Cách đây 2 năm, việc chị Võ Thị Thúy một kỹ sư nông nghiệp đột nhiên nộp đơn xin nghỉ việc để về làm vườn đã gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người. Khi nghe chị kể là sẽ về phát triển việc trồng rau sạch, nhiều người lo cho chị vì thời điểm ấy, rau an toàn khó có thể tìm chỗ đứng trên thị trường.
Cách đây 2 năm, việc chị Võ Thị Thúy một kỹ sư nông nghiệp đột nhiên nộp đơn xin nghỉ việc để về làm vườn đã gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người. Khi nghe chị kể là sẽ về phát triển việc trồng rau sạch, nhiều người lo cho chị vì thời điểm ấy, rau an toàn khó có thể tìm chỗ đứng trên thị trường. Đó là chưa nói đến chuyện chị Thúy đang dự tính sẽ trồng rau theo phương pháp thủy canh vốn là phương pháp nhiều người thử nghiệm thất bại.
* Khi kỹ sư đi cuốc đất
Mặc cho những lời khuyên can, chị Thúy vẫn không từ bỏ ý định chọn xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, Bình Dương để khởi nghiệp bởi chị có những suy nghĩ khác. Giờ này, sau những thành công đã qua, chị đã có thể chia sẻ với chúng tôi: “Mô hình trồng rau thủy canh có một tiện lợi cực lớn. Đó là người trồng không mất công sức để làm đất, không phải sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt hơn nữa, trồng rau thủy canh thì không lệ thuộc mùa màng, có thể trồng quanh năm. Và sản phẩm rau thủy canh rất an toàn”. Nhưng đó là lý do có tính chất chuyên môn, còn lý do “riêng tư” cho một quyết định, chị Thủy nói thêm: “Trước nhà tôi có một phòng khám đa khoa, tôi thấy được nhu cầu cần sử dụng rau an toàn của bệnh nhân, nên quyết định chọn “phân khúc thị trường” này để kinh doanh đầu tiên, như một thử nghiệm làm ăn vào nhóm đối tượng chuyên biệt”.
Chị Võ Thị Thúy đang chăm sóc vườn rau. |
Nói vậy chứ trong những ngày đầu tiên, chị Thủy cũng gặp không ít những khó khăn về kỹ thuật. Do xi măng có thể thấm nước nên một tỷ lệ lớn phân bón sau khi trộn xong, bị thấm vào xi măng xuống lòng hồ hết. Chị mua phân bò về pha trộn với xơ dừa để làm giá thể cho cây. Thời điểm ấy, chị pha trộn theo tỷ lệ 50% xơ dừa, 50% phân bò. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, một khiếm khuyết khác của cách làm này lại hiện ra: Chỗ thì cây không thể lớn, nơi thì 30% cỏ lẫn vào trong cây.
Quá trình mày mò thử nghiệm đã giúp cho kỹ sư Võ Thị Thúy hoàn thiện dần phương pháp trồng rau sạch không cần đất.
* Thủy canh trong nhà lưới
Trồng rau bằng phương pháp thủy canh trong nhà lưới, cây trồng sẽ có được môi trường sống đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu qua những dung dịch phân bón được pha sẵn và cho vào những cái hồ diện tích 100 m2, có hệ thống dẫn nước sạch đến từng hồ.
Giá thể trồng rau thủy canh chủ yếu được làm từ xơ dừa. Theo chị Thúy, xơ dừa phải được ngâm qua nước vôi để hết chất chua khoảng 1 tháng rồi mới được đem vào sử dụng. Sau khi những mầm rau đã lên được 4 ngày, chị tách ra từng cây cho vào khay ươm. Sau đó 10 ngày, những khay chứa cây non này sẽ được chuyển vào nhà kín. Lúc ấy, trong hồ đã cho nước ngập chừng 5 - 7cm. Trong nước đã pha các chất vi lượng, đa vi lượng để làm nguồn thức ăn cho rau. Với phương pháp thủy canh, phân bón là yếu tố quan trọng nhất để giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Chị Thúy cho biết thêm về những lưu ý khi pha phân bón: “Tỷ lệ phân bón thường là 1/7: 1 phần phân vi sinh 7 phần nước. Khi đưa vào hồ, nếu chiều cao của hồ là 2 tấc thì nước và phân bón là 1 tấc là được. Mình cho cây vô trước rồi pha phân trong một cái hồ rồi mở van là nó chảy xuống”.
* Hiệu quả kinh tế cao
Trung bình một vỉ rau 50x50cm sau 35 ngày sẽ cho ra thị trường khoảng nửa ký rau, bán ra thị trường được 15 ngàn đồng. Mỗi mét vuông cho doanh thu từ 60-90 ngàn đồng.
Hiện nay, chị Thúy đang trồng 5 loại rau ăn lá là xà lách, cải ngọt, cải thìa, cải xanh và rau muống. Rau xà lách được bán với giá 30 ngàn đồng/kg, các loại khác bán 20 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày, chị Thúy bán trung bình 70 ký rau cải, thu về hơn 1,7 triệu đồng.
Có thể nói, mô hình rau thủy canh mang lại nhiều thuận lợi, không phải tốn công làm đất, không cần tưới, không phải lo lắng đến việc trừ cỏ dại, trừ sâu và các côn trùng có hại trong đất. Do vậy, cây sẽ sinh trưởng và phát triển nhanh có thể trồng liên tục, không tích lũy chất độc, không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình có thể tận dụng lao động nhàn rỗi, người già cũng có thể làm được.
Kim Cúc