Nếu ở Hà Nội từ hàng trăm năm trước đã có các phố chuyên doanh thì trong quá trình hình thành và phát triển, Sài Gòn đã tạo ra mô hình chợ đầu mối. Ở đó, người ta tìm thấy sự năng động, chất kinh tế thị trường và nét văn hóa kinh doanh của người Sài Gòn
Nếu ở Hà Nội từ hàng trăm năm trước đã có các phố chuyên doanh thì trong quá trình hình thành và phát triển, Sài Gòn đã tạo ra mô hình chợ đầu mối. Ở đó, người ta tìm thấy sự năng động, chất kinh tế thị trường và nét văn hóa kinh doanh của người Sài Gòn
Giờ đây, dân kinh doanh miền Đông và Tây Nam bộ không xa lạ gì những cái tên chợ Bình Tây, chợ An Đông, chợ Tân Bình bởi nó gắn liền với quy mô phân phối hàng hóa lớn cho cả một vùng kinh tế năng động, nơi giữ nhịp hoạt động thương mại cho hàng triệu dân.
Một góc chợ đầu mối nông sản Bình Tây. |
Chợ Bình Tây chuyên về nông sản, tọa lạc bên bến sông. Cứ nhìn đội ngũ khuân vác, xe tải, tàu thuyền nối đuôi để lên hàng và ăn hàng mới thấy được quy mô của chợ ấy. Các thương gia ở đây kinh doanh theo phương châm: lượm bạc cắc, gom bạc tỷ. Họ không kiếm lời cao trên một đơn vị sản phẩm nhưng luôn có xe tải đánh, tàu thuyền đánh hàng Bắc-Nam, vào tận các vùng nguyên liệu lớn thu mua của nông dân rồi tập kết hàng về chợ Bình Tây, mỗi chuyến hàng cả trăm tấn.
Dân kinh doanh chợ đầu mối cũng là những nhà xuất nhập khẩu. Có những chuyến hàng nông sản hàng trăm tấn họ chở thẳng ra các cửa khẩu Bắc, Nam chờ xuất, để rồi những chuyến lượt về đầy ắp nho khô, táo Tàu, đường cát, trái cây tươi; từ đó lại tỏa đi khắp các chợ, cửa hàng lớn, nhỏ. Mua tận gốc, bán tận ngọn, lấy công làm lời là công thức làm ăn mà các thương gia chợ đầu mối góp phần nuôi sống hàng ngàn lao động và tạo ra một khu vực kinh tế sôi động ngoại hạng.
Ở chợ Kim Biên, các thương buôn vẫn đóng hàng quần áo đi tỉnh với mức giá rất rẻ vì họ nắm trong tay một đội ngũ thợ may lành nghề và một hệ thống cung cấp vải vụn rộng khắp từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở đến các nguồn vải nhập nguyên container với giá vừa bán, vừa cho.
Nhìn một người chủ sạp chợ Tân Bình đang leo trên đống quần áo lộn xộn trong gian sạp nhỏ xíu, bạn chớ vội xem thường. Họ sở hữu ít nhất một xưởng may tại nhà, ba xưởng may liên kết, một sạp bán lẻ hàng cao cấp ở chợ Bến Thành, An Đông hoặc một cửa tiệm may đo nào đó.
Một hệ thống kinh doanh chân rết được dựng lên, không xô lệch đi đâu đồng nào, đủ sức chống chọi với những cơn bão thị trường có thể ập đến bất cứ lúc nào. Đó là công sức gầy dựng mấy đời hoặc chí ít cũng là thành quả của mấy chục năm chắt bóp, lăn lộn với nghiệp thương buôn.
Bộ mặt văn hóa của chợ đầu mối Sài Gòn đậm chất “thương mại” và năng động như tính cách người Sài Gòn. Ở đó, có thể nhìn thấy đạo đức của người kinh doanh: không có chuyện nâng giá lừa gạt, mua đầu nọ bán đầu kia. Ngày nay, hệ thống bán lẻ mô hình siêu thị được mở ra mạnh mẽ, mô hình chợ đầu mối Sài Gòn cũng có những chuyển biến cho phù hợp nhưng cái hồn văn hóa chợ đầu mối vẫn còn đó như một nét riêng.
Thương Minh