Miền Đông Nam bộ có hệ thống sông ngòi đặc thù rất thuận tiện cho việc phát triển du lịch đường sông hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, lâu nay, sản phẩm du lịch này chỉ phát triển chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh với chất lượng chưa cao.
Miền Đông Nam bộ có hệ thống sông ngòi đặc thù rất thuận tiện cho việc phát triển du lịch đường sông hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, lâu nay, sản phẩm du lịch này chỉ phát triển chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh với chất lượng chưa cao.
Lâu nay, các tuyến du lịch đường sông do TP.Hồ Chí Minh tổ chức gồm: các tuyến tầm ngắn Bạch Đằng - Nhà Bè, Bạch Đằng - Bình Quới, Bạch Đằng - Củ Chi, Bạch Đằng - Cần Giờ; các tuyến đi trong miền Đông gồm: Sài Gòn - Bình Dương, Sài Gòn - Tây Ninh (hồ Dầu Tiếng), Sài Gòn - Đồng Nai (hồ Trị An); tầm xa đi các tỉnh miền Tây thì có: Mỹ Tho, Cần Thơ, Châu Đốc và Phnom Penh - Campuchia…
* Lên tàu, ăn uống, ngắm cảnh rồi… về
Năm 2010, TP.Hồ Chí Minh đã đưa vào khai trương tuyến du lịch tầm ngắn từ bến Bạch Đằng đến làng Nghệ nhân Hàm Long, quận 2 cùng với việc khảo sát tuyến bến Bạch Đằng - Củ Chi - Bình Dương và Bạch Đằng - quận 9. Thế nhưng đến nay, tuyến du lịch này vẫn chưa thu hút được khách. Bên cạnh đó, đã có nhiều công ty quảng bá cho tour du lịch đường sông đến Cần Giờ, Củ Chi, miền Tây... nhưng cũng chưa thể tổ chức định kỳ vì còn ít khách.
Tàu du lịch Bình Quới trên sông Sài Gòn. |
Lý do của hiện trạng này được các cơ quan chức năng lý giải là kinh doanh còn manh mún, chắp vá, tự phát, thiếu thống nhất và đồng bộ. Đại diện một đơn vị lữ hành cho biết, để triển khai một tour đường sông thì chi phí đi lại, khảo sát, mua sắm phương tiện chuyên chở đều cao gấp nhiều lần so với các tour đường bộ, nhiều đơn vị không mặn mà. Người ta tập trung làm nhà hàng nổi trên sông nhanh thu hồi vốn. Quanh đi quẩn lại chỉ là việc tổ chức cho du khách lên tàu, ăn uống, ngắm cảnh rồi… về.
Trở ngại lớn nhất du lịch đường sông ở miền Đông hiện nay là chưa có quy hoạch tổng thể và khai thác cảnh quan hai bên bờ các sông, thiếu những bến đỗ an toàn để đưa đón khách. TP.Hồ Chí Minh phải cho khách du lịch dùng chung với các bến tàu khách, hàng hóa, như: Tôn Thất Thuyết, Hiệp An, Bình Đông… Trừ Bạch Đằng là bến duy nhất phục vụ được cho du lịch, những điểm dừng khác đang xuống cấp, không thuận tiện cho việc neo đậu, không đảm bảo an toàn.
* Tích hợp du lịch sinh thái
Hiện ngành du lịch TP.Hồ Chí Minh đã có kế hoạch phát triển du lịch đường sông những năm tới. Trước mắt, những điểm tuyến sẽ khai thác bao gồm ba điểm dừng tại huyện Cần Giờ (xã Tam Thôn Hiệp, văn phòng Phân khu 2, khu vực Tiểu khu 19).
Trên cơ sở các điểm dừng này, có thể xây dựng một số tuyến mới để đưa vào khai thác gồm tuyến cho khách du lịch đại chúng theo hai hướng cùng xuất phát từ bến Bạch Đằng qua ba điểm mới đến thị trấn Cần Thạnh - Lâm viên Cần Giờ (chiến khu Rừng Sác) - cầu Dần Xây; bến Bạch Đằng - Tam Thôn Hiệp (sông Lòng Tàu) - Khu du lịch Đầm Sen - Khu du lịch Vàm Sát qua sông Soài Rạp. Đi đôi với các tuyến du lịch này sẽ là các tour gắn với du lịch cộng đồng, du khách có thể cùng tham gia trồng cây, cho cá tôm ăn, khai thác muối, khai thác tôm, đánh bắt cá và những trò chơi gắn liền với thiên nhiên sông nước.
Ông Huỳnh Văn Quí, Tổng thư kí Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại các đơn vị lữ hành đang nghiên cứu đưa vào khai thác các tour đường sông ngắn, ngay khi các dòng kênh được nạo vét, trồng thêm nhiều cây xanh để cải tạo cảnh quan… Đồng thời, thành lập câu lạc bộ du thuyền mà các thành viên tham gia đều là những doanh nghiệp có cùng mục tiêu kinh doanh: cung ứng dịch vụ du thuyền, tàu du lịch trên sông, dịch vụ tàu nhà hàng ăn uống với các tour tuyến du lịch đường sông, các hoạt động vui chơi giải trí trên các sông thuộc địa bàn TP.Hồ Chí Minh và tỉnh miền Đông.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.Hồ Chí Minh cho biết thêm, trong định hướng phát triển du lịch đường sông TP.Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, sẽ xây dựng tuyến du lịch đường sông tầm trung khả thi bến Bạch Đằng - Cần Giờ; tổ chức khảo sát một số tuyến du lịch đường sông tầm xa, tầm trung…; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kêu gọi vốn đầu tư, đồng thời tăng cường kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch.
Trần Lâm