Tưới ướt đều toàn bộ trang trại rộng 25 hécta chỉ trong 3 giờ đồng hồ và chỉ với 1 nhân công, nói ra nhiều người tưởng là nói xạo, nhưng đó là chuyện có thật. Người làm được kỷ lục này là một nông dân ở miền Đông Nam bộ: ông Bảy Khái - lão nông Nguyễn Văn Khái ở xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, Bình Dương.
Tưới ướt đều toàn bộ trang trại rộng 25 hécta chỉ trong 3 giờ đồng hồ và chỉ với 1 nhân công, nói ra nhiều người tưởng là nói xạo, nhưng đó là chuyện có thật. Người làm được kỷ lục này là một nông dân ở miền Đông Nam bộ: ông Bảy Khái - lão nông Nguyễn Văn Khái ở xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, Bình Dương.
Từ ý thức bảo vệ môi trường...
Mất 6 năm ròng rã, cuối cùng hệ thống tưới phun tự động của ông Bảy Khái mới thực sự hoàn thiện. Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng làm hệ thống tưới ấy, nhiều người đã can ngăn nhưng ông cùng người vợ của mình đã quyết tâm và mày mò học hỏi để tìm tòi cách thức xây dựng hệ thống tưới ướt đều toàn bộ cây tiết kiệm tối đa chi phí và sức người. Giờ đây nông dân Bảy Khái được nhiều người Bình Dương biết đến với sự thành công của trang trại “tự động hóa”.
Ông Bảy Khái đang sửa chữa các ống dẫn nước cho hệ thống tưới tiết kiệm. |
Thông thường, một trang trại 25 hécta cần ít nhất 2 nhân công để tưới cây. Mùa nắng có khi 2 người tưới cả ngày mới xong. Đó là chưa kể đến những chi phí tốn kém khác cho thiết bị đường dây máy bơm, lại không thể tưới đều cho tất cả các cây trong vườn cùng 1 lượng nước như nhau. Hệ thống tưới tiết kiệm trước đây cũng có nhiều nơi ở Đồng Nai thực hiện dưới sự hỗ trợ của ngành khuyến nông. Khi vấn đề tiết kiệm nước cho trái đất và môi trường được cả thế giới bàn đến, được báo chí nêu ra, ông Bảy suy nghĩ, vì sao mình không quyết tâm thực hiện một hệ thống tưới nước tiết kiệm và cũng thật tiết kiệm công sức lao động. Từ ý tưởng đó, ông đã tìm tài liệu, đi nghiên cứu tham quan và sáng tạo ra một hệ thống nước “kiểu Bảy Khái”.
Khi được chúng tôi hỏi về công trình tưới nước tự động hóa này, người nông dân tuổi 70 ấy tự hào cho biết: “Hồi trước chỉ có 2 vợ chồng, tưới bằng máy bơm nước nhiều khi tưới xong tôi khan cả cổ còn vợ tôi quần áo ướt hết. Giờ thì đâu cần nhiều người. Hệ thống tưới tự động của tôi phun đến từng gốc cây, chỉ cần một công nhân mở và đóng van. Từ đó, việc chăm sóc cây, thu hoạch, bảo vệ trái… có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi của những công nhân này”.
Ông Bảy cho biết, chi phí đầu tư hệ thống tưới tự động cho mỗi hécta vườn chỉ 7 - 8 triệu đồng, chưa bằng lương một năm của nhân công tưới cây, nhưng hiệu quả lâu dài. Trước đây, 10 công nhân tưới cây cả ngày vẫn chưa xong thì nay chỉ một công nhân làm việc chưa đến 30 phút mà cái chính là còn tiết kiệm được nước.
...Đến hiệu quả của một nỗ lực sáng tạo
“Hệ thống tưới nước tiết kiệm” gồm một mô-tơ 2 mã lực lấy nước từ giếng khoan đưa vào ống nhựa PVC phi 60 và phi 16 đặt chìm dưới đất sâu khoảng 0,3m. Đường ống này dẫn đến từng gốc cây trong vườn, phần ống tại gốc nổi lên được gắn với 1 hoặc 2 béc-phun tùy theo nhu cầu tưới nhiều hay ít. Hiện nay, trung bình 10.000 m2 thì cần 1.000 béc-phun. Cứ mỗi hàng 250 béc-phun thì có một van đóng và mở. Hệ thống ống được thiết kế những ống 30mm nối với các ống 16mm, các ống 16 này sẽ đưa nước đến từng cây trong vườn.
Hệ thống tưới tiết kiệm trong trang trại Bảy Khái. |
Theo ông Bảy Khái, chi phí lắp đặt toàn bộ hệ thống chỉ bằng 1/10 so với công nghệ Israel (có giá trị khoảng 25 triệu đồng). Đó là chưa kể đến chuyện thời gian thi công chỉ mất vài ngày.
Nhờ hệ thống này, mỗi hécta có thể trồng được 1.000 cây ăn quả (trong khi thông thường, mỗi hécta chỉ trồng được 300 cây). Và tất nhiên, cái hiệu quả lớn nhất cho chính chủ nhân, cho môi trường và cho xã hội là tiết kiệm điện, tiết kiệm nước.
Ngoài hệ thống tưới, ông Bảy còn sáng chế hệ thống bón phân. Với những đóng góp này, ông Bảy Khái đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen…
Kim Cúc