Ba điền gia miền đất đỏ mà chúng tôi giới thiệu trong bài này là những cựu chiến binh đã từng kinh qua trận mạc, quyết không chịu khuất phục đói nghèo, cùng nhau tìm đến miền đất Bình Phước để lập nghiệp từ những thời điểm còn khó khăn. Nhờ cần cù, ham học hỏi, sáng tạo và biết nắm bắt thời cơ, họ từ “tay trắng” đã làm nên nghiệp lớn.
Ông Rồng thư thái tuổi già bên cơ ngơi bạc tỷ. |
Ba điền gia miền đất đỏ mà chúng tôi giới thiệu trong bài này là những cựu chiến binh đã từng kinh qua trận mạc, quyết không chịu khuất phục đói nghèo, cùng nhau tìm đến miền đất Bình Phước để lập nghiệp từ những thời điểm còn khó khăn. Nhờ cần cù, ham học hỏi, sáng tạo và biết nắm bắt thời cơ, họ từ “tay trắng” đã làm nên nghiệp lớn.
* “Điền gia 3 cây”
Xuôi dòng sông Bé giữa mùa nước cạn, trong cái nóng 28 độ C, hành trình của chúng tôi phải gián đoạn trước sự choáng ngợp của 3 hécta hồ tiêu sai trĩu hạt, đan cài trong vườn cao su 5 năm tuổi của anh Nguyễn Văn Phương (47 tuổi, ngụ xã Tiến Thành, Đồng Xoài). Người dân ở đây gọi anh là “điền gia 3 cây” (cà phê, tiêu, cao su). Không giống những nông dân trong vùng luẩn quẩn trong vòng bão giá “chặt - trồng” cà phê, tiêu, cao su. Đối với anh Phương, dù được mùa hay mất giá, cà phê, tiêu, cao su luôn là bạn đồng hành suốt 20 năm qua. Với quan điểm “người không phụ cây, cây không phụ người”, anh Phương đã giàu lên nhờ vào mô hình luân xen 3 cây (cà phê - tiêu, tiêu - cao su) hiệu quả, cho thu nhập 500 - 600 triệu đồng/năm.
Năm 1980, anh Phương rời Hà Tây vào Nam lập nghiệp. Xuôi ngược hơn 10 năm đất khách mà kinh tế gia đình không khấm khá lên nổi. Trong một lần xuống thăm bà con ở Bình Phước, anh cảm thấy gắn bó với mảnh đất bazan màu mỡ này. Với số tiền ít ỏi dành dụm, anh quyết định đầu tư mua 3 hécta đất trắng trồng cà phê. 10 năm đầu, anh trồng cà phê; khoảng 3 năm cuối cây cà phê già cỗi, lúc đó anh lại trồng xen nọc tiêu sống (keo, vông, cẩm lệ) vào giữa hàng xông và khi nọc sống phát triển được 2 năm, anh bắt đầu trồng xen cây tiêu. Nhờ phương thức này, cây tiêu được che mát có điều kiện phát triển tốt, đồng thời tiết kiệm được chi phí tưới nước, bón phân, chăm sóc cho cả hai loại cây.
Khi cây tiêu leo cao 1/2 nọc cũng là thời điểm cà phê liên tục “rớt giá”. Nhiều nông dân trong vùng thi nhau chặt bỏ cà phê để trồng tiêu, điều, cao su, nhưng anh Phương vẫn kiên trì bám trụ với cây cà phê hơn 10 năm nữa. Lấy giá tiêu bù đắp giá cà phê, chẳng những không lỗ mà còn giúp gia đình anh ngày càng sung túc hơn. Từ thu nhập hai loại cây, gia đình anh có gần 300 trăm triệu đồng/năm. “Hơn 20 năm, cây cà phê đã đến độ tuổi về hưu. Tôi quyết định chặt bỏ để trồng cây cao su và khi cây cao su được 5 - 6 năm tuổi cho cạo, cũng là thời điểm cây tiêu bị loại bỏ”, anh Phương chia sẻ.
Đến thời điểm này, cả cây tiêu và cây cao su đều tăng giá kỷ lục (tiêu 100 - 120 ngàn đồng/kg, mủ khoảng 900 đồng/độ). Nông dân Bình Phước, nhiều hộ đã giàu lên nhờ một trong hai loại cây này. Anh Phương quả quyết, không cần đến thời điểm giá tiêu hay giá cao su tăng cao, với cách thức luân canh như anh, người nông dân vẫn có thể giàu lên dù trong thời điểm cả hai ở mức giá thấp nhất. Nhờ tưới nước cho tiêu, cây cao su được cộng hưởng độ ẩm, phân bón nên lớn nhanh như thổi, thậm chí hơn cả trồng độc canh. Năm nay, vườn cao su 5 tuổi của anh đã cho cạo, trong khi những vườn trồng độc canh còn phải chờ nửa năm nữa mới được cạo.
* “Điền gia 15 mẫu”
70 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, người thương bình hạng 3/4 Nguyễn Kim Tùng (ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) vẫn từng ngày cần mẫn bên nghiệp vườn 15 hécta trồng điều, cây ăn trái, chăn nuôi và trở thành lão nông sản xuất giỏi của xã từ nhiều năm nay. Dân trong làng quen gọi ông là “điền gia 15 mẫu”. Cái tên thân thương mà láng giềng gọi có lẽ xuất phát từ sản nghiệp 10 năm gầy dựng của ông Tùng và gia đình.
Với tinh thần kiên trung của bộ đội Cụ Hồ, người đảng viên 40 tuổi, thương binh Nguyễn Kim Tùng sau khi rời quân ngũ năm 1983, đã về quê nhà Bến Tre công tác cho đến khi nghỉ hưu. Ở cái độ tuổi 60 cần được nghỉ ngơi và luôn bị đau nhức bởi vết thương chiến tranh mỗi khi trở trời, nhưng ông vẫn quyết tâm khăn gói cùng gia đình lên Bình Phước lập nghiệp vào năm 2000. “Niềm hạnh phúc nhất trong đời tôi là được lao động, tự tay làm ra con gà, con heo, khu vườn cây trái… để được tịnh tâm thư thái, dạo quanh mỗi ngày khi tuổi đã xế chiều”, ông Tùng tâm sự. Và bây giờ, niềm mơ ước ấy đã thành sự thật, khu vườn 15 hécta của ông, cây gì cũng có, con gì cũng đủ.
Mất hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi mới dạo thăm hết khu vườn hơn 10 hécta điều cho thu hoạch hơn 300 triệu đồng/năm; gần 4 hécta trồng cây ăn trái (bưởi da xanh, quất, mận, sầu riêng, chôm chôm, mít, chuối…) cho thu nhập 100 triệu đồng/năm; chưa kể đàn bò, dê vài chục con, thỏ nuôi lồng và gà ác, gà nòi thả vườn hàng trăm con. Ông Tùng bông đùa nói: “Các anh thấy đấy, không cần phải đi chợ, gia đình tôi vẫn có thể sống qua nhiều tháng liền”. Bây giờ, tuổi đã già sức đã yếu, ông Tùng phải mướn thêm 3 nhân công để phụ giúp công việc vườn tược, chăn nuôi.
“Những năm mới lên Bình Phước, gia đình tôi phải chạy vạy từng đồng mua đất, ăn uống kham khổ, rồi tự tay khai hoang trồng điều, cây ăn trái, mò mẫm học cách chăn nuôi. Vợ con cũng phải lam lũ, chịu khổ theo mình. Nhưng trong gian khó, 6 đứa con đã thành đạt”, người thương binh già xúc động nhớ lại. Tuy đã có miếng ăn miếng để, nhưng với ông không bao giờ có khái niệm “ngưng nghỉ”. Hàng ngày, ông vẫn cùng vợ con, người làm tham gia vào công việc làm cỏ, tưới cây, bón phân, chăn bò, dê… và chỉ con cháu, người làng những kinh nghiệm làm vườn, chăn nuôi. Người dân nơi đây rất quý mến ông, họ học ở ông đức tính cần cù, cách làm giàu. Ông đã giúp đỡ nhiều người từng bao phân bò, cây giống, vật nuôi, thậm chí đồng vốn ban đầu để phát triển kinh tế gia đình. Ông tham gia hoạt động tích cực ở nhiều đoàn thể: Hội cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân thôn, xã và hàng năm đều được chi hội các cấp tặng giấy khen vì những thành tích đóng góp xuất sắc của mình.
* “Hai Rồng”
Là biệt danh của cựu chiến binh Đỗ Văn Rồng, ngụ ấp Thuận Phú 1 (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú). Ông Hai Rồng không chỉ là nông dân sản xuất giỏi mà còn là người sống tình cảm, luôn giúp đỡ người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội, nên mọi người quen gọi ông với cái tên thân mật như thế.
Ông Tùng bên vườn bưởi da xanh. |
Sau hơn 10 năm ở quân ngũ, ông Hai Rồng trở về quê với bao gánh nặng của cuộc sống mưu sinh. Không chịu khuất phục trước đói nghèo, song với điều kiện kinh tế ở địa phương (Thái Bình) có cố gắng mấy cũng chỉ đủ ăn, ông quyết định vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1980. Nhận thấy đất đỏ bazan màu mỡ, ông mạnh dạn đầu tư trồng cao su, điều để phát triển kinh tế gia đình. Qua tìm hiểu sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình làm kinh tế giỏi trong xã, huyện để về áp dụng cho mô hình kinh tế của gia đình. Nhờ thế đến nay, gia đình ông đã có 12 hécta cao su và 3 hécta điều, tổng thu nhập trên 700 triệu đồng/năm.
Không chỉ giỏi làm kinh tế, ông Hai Rồng còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên trong Hội Cựu chiến binh xã, giúp họ vươn lên thoát nghèo và đến nay ông không còn nhớ chính xác là mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu người. Địa chỉ mà ông thường ghé thăm là 27 hộ gia đình người đồng bào dân tộc S’Tiêng với 300 nhân khẩu ở ấp 3 (xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú). Hàng ngày, ông tạo điều kiện cho các hộ gia đình này được mót mủ trên vườn cao su của ông, để họ có tiền trang trải cuộc sống. Vừa qua, ông Hai Rồng đã tặng 27 phần quà (1 triệu đồng/phần/hộ) cho các hộ gia đình này. Ngoài ra, ông còn tặng sách vở, tiền học phí cho các học sinh nghèo học giỏi và đóng góp xây nhà tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội ở thôn, xã.
Nhật Phong