Đã thành quy luật, vỉa hè ở các đô thị lớn lâu nay thường bị khai thác làm dịch vụ, một dịch vụ hái ra tiền. Chính quyền thành phố cũng có nhiều biện pháp để “dọn dẹp” nhằm trả lại vẻ mỹ quan nhưng không phải nơi đâu cũng làm được vì hàng loạt những lý do cực kỳ phức tạp. Có một điều, quản lý không gian công cộng này đôi lúc còn thuộc về một thế giới không phải là nhà nước…
Đã thành quy luật, vỉa hè ở các đô thị lớn lâu nay thường bị khai thác làm dịch vụ, một dịch vụ hái ra tiền. Chính quyền thành phố cũng có nhiều biện pháp để “dọn dẹp” nhằm trả lại vẻ mỹ quan nhưng không phải nơi đâu cũng làm được vì hàng loạt những lý do cực kỳ phức tạp. Có một điều, quản lý không gian công cộng này đôi lúc còn thuộc về một thế giới không phải là nhà nước…
Chục năm trước, khu “tứ giác” quần áo, giày dép “sida” Nguyễn Gia Thiều - Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định (quận 3), giá một gian (khoảng 9m2) được sang từ 3-5 cây vàng. Ở vị trí “đẹp”, giá còn cao hơn. Giờ đây, việc sang nhượng các vị trí đẹp của lề đường, vỉa hè thành phố để làm dịch vụ giá cao ngất ngưởng, nhiều chỗ 5m2 đã 300 triệu đồng. Nhưng đó chỉ là tiền sang nhượng quyền được bán hàng, còn tiền đóng hàng tháng chưa tính.
* Qua rồi “tình anh bán chiếu”
Có một thời, chuyện kinh doanh lề đường ở Sài Gòn gắn liền với một hình ảnh khá tiêu biểu là người… bán chiếu. Cụ thể là hơn 20 năm trước, ga Sài Gòn còn nằm ở trung tâm thành phố (nay là khu công viên 23-9), có dịch vụ “bán chiếu” ở lề đường khu Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, chợ Cầu Muối. Khách lỡ tàu phải ngủ lại để đón chuyến tàu sớm, nhà trọ thì đắt, vả lại thời ấy cũng chẳng có nhiều nhà trọ nên xuất hiện các cai lề đường cho thuê chiếu để khách trải ra đường mà ngủ. Có những tay cai khai thác cả trăm chiếc chiếu xếp dọc hè phố mỗi đêm để cho thuê. Nay dịch vụ này còn lác đác ở bến xe miền Đông, miền Tây, nhưng một thời lại nở rộ ở khu Tây ba lô Phạm Ngũ Lão. Đêm đến, các chàng Tây mỏi gối chồn chân sau một ngày cuốc bộ, đến các nhà trọ thuê một chiếc ghế bố, trải ra vỉa hè đánh thẳng giấc, trăng thanh gió mát mà giá lại cực bèo, 50 ngàn đồng/đêm. Chẳng ai (và chưa bao giờ) thống kê được vỉa hè, lề đường ở TP.Hồ Chí Minh đã tạo kế sinh nhai, nuôi sống bao nhiêu con người.
Các dịch vụ tận dụng vỉa hè ở Sài Gòn.
Mấy năm trước, Sài Gòn cũng rộ lên “phong trào” khoai lang nướng vỉa hè. Một lò than, một vỉ nướng, chiếc quạt và một bao tải khoai lang… trải ra lề đường, thế là sống khỏe. Cứ 3-5 củ khoai là bán được 10 ngàn đồng. Một bao tải khoai cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng lời trong một buổi chiều. Với nhiều người, đây là khoản thu nhập không nhỏ, nhất là với dân nhập cư. Một cán bộ quản lý môi trường cho biết, các nước công nghiệp hiện đại đã hình thành một nền văn hóa “vỉa hè” hẳn hòi với các quán trà, cà phê, giải khát vỉa hè rất nên thơ và sạch đẹp, cuốn hút không ít du khách nước ngoài, tương tự như quán cà phê vỉa hè bên hông cao ốc Metropolitan, trước nhà thờ Đức Bà.
Tất nhiên, câu chuyện bán chiếu, bán khoai là của những người nghèo, nhưng còn việc khai thác vỉa hè để kinh doanh quy mô hơn từ cà phê đến bán hàng lưu niệm, quần áo, thiết bị… trong các con đường có người đi bộ, có xe gắn máy đã trở thành hoạt động kinh doanh quan trọng của hàng triệu người dân thành phố. Dù nhà nước đã có nhiều biện pháp trong việc quản lý buôn bán vỉa hè cho phù hợp với chủ trương chỉnh trang đô thị, đồng thời cũng góp phần thu hút du khách, nhưng theo nhiều người thạo chuyện, thì có một “thế giới ngầm” trong hoạt động dịch vụ này trong đời sống Sài Gòn.
* Nhà nước thất thu
Nhiều khu bán đồ sida nổi tiếng ở Sài Gòn giờ đây vẫn là không gian công cộng vốn trước đó chỉ lèo tèo vài gian hàng quần áo, lớp bày ra vỉa hè, lớp treo vào vài cái giá gỗ ở sát công viên, sau thành một cái chợ tự phát, thành khu bán hàng thời trang càng lúc càng kéo dài.
Phường cũng có nguồn thu từ các khoản phí và khoản đóng góp tự nguyện của giới tư thương và khi nhu cầu mua bán ngày một nhiều thì không ai nghĩ đến việc dẹp bỏ.
Pháp lệnh về việc thu phí, lệ phí chợ, lề đường, bến bãi, mặt nước…, trong đó có quy định các mức cụ thể do HĐND các tỉnh, thành phố đề ra, phải có biên lai hẳn hòi, nhưng thực tế cho thấy, việc buôn bán, sinh sống ở lề đường và cả trên sông hết sức phức tạp và đa dạng đến mức cán bộ phụ trách thu phí ở địa phương khó mà quản hết. Anh cán bộ thu phí ở một địa bàn quận 1 cho biết, nếu khi “sang” thay, người dân có khai báo thì việc thu phí dễ dàng hơn, còn thực tế với những người chỉ trải một tấm bạt, bày hàng ra bán một buổi chiều, buổi trưa thì coi như… bó tay. Họ cuốn gói chạy khi có cảnh sát trật tự dẹp lòng lề đường, còn gặp cán bộ thu phí thì họ chỉ cười trừ… Tuy nhiên, theo một chân chạy hàng sida “cựu trào” ở đây, thuế lòng đường của “thế giới ngầm” mới đáng sợ. Mới bày một miếng ny-lông ra bán thì 50 ngàn đồng một ngày, không thiếu một xu, không sót một ngày. Bán lâu dần, có mối, “thuế” sẽ linh hoạt, có khi vài chục ngàn đồng/ngày. Còn các gian hàng đã ổn định vài năm trở lên, do quen biết và “làm ăn lâu dài” nên chỉ vài ba trăm ngàn đồng/tháng. Nếu thiếu phải tính lãi 1- 2%/ngày.
Giờ đây, không ai có thể trả lời câu hỏi: Một mét vuông lề đường ở TP.Hồ Chí Minh, một cơ hội để buôn bán - làm giàu giá bao nhiêu? Tất nhiên, cao nhất vẫn thuộc về các con đường ở trung tâm thành phố, như: Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… Một tủ bán đồ lưu niệm, mỹ nghệ, máy ảnh rộng khoảng 1m2, giá thuê 10 cây vàng/tháng. Một quán cà phê “chạy” chỉ gồm chiếc giỏ xách, vài ba cái ghế cũng phải trả cả năm triệu đồng/tháng…
Nhưng rõ ràng, từ một tiệm sửa xe, bán phụ tùng xe gắn máy đến giá thuê một “tấm bạt” chừng mét vuông trong một khu chợ tự phát cũng có lúc cao hết sức bất thường, tùy vị trí cụ thể. Có điều, nhà nước luôn thất thu trong các khoản “thuế” dịch vụ ấy.
Quốc Định