi thế sông nước, xây dựng “thành phố hướng ra sông” của các nhà quy hoạch TP. Hồ Chí Minh.

Người Pháp khi mới đặt chân đến Gia Định - một đô thị chưa rộng, chủ yếu tập trung ở Q1, Q3, Chợ Lớn, nhưng họ đã quy hoạch vùng đất này dựa trên lợi thế mạng lưới sông rạch phong phú. Bên cạnh tôn trọng việc dùng hệ thống sông rạch để buôn bán của người Việt, người Pháp sử dụng các bến cảng, đặc biệt cảng Nhà Rồng khá hiệu quả.“Họ cũng đã từng lấp một số con kênh nhưng lại đào thêm nhiều con kênh khác để tổng thể phát triển hài hòa” - GS. VS. TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết.

* Những tiềm năng chưa tận dụng hết

Theo Th.S. KTS Nguyễn Phương Nga, đa phần những đô thị nào có lịch sử lâu đời đều gắn bó với một con sông. Tuy nhiên, khác với Paris biết khai thác, tận dụng sông Seine một cách hiệu quả, thì TP.Hồ Chí Minh, với tốc độ đô thị hóa quá nhanh và ngẫu hứng nên nghịch lý đã xảy ra. Đó là một đô thị sống bằng sông nước, đi lên từ sông nước nhưng lại chỉ chú trọng phát triển theo kiểu phương Tây, tập trung đường bộ, xe máy, ô tô một cách quá ồ ạt. Đó là nguyên nhân sâu xa của hàng loạt vấn đề về đô thị, trong đó có việc ô nhiễm nguồn nước.

Rõ nhất là nhìn vào diện mạo nhà ở tại Sài Gòn xưa và nay. Tiêu biểu cho ấn tượng về Sài Gòn xưa là dãy nhà san sát dọc theo kênh Tàu Hủ, kéo dài từ bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu đến rạch Lò Gốm của người Hoa được xây từ đầu thế kỷ XX. Mỗi căn nhà liền kề ấy có bề ngang hơn 10m, gồm ba gian. Tầng trệt làm nơi giao dịch, buôn bán, tầng lầu là nơi ở của chủ nhân. Phía sau các căn nhà là dãy nhà kho sâu cả trăm mét, chứa hàng hóa, lúa gạo để giao dịch trên sông. Quang cảnh buôn bán tấp nập ấy tạo ra một thứ hương vị Sài Gòn không thể lẫn đi đâu được. Còn nay,“một nhà có một tiền sông và mặt tiền đường, người dân sẽ phát triển hướng theo mặt tiền đường, còn nhà vệ sinh, công trình phụ thì hướng ra sông” - ThS. KTS Nguyễn Phương Nga phân tích.

GS. VS. TSKH Trần Ngọc Thêm trăn trở:“Thay thế cho cảnh quan tấp nập đó là những ngôi nhà quay lưng về phía sông, khi người ta không coi trọng dòng sông, quay lưng lại với dòng sông thì làm sao bảo vệ, gìn giữ khỏi ô nhiễm môi trường, nói gì đến phát triển những thứ gắn bó với sông nước được?”.

* Một thành phố hướng ra sông

Trên thế giới, mô hình thành phố sông nước đã được nhiều nơi quy hoạch hợp lý và trở thành một nét văn hóa tiêu biểu, nổi bật hơn cả là Venice (Ý), Saint Petersburg (Nga), Tô Châu, Hàng Châu (Trung Quốc) hay gần nhất là Bangkok (Thái Lan).

Với trường hợp TP. Hồ Chí Minh, do tính tự phát quá nhanh và quá mạnh trong quá trình đô thị hóa nên đã đưa đến nhiều hệ lụy trong quy hoạch và phát triển đô thị. Trong những năm gần đây, phát huy lợi thế của sông nước được các nhà quy hoạch nhấn mạnh nhiều hơn. Từ đó, diện mạo đô thị ven sông TP. Hồ Chí Minh về cơ bản đã được xác định hướng về khu vực trung tâm quận 1, 2, 4, 7 và Thủ Thiêm. Những công trình cao ốc hiện đại, tầm cỡ hướng ra sông nước, kết hợp với các khu thương mại mua sắm, công viên và khu vui chơi ven sông…. không chỉ giúp quy hoạch đô thị thành phố một cách hợp lý mà quan trọng hơn, nó giúp phục vụ sinh hoạt, giải trí và môi trường cho người dân.

 “Chúng ta không thể kêu gào cộng đồng hướng ra kênh thối, sông đen một cách chung chung được, mà điều quan trọng là phải làm rõ giá trị, lợi ích của sông nước trong rất nhiều lĩnh vực để từ đó ý thức cộng động sẽ dần hình thành, và bồi đắp mới được”- ThS. KTS Nguyễn Phương Nga nhận định.

Lâm Viên

 

 

 

Tin xem nhiều