Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) hiện có 35 cảng, bến thủy, hơn 1.700 phương tiện thủy và 6.700 tàu cá, tàu vận tải hoạt động lưu thông tấp nập trên 110km đường thủy nội địa và thường trực trên biển. Giao thông thủy ở tỉnh này ngày càng đặt ra những mối lo về việc bảo đảm an toàn cho người dân…
Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) hiện có 35 cảng, bến thủy, hơn 1.700 phương tiện thủy và 6.700 tàu cá, tàu vận tải hoạt động lưu thông tấp nập trên 110km đường thủy nội địa và thường trực trên biển. Giao thông thủy ở tỉnh này ngày càng đặt ra những mối lo về việc bảo đảm an toàn cho người dân…
Mối lo ấy xuất phát từ nhiều lý do nhưng có yếu tố phát sinh mà ngành giao thông khó kiểm soát, như: việc khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy luồng lạch, xây dựng nhà nổi, bè nuôi trồng thủy sản, đóng đáy, đóng đăng… lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thủy.
* Tỷ lệ tai nạn cao nhất nước
Theo các chuyên gia, so với các vùng biển khác trong cả nước, vùng biển BRVT là khu vực xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nhất, chủ yếu liên quan đến tàu cá.
Các phương tiện giao thông thủy ở Bà Rịa - Vũng Tàu còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. |
Tháng 10 năm ngoái, vụ tai nạn giữa tàu cánh ngầm Vina Express 02 với 2 đò chèo làm chết 1 người và bị thương 3 người như giọt nước tràn ly sau nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trước đó, như vụ ca nô của chị Nguyễn Việt Anh Trâm điều khiển trên sông Chà Và vướng vào dây cột đáy bị lật khiến chị Trâm tử vong hoặc vụ anh Huỳnh Văn Dũng chèo đò từ khu vực Bãi Trước ra biển bị một tàu đâm chìm và tử vong. Hàng trăm lượt ca tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông thủy nội địa tại các điểm: sông Chà Và, Mỏ Nhát, Ba Cội, Cửa Lấp, Múi Gui, sông Dinh, sông Rạng, rạch Ngã Tư cũng như các bến, cảng khác, hàng ngàn quyết định xử phạt vi phạm về điều khiển phương tiện thủy nội địa trong năm ngoái nhưng tình hình chưa cải thiện.
Khảo sát từ các vụ vi phạm cho thấy, nhận thức của ngư dân về an toàn giao thông đường thủy còn nhiều hạn chế. Chỉ có khoảng 60% đối tượng đáp ứng được các yêu cầu về bằng cấp và các chứng chỉ chuyên môn. Rất nhiều chủ tàu không quản lý được nhân thân, lý lịch của thuyền viên. Thượng tá Nguyễn Đức Sâm - Phó trưởng phòng cảnh sát đường thủy Công an BRVT - cho biết: “Do đặc thù hoạt động trên sông nước, rất khó mà tập hợp người dân lại để tuyên truyền, tập huấn. Thời gian qua, lực lượng CSGT đường thủy chỉ tổ chức tuyên truyền bằng tờ rơi đến từng phương tiện trong quá trình tuần tra kiểm soát, nhưng ngay cả khi làm bằng cách đó cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu hiệu quả do nhiều người không biết chữ…”
* Thực trạng đáng báo động
Ông Lê Chánh - chủ tàu BV 98859TS - giải thích vì sao không giữ CMND của “bạn” (những người làm nghề giao thông đường thủy trên tàu): “Khi nào có công an đến kiểm tra thì kêu bạn tự xuất trình. Mình đang cần bạn đi chung tàu nên đòi hỏi quá sợ bạn bỏ tàu của mình đi tàu khác”.
Không được đào tạo bài bản, không thường xuyên cập nhật những quy định về giao thông thủy, luật an toàn hàng hải nên nhiều ngư dân còn rất mù mờ về kiến thức giao thông.
Ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu cho biết: “Trong các vụ tai nạn có liên quan đến tàu cá tại các luồng thủy nội địa, có tới 85% do ngư dân không có kiến thức về an toàn hàng hải, nhất là những lúc bão biển, những phương tiện tàu cá hoạt động trên biển nói vui giống như là một người mù, câm và điếc vì tàu thuyền đều không có phương tiện ra đa định vị hay liên lạc nên khi xảy ra sự cố, nhiều tàu chẳng biết kêu gọi cơ quan chức năng đến ứng cứu và cơ quan chức năng có biết cũng phải tốn nhiều thời gian để tìm kiếm”.
Cùng với tàu cá, hàng ngàn ghe, tàu hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và hành khách trên các luồng sông lớn, nhỏ của BRVT (đa số là các ghe, tàu có tải trọng từ 15 tấn trở xuống hoặc có sức chở dưới 12 người) cũng tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Trung tá Trần Xuân Phong - phòng CSGT đường thủy BRVT nói thêm: “Phương tiện cũ, không đăng kiểm, trình độ hạn chế của những người điều khiển đò chèo là những nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT. Điều khó khăn trong việc xử lý đò chèo là đa số bà con có thu nhập thấp, chỉ biết bám trụ vào nghề này nên bất chấp nguy hiểm, lén lút hoạt động”
Đò chèo là phương tiện phục vụ đắc lực cho các tàu cá nhưng cũng đang phát sinh nhiều mối lo ngại về an toàn giao thông. Những người điều khiển đò chèo là dân tứ xứ, vì nghèo nên về đây chọn mưu sinh trên sông nước. Có người chưa hề biết đến những quy định cơ bản nhất của Luật giao thông đường thủy, và thậm chí nhiều người cũng không biết đến cả bơi lội!
* Giải pháp nào để khắc phục?
Hơn 877 triệu đồng là số tiền phạt các vụ vi phạm giao thông đường thủy trong năm 2010 và 8 tháng đầu năm 2011. Nỗ lực tuần tra cũng góp phần làm giảm tỷ lệ các vụ TNGT gây chết người, chìm phương tiện chứ không thể ngăn chặn hết một thực trạng.
Thượng tá Nguyễn Đức Sâm - Phó trưởng phòng cảnh sát đường thủy Công an BRVT trăn trở: “Để bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, nhất là trong mùa mưa tới, chúng tôi đã lên kế hoạch tuyên truyền tất cả các nghị định, quy định của chính phủ, của tỉnh liên quan đến hoạt động bảo đảm ATGT hàng hải. Song song đó là tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng giải pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động. Tôi nghĩ rằng, giải pháp căn cơ là phải có chủ trương giải quyết việc làm cho những đối tượng không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề thì công tác đảm bảo an toàn luồng thủy nội địa mới thu được kết quả cao nhất chứ tuyên truyền, xử phạt hoài cũng không phải là cách hay nhất”.
Rõ ràng khi tham gia giao thông không ai muốn xảy ra tai nạn, nhưng áp lực kiếm sống và ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy ở những người lao động nghèo còn đó một khoảng cách khó lấp đầy.
Để hạn chế tối đa những rủi ro xảy ra, thiết nghĩ các chủ tàu thuyền đánh bắt hải sản, kinh doanh vận tải hàng hóa cần quyết liệt hơn trong việc sử dụng người lao động, giảm tối đa tình trạng ghe tàu không đăng ký, thuyền viên và người điều khiển phương tiện không có bằng và chứng chỉ chuyên môn. Chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ để giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép, tình trạng xây dựng nhà nổi, nhà bè, đóng đáy, đóng đăng… lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường thủy.
Đức Doanh