Báo Đồng Nai điện tử
En

Có một Cần Giờ du lịch

09:01, 31/01/2012

Khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam tọa lạc ở miền Đông Nam bộ được người dân thường gọi là Rừng Sác. Phần diện tích rộng nhất của Rừng Sác là rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngày nay, Cần Giờ không chỉ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà là vùng du lịch sinh thái, du lịch biển đầy tiềm năng của TP.HCM...

Khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam tọa lạc ở miền Đông Nam bộ được người dân thường gọi là Rừng Sác. Phần diện tích rộng nhất của Rừng Sác là rừng ngập mặn Cần Giờ. Ngày nay, Cần Giờ không chỉ là khu dự trữ sinh quyển của thế giới mà là vùng du lịch sinh thái, du lịch biển đầy tiềm năng của TP.HCM...

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là điểm du lịch sinh thái lý tưởng.

Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, có diện tích tự nhiên trên 70 ngàn hécta, trong đó 25% là diện tích mặt nước với các sông lớn Soài Rạp, Lòng Tàu cùng các chi lưu như Gò Gia, Đồng Tranh, Vàm Sát… Vùng ngập mặn chiếm gần 60% diện tích toàn huyện.

* Từ một công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh

Trong chiến tranh chống Mỹ, Cần Giờ là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công anh hùng với những trận đánh nổi tiếng. Và do đây là đường giao thông huyết mạch, là cửa ngõ yết hầu vào Sài Gòn, bộ đội đặc công, nhân dân Cần Giờ, Nhơn Trạch đã chiến đấu anh dũng trên mảnh đất này, gây cho địch nhiều thiệt hại nên người Mỹ đã biến rừng ngập mặn Cần Giờ thành “sa mạc mặn” bằng hàng chục nghìn quả bom, đạn và hàng triệu lít hóa chất khai hoang... Chính các nhà khoa học Mỹ cũng từng cho rằng phải cần 100 năm mới khôi phục được hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Sau ngày giải phóng, năm 1978, lãnh đạo TP.HCM đã thành lập Lâm trường Duyên Hải với quyết tâm khôi phục hệ sinh thái ngập mặn Cần Giờ. Công trình khôi phục này kéo dài hơn 20 năm do TS. Lê Văn Khôi và nhóm cộng sự (sau đó đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005). Một trong những kết quả nghiên cứu nổi bật của nhóm tác giả là chọn được loài cây trồng thích hợp để phục hồi rừng ngập mặn với phương châm “đất nào cây đó”.  Sau khi đi điều tra, khảo sát thực địa, nghiên cứu các khu rừng ngập mặn ở Cà Mau, Bến Tre... đồng thời nghiên cứu tài liệu liên quan tình hình sinh trưởng, phát triển của rừng Cần Giờ trước đây, các nhà khoa học đã chọn cây đước là cây trồng chủ yếu.

Cây đước có thể sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng đất phù sa, sình lầy, bùn chặt, chịu ảnh hưởng của thủy triều với độ mặn từ 10-25%. Sau cây đước, các nhà khoa học đã cho trồng các loài cây: vẹt, dà vôi, gõ biển, xu ổi, cóc... trên những vùng đất ẩm, ổn định, ít ngập triều, nước lợ... Hơn 30 năm đã trôi qua, rừng sinh thái ngập mặn Cần Giờ đã bắt đầu hình thành và phát triển theo hướng đa dạng sinh học. Diện tích rừng đã phủ xanh hơn 31 nghìn hécta, trong đó có gần 20 nghìn hécta rừng trồng, hơn 11 nghìn hécta được khoanh nuôi tái sinh tự nhiên và các loại rừng khác.

Những nỗ lực của ngành lâm nghiệp TP.HCM đã được ghi nhận: Năm 2000, UNESCO công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn đầu tiên của thế giới và cũng là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam. Rừng ngập mặn Cần Giờ vừa là “lá phổi” vừa là “quả thận” có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các thành phố công nghiệp trong thượng nguồn sông Ðồng Nai - Sài Gòn để ra biển Ðông.

* Đến một Cần Giờ của du lịch

Cách nay một năm, đường Rừng Sác - một công trình giao thông quan trọng tạo sức bật cho Cần Giờ phát triển - đã chính thức thông xe. Từ đó đến nay, con đường này đã góp phần rất quan trọng tạo nên bước phát triển mới cho vùng đất Cần Giờ. Đó là con đường cửa ngõ hướng ra biển của TP.HCM, có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ và đảm bảo quốc phòng - an ninh; đồng thời, tạo cơ sở thuận lợi để các đơn vị ngành điện, nước đẩy mạnh đầu tư các công trình phục vụ người dân.

Những chỉ số thống kê năm 2011 cho thấy, năm qua, đường Rừng Sác đã góp phần cho việc phát triển kinh tế huyện Cần Giờ, đặc biệt tạo đà phát triển các dự án khu đô thị biển. Bên cạnh con đường huyết mạch này, mạng lưới giao thông đường bộ của Cần Giờ đã phát triển rộng khắp, từ các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp… hay xã đảo Thạnh An, nhiều tuyến đường đã được nâng cấp mở rộng, trải nhựa; nhiều công trình giao thông cũng đang gấp rút hoàn thành. Đường Rừng Sác đã rút ngắn thời gian từ trung tâm TP.HCM đến Cần Giờ (65km). Hiện nay, Cần Giờ đang tiếp tục đầu tư để xây dựng các bến tàu thủy, trong đó có thể xây dựng bến tàu cánh ngầm từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ.

Sự khởi sắc về kết cấu hạ tầng sẽ kéo theo sự phát triển du lịch sinh thái, kinh tế biển theo hướng bền vững góp phần giữ gìn rừng phòng hộ và Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Hiện nay, Cần Giờ thu hút mỗi năm bình quân 500 ngàn du khách đến với các Khu du lịch như Vàm Sát (rộng gần 2 ngàn hécta, thuộc tiểu khu 15A) Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, tọa lạc trên địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, khu di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác, Lâm viên (đảo khỉ), bãi biển 30-4… Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư các khu vui chơi, giải trí có tính quy mô và hiện đại tại đây. Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT cũng đã có đề án xây dựng tuyến đê biển, cách bờ biển hiện hữu khoảng 2km. Saigontourist đã khởi công xây dựng Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Saigon Sunbay). Bên cạnh đó, còn có hàng chục dự án đầu tư các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí đã và đang triển khai.

Cần Giờ hôm nay đang chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế. Những vườn cây ăn trái, những vuông tôm, ruộng muối, đường điện cao thế, rồi những ngôi biệt thự khang trang… dọc các con đường của xã Bình Khánh, Long Hòa, Lý Nhơn, thị trấn Cần Thạnh cho thấy hình ảnh một Cần Giờ đang đổi thay mạnh mẽ.

Hùng Thoa

Tin xem nhiều