Cây tiêu Bình Phước dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng. Vào lúc cao điểm, cả tỉnh có trên 14 ngàn hécta tiêu, tương đương với khoảng 30 triệu nọc, cho sản lượng khoảng gần 20 ngàn tấn/năm. Nhưng trải qua nhiều giai đoạn, giá tiêu lên xuống bất thường, nhiều loại dịch bệnh khó đối phó, nông dân Bình Phước lúc chặt phá, lúc trồng mới lại vườn tiêu cứ như một điệp khúc…
Cây tiêu Bình Phước dẫn đầu cả nước về diện tích, sản lượng. Vào lúc cao điểm, cả tỉnh có trên 14 ngàn hécta tiêu, tương đương với khoảng 30 triệu nọc, cho sản lượng khoảng gần 20 ngàn tấn/năm. Nhưng trải qua nhiều giai đoạn, giá tiêu lên xuống bất thường, nhiều loại dịch bệnh khó đối phó, nông dân Bình Phước lúc chặt phá, lúc trồng mới lại vườn tiêu cứ như một điệp khúc…
Vườn tiêu 10 năm tuổi của bà Trần Thị Nghĩa ở ấp 5, xã Hưng Lộc, huyện Lộc Ninh hai năm qua được đầu tư cải tạo lại và trồng mới thêm nhiều gốc tiêu thay cho các nọc tiêu đã chết. Bà Nghĩa cho biết: “Lúc tiêu mất giá, lại thêm sâu bệnh chữa quá tốn kém, tôi quyết định phá tiêu để trồng điều. Trồng điều được hai năm, thấy điều cũng không có tương lai, nay tiêu lại được giá và có phương pháp ổn định, tôi quyết định khôi phục lại và trồng mới được 110 nọc tiêu năm rồi. Năm nay tôi lại cắt ra trồng thêm 160 nọc”.
* Một thời luẩn quẩn “chặt - trồng, trồng - chặt”
Nếu Bình Phước là thủ phủ tiêu của cả nước thì huyện Lộc Ninh được mệnh danh là thủ phủ tiêu của tỉnh này. Lộc Ninh hiện có trên 4 ngàn hécta cây tiêu. Nhiều nông dân trồng tiêu ở huyện biên giới này giàu lên khi giá tiêu liên tục đứng ở mức cao trong thập niên trước. Sức hấp dẫn của giá tiêu thời ấy đã kích thích nhiều hộ nông dân đầu tư mở rộng diện tích trồng tiêu, bởi xét về hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, ít có loại cây công nghiệp nào có thể so sánh được.
Vườn tiêu của anh Nguyễn Văn Phương ở xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài. |
Thế nhưng, sau một thời gian hoàng kim, cây tiêu Lộc Ninh cũng không vượt qua được quy luật cung - cầu khắc nghiệt. Giá cả sút giảm, lại thêm dịch bệnh lan rộng khiến diện tích tiêu của Lộc Ninh nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung thu hẹp dần. Bà con chuyển sang cây trồng khác do không đủ kiên nhẫn với tiêu. Một số hộ có tiềm lực kinh tế vẫn tiếp tục đầu tư nhỏ giọt.
Nhiều năm qua, cây tiêu Bình Phước phải đối mặt với chuyện “chặt - trồng, trồng - chặt”, đặc biệt khi cao su tiểu điền chứng tỏ được hiệu quả kinh tế và chuyện chăm sóc cây tiêu từ đối phó dịch bệnh đến lo nguồn nước tưới quá tốn kém.
Cách nay 3 tháng, vào 20-9-2011, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Bình Phước đã tổ chức hội thảo với chuyên đề “Giải pháp phục hồi vườn tiêu”. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nhiều vườn tiêu bị dịch hại tấn công làm giảm dần năng suất và nguy cơ nhiều nhà vườn tiếp tục phá bỏ vườn tiêu. Kết quả của hội thảo đã mở ra hướng giải quyết mới cho cái vòng luẩn quẩn “chặt trồng” của cây tiêu Bình Phước.
* Ứng dụng phương pháp sinh học
Việc khôi phục lại các vườn tiêu trên đất đã từng trồng tiêu trước đây là điều không dễ vì tiêu là loại cây khó tính nếu không xử lý các bệnh trong đất đã có trước đây thì cây dễ nhiễm bệnh lại. Hiện nay ở Bình Phước, bà con nông dân được phổ biến cách khôi phục cải tạo vườn tiêu kết hợp với trồng mới cây tiêu theo phương pháp sinh học. Nhờ cách làm này mà nhiều hộ nông dân ở Lộc Ninh, Bù Đốp đã bảo vệ được vườn tiêu, mang lại năng suất cao trong lúc quỹ đất trồng tiêu ngày càng thấp dần.
Ông Nguyễn Tiến Hóa, ở ấp 2, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, một trong những hộ đầu tiên áp dụng phương pháp sinh học vào khôi phục vườn tiêu, cho biết: “Nhà tôi có hơn 500 trụ tiêu, từ khi áp dụng phương pháp sinh học vào chăm sóc, vườn tiêu không còn hiện tượng chết nhanh, chết chậm nữa, vườn tiêu phát triển rất tốt. Vụ thu hoạch 2007, gia đình đã thu hoạch được 1,5 tấn tiêu hạt, tăng hơn 20% so với các năm trước, dự kiến năm nay có thể tăng lên tới 30%. Ngoài ra, chi phí đầu tư cho vườn tiêu cũng giảm đi đáng kể.
Quy trình chăm sóc vườn tiêu bằng phương pháp sinh học khá đơn giản, sử dụng hoàn toàn phân xanh, phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh. Đối với sâu hại chủ yếu dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ các loại sâu hại, rệp sáp, tuyến trùng... Anh Nguyễn Văn Bắc, Trưởng trạm khuyến nông huyện Bù Đốp, cho biết: “Đặc thù của phương pháp sinh học là hạn chế sử dụng các chế phẩm hóa học, nhằm bảo vệ thiên địch, sức khỏe con người và môi trường, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là đã chế ngự được hiện tượng tiêu chết nhanh, chết chậm của nhiều vườn tiêu hiện nay”.
* Thương hiệu tiêu Bình Phước, tại sao không?
Hiện nay, việc áp dụng phương pháp sinh học để chăm sóc, phục hồi vườn tiêu chậm phát triển đang được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Hướng đi này được nhiều nhà vườn hưởng ứng và có nhiều dấu hiệu cho thấy cây tiêu Bình Phước đang trở lại thời hoàng kim về diện tích và sản lượng. Cây tiêu Bình Phước hôm nay tuy không tạo được “cú sốc thu nhập” cho nông dân như trước đây nhưng giá cả hiện nay cũng tạo được sự phấn khởi cho bà con. Ông Trần Hoàng Út ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, cho biết: “Gia đình tôi rất “hâm mộ” cây tiêu, bởi đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế rất cao, thích hợp cho những gia đình ít đất sản xuất như gia đình tôi. Nếu giá cả cứ duy trì như hiện nay thì mỗi năm trừ chi phí, nguồn thu của gia đình tôi từ 1.800 nọc cũng đạt trên 200 triệu đồng. Tôi rất phấn khởi khi giá tiêu đã phục hồi, không phụ công chăm sóc mấy năm nay”.
Tuy nhiên, bà con trồng tiêu hiện vẫn không giấu được nỗi lo khi giá vật tư nông nghiệp cũng đang ở mức cao. Câu chuyện rớt giá của nhiều mặt hàng nông sản thời gian qua vẫn còn làm bà con dè dặt trong đầu tư khôi phục vườn tiêu. Và, theo các chuyên gia, để người nông dân an tâm gắn bó với cây tiêu, nhà nước phải có những biện pháp cụ thể, mà trước mắt là phải xây dựng thương hiệu cho cây tiêu Bình Phước.
Thanh Nhàn