Là dân Sài Gòn chính hiệu với 2 tấm bằng đại học, gần 15 năm trước, với khát vọng làm giàu, anh Trần Văn Công đã dốc hết số vốn ki cóp cùng số tiền vay mượn của người thân tìm đường đến xã Cây Trường, huyện Bến Cát, Bình Dương để mua 5 hécta mở trang trại chăn nuôi. Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, giờ đây anh được xem là “vua heo rừng” ở Bình Dương.
Là dân Sài Gòn chính hiệu với 2 tấm bằng đại học, gần 15 năm trước, với khát vọng làm giàu, anh Trần Văn Công đã dốc hết số vốn ki cóp cùng số tiền vay mượn của người thân tìm đường đến xã Cây Trường, huyện Bến Cát, Bình Dương để mua 5 hécta mở trang trại chăn nuôi. Sau nhiều năm lăn lộn trong nghề, giờ đây anh được xem là “vua heo rừng” ở Bình Dương.
Ít ai biết được, con đường trở thành đại gia của anh Công ngoài sự chọn lựa ban đầu, hết sức tình cờ!
* Từ cặp heo rừng đầu tiên…
Những năm đầu lập trang trại, anh Công nuôi gà công nghiệp sau khi đã nghiên cứu, tìm tòi, đọc nhiều sách. Thế nhưng, thành công chưa kịp đến, vốn chưa kịp thu hồi thì dịch cúm gia cầm xảy ra, anh Công gần như mất trắng. Đây là giai đoạn làm ăn mà anh khó thể nào quên được, anh kể: “Nuôi gà công nghiệp thất bại, tôi mất hết số tiền khoảng 200 triệu đồng. Lúc đó thực tình tôi cũng rất chao đảo trong chuyện làm ăn. Tôi nhận ra một điều là sở dĩ nông dân Việt Nam mình khổ vì hàng nước ngoài nhập có khả năng dự trữ để phân phối chuyên nghiệp còn bà con mình thì cứ tới lúc xuất chuồng phải bán chứ không sẽ bị lỗ. Do đó, tôi suy nghĩ tìm một cái sản phẩm nào đó mà nó không lệ thuộc thời điểm xuất chuồng”.
Anh Công trong trang trại heo rừng.
Rất tình cờ, một người gạ bán cho anh 2 con heo rừng để lấy 2 con gà đá, anh đem về nuôi thử. Thấy cặp heo này tăng trọng khá nhanh, lại dễ nuôi, anh Công nảy ra ý định nhân giống loài heo này. Hai con heo ban đầu được đem đi phối giống, đẻ ra 16 con. Thời gian ấy heo tăng trọng khá nhanh trung bình 5-6 kg/tháng. Thấy được hiệu quả của chuyện nuôi heo rừng, anh Công quyết tâm đầu tư thêm. Sau 2 năm phát triển, đàn heo của anh đã lên đến 100 con. Anh bỏ tiền sang Thái Lan để tìm hiểu về đầu ra của sản phẩm heo rừng ở Thái Lan cũng như công nghiệp nuôi heo rừng ở đây, đồng thời mua thêm heo nái Thái Lan về để mở rộng mô hình.
Vào thời điểm đó, có một nhà hàng đặt vấn đề với anh sẽ tiêu thụ từ 6-8 con heo rừng/ngày. Làm một bài toán, thấy việc cung cấp hơn 200 con heo cho thị trường trong một tháng là một điều không đơn giản. Anh Công nghĩ đến cách có thể ổn định đầu ra. “Tôi nghĩ, tại sao mình không phát triển các vệ tinh ở những nơi khác, vừa có thể tận dụng nguồn thức ăn lại vừa có thể phát triển đàn heo để cung cấp cho các nhà hàng” - anh kể lại.
* Từ chuồng trại đến bàn ăn
Sản phẩm heo rừng Chín Định của anh Công dần dần được nhiều người biết đến. Nhận thấy được tiềm năng kinh tế rất lớn của giống heo rừng lai, anh Công còn quyết định đầu tư mở một quán ăn đặc sản heo rừng Chín Định.
Tuy nhiên, đây không phải là ý tưởng đột phá nhất của anh. Một ý tưởng thực sự táo bạo và mang tính đột phá của “Công heo rừng” là bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đầu tư một hệ thống giết mổ treo heo rừng hoành tráng đầu tiên tại Việt Nam. Về hệ thống này, anh Công cho biết thêm: “Sau khi heo được đưa vào lồng, sẽ được hệ thống máy tự động dẫn vào khâu giết mổ, rồi theo băng chuyền chạy vào phòng pha lóc, xẻ thịt, xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm và đóng gói với nhãn mác, hạn sử dụng, cách chế biến và thương hiệu rõ ràng”.
Để tạo nguồn hàng ổn định cho hệ thống, Công đã xây dựng trên 20 chuồng nuôi heo rừng lai tại xã Cây Trường, huyện Bến Cát với nguồn cung ổn định từ 300-400 con. Song song đó, hệ thống vệ tinh của anh hiện nay đã lên đến con số 40 trại, trải dài từ Bình Dương đến Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre...
Sản phẩm “heo rừng Chín Định” có mặt trong hệ thống siêu thị Big C. Ngoài ra, anh Trần Văn Công cũng đang xúc tiến đưa sản phẩm ra các cửa hàng tiện lợi, các làng du lịch, nhà hàng khách sạn cao cấp.
Kim Cúc