Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương từ cuối năm 2011, thì đến ngày cuối cùng của năm 2013, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn hiện nay phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương từ cuối năm 2011, thì đến ngày cuối cùng của năm 2013, sẽ có hàng loạt doanh nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn hiện nay phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp.
Trong đợt di dời đầu tiên, Sở Tài nguyên và môi trường Bình Dương vừa đề nghị UBND tỉnh Bình Dương ban hành danh sách di dời 16 cơ sở sản xuất. Danh sách này dựa vào các kết quả đo đạc, đối chiếu kết quả kiểm tra, hoặc xuất phát từ tình hình khiếu nại, khiếu kiện đối với 100 cơ sở sản xuất công nghiệp có ngành nghề đặc trưng, gây ô nhiễm môi trường cao, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất tại địa phương, nằm xen lẫn trong khu dân cư.
Một mảnh vườn của người dân giáp với Nhà máy của Tân Hiệp Phát bị ngập nước thải. |
Theo danh sách đợt 1 này, thị xã Thủ Dầu Một có 3 doanh nghiệp, thị xã Thuận An có 1 đơn vị, thị xã Dĩ An có 13 doanh nghiệp. 16 cơ sở này phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trước ngày 31-12-2012.
Hiện nay còn nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương nằm ngoài khu công nghiệp vẫn chưa nằm trong danh sách di dời đợt 1, dù đang bị kiện cáo liên quan đến ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, 50 hộ dân có nhà liền kề Nhà máy bia và nước giải khát Number One của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát (thị xã Thuận An) phản ảnh, họ đang phải sống trong môi trường bị ô nhiễm nặng.
Một hộ dân cho biết, năm ngoái họ phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để nâng nền và gia cố lại nhà bị lún nứt. Nguyên nhân là do trong quá trình thi công, mở rộng nhà máy, Công ty Tân Hiệp Phát đã san lấp kênh, rãnh thoát nước tự nhiên. Không chỉ gây cảnh ao tù nước đọng, nhiều hộ dân khu vực liền kề nhà máy còn phản ảnh có dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn từ hoạt động của nhà máy đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân.
Ông Trần Đình Minh Phước, Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Thuận An cho biết, Công ty Tân Hiệp Phát hoạt động trong khu dân cư đã gần 10 năm. Việc người dân phản ảnh Nhà máy Tân Hiệp Phát gây ô nhiễm là có thực và Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh đã kiểm tra, xử lý cuối năm 2009, nhưng Tân Hiệp Phát cho biết đến năm 2015 mới di dời vào Khu công nghiệp Bến Cát.
Thế nhưng, Quyết định 49/2011/QĐ-UBND mới đây của UBND tỉnh Bình Dương về việc quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương nghiêm cấm việc cấp phép cho các dự án xây dựng mới nhà xưởng bên ngoài khu, cụm công nghiệp để cho thuê với mục đích sản xuất công nghiệp tại các thị xã phía Nam của tỉnh là Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An. Cũng theo quyết định này, các cơ sở sản xuất chỉ được xây dựng ngoài khu, cụm công nghiệp nếu là dự án công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường và các làng nghề thủ công.
Ông Trần Văn Liễu, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, tỉnh đã chấp thuận thành lập riêng một khu công nghiệp 100 hécta tại Khu công nghiệp Bàu Bàng dành cho các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, như dệt nhuộm, xi - mạ, thuộc da… Tỉnh Bình Dương cũng có chính sách hỗ trợ khác, như: tiền thuê nhà xưởng, hỗ trợ lãi suất vốn vay từ nguồn chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ lương cho người lao động trong quá trình di dời phải ngưng sản xuất. Tất cả vì mục tiêu tất cả doanh nghiệp nằm trong danh sách (đợt 2) phải hoàn thành di dời trước cuối năm 2013.
Quang Duy