Những cơn mưa cuối mùa vừa qua đã làm ngập bãi chôn lấp rác tại khu đất 15 hécta (thuộc Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên - thuộc xã Tóc Tiên và xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nước từ bãi rác đã chảy tràn ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và người dân trong khu vực đã phản ứng mạnh mẽ. Đây là khu xử lý rác do một doanh nghiệp nhà nước quản lý theo hình thức chôn lấp nhưng vẫn không bảo đảm.
Những cơn mưa cuối mùa vừa qua đã làm ngập bãi chôn lấp rác tại khu đất 15 hécta (thuộc Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên - thuộc xã Tóc Tiên và xã Châu Pha, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Nước từ bãi rác đã chảy tràn ra bên ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và người dân trong khu vực đã phản ứng mạnh mẽ. Đây là khu xử lý rác do một doanh nghiệp nhà nước quản lý theo hình thức chôn lấp nhưng vẫn không bảo đảm.
Theo nhận định của bà con ở khu vực này, sự cố xảy ra do Công ty môi trường (trực thuộc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đơn vị quản lý bãi rác không lường trước các tác động của thiên nhiên nên chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả nước tràn từ bãi chôn lấp.
* Tóc Tiên thành... tóc rối
Mỗi ngày, bãi rác này tiếp nhận khoảng 600 tấn rác từ nguồn rác thải của thành phố Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa và huyện Tân Thành. Rác được tập kết về đây và được chôn lấp theo phương cách thô sơ là đào đất để vùi rác xuống, hoàn toàn không có biện pháp chống thấm và thu gom nước rỉ ra từ rác… Đây là số liệu của Công ty môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị quản lý khu xử lý này.
Một góc khu xử lý rác. |
Nước ô nhiễm tràn ra không chỉ tác động tới những hộ dân gần bãi rác, mà dòng nước rác này đã chảy vào con suối ngay bên cạnh đó, rồi theo dòng chảy về hướng hạ lưu sông Dinh và vịnh Gành Rái. Đây là những nguồn nước dành cho sinh hoạt, tưới tiêu và nuôi trồng thủy hải sản của người dân huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa.
Hiện tại, khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã có hơn 650 ngàn tấn rác đã được chôn lấp. Sau những cơn mưa lớn vào năm nay, nước mưa ngấm qua lớp cát trên bề mặt chảy vào lớp rác đang bị vùi trong lòng đất làm gia tăng áp lực, khiến toàn bộ lượng nước mưa cùng nước rỉ rác tràn ra ngoài và chảy vào các con suối bên cạnh.
Ông Trần Công Hoàng, người dân ấp Tân Lễ 3, xã Châu Pha cho biết: Mưa kéo theo một lượng rác thải trôi xuống đoạn mương Nắn Suối. Mùi nồng nặc xa hàng cây số, bà con trong vùng nhiều người không thể ăn uống được. Điều đáng nói là bãi rác nằm gần con suối. Bãi rác này cũng nằm ở chân núi nên vào mùa mưa, nước mưa chảy tràn từ núi vào bãi rác. Lối thoát duy nhất nhằm tránh để bãi rác không bị ngập nước là để nước trong bãi rác tự chảy thẳng vào suối. Chính vì vậy, khu vực dân cư phía dưới hạ lưu đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà Đỗ Thị Hảo ở ấp Tân Long, xã Châu Pha nói thêm: “Nước rỉ rác làm cả một đoạn dọc con suối này ô nhiễm và nhiều ao cá của gia đình tôi và bà con ở đây bị chết hàng loạt. Trước đây, bà con ở đây còn xài nước giếng được nhưng hiện nay thì không ai dám uống nước giếng cả”.
Bên cạnh đó, do nền đất tại bãi chôn lấp chủ yếu là cát nên với cách chôn lấp không đảm bảo an toàn như hiện nay, phần lớn lượng nước thải sẽ bị ngấm thẳng xuống lòng đất gây ô nhiễm nguồn nước ngầm tại khu vực này. Mặc dù khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên đã trồng cây xanh xung quanh bãi chôn rác, nhưng người dân xã Châu Pha sinh sống cách bãi rác nhiều cây số phản ảnh rằng vẫn nghe thấy mùi hôi thối nồng nặc thường xuyên xuất hiện, nhất là vào thời điểm mưa nắng thất thường. Anh Phạm Đức Công, ở ấp Tân Long xã Châu Pha nói thêm: Mùi hôi của bãi rác làm người dân khó chịu, nhiều người dân sống gần bãi rác bị bệnh đường hô hấp!
* Bao giờ cho đến quý III?
Sau khi công luận lên tiếng về sự cố nước rỉ rác tràn ra sông suối ảnh hưởng môi trường ở khu Tóc Tiên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Sở Tài nguyên - môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) cho biết: Trong thời gian tới, để hạn chế, giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm môi trường trong quá trình chôn lấp rác tạm, sau khi tiếp nhận rác, đơn vị dịch vụ phải đưa toàn bộ rác thải vào hố chôn lấp, đảm bảo đến cuối ngày, toàn bộ lượng rác được đưa xuống hố chôn lấp, nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm do nước mưa chảy tràn qua bãi chôn lấp rác. Song song đó, phải tăng cường phun chế phẩm vi sinh để giảm ô nhiễm mùi hôi; gia cố bờ đê bao quanh tại các hố đang thực hiện chôn lấp, đảm bảo nước mưa chảy tràn trong khu vực không chảy tràn xuống các hố chôn lấp.
Sở cũng đã mời Viện Môi trường và tài nguyên khảo sát tình trạng ô nhiễm tại bãi rác. Trên sơ sở khảo sát sẽ đề xuất các biện pháp hạn chế nước rỉ rác tại bãi chôn lấp tạm bằng cách hạn chế mùi hôi và giảm mức độ ô nhiễm của các chất ô nhiễm có trong nước rỉ rác được thu gom ở mương Nắn Suối.
Dự án chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh với diện tích 15 hécta trong khu xử lý chất thải tập trung xã Tóc Tiên được UBND tỉnh BR-VT giao cho Công ty môi trường đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh với kinh phí trên 110 tỷ đồng từ tháng 11 năm ngoái. Theo kế hoạch, dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động quý III năm 2012. Như vậy, đến sang năm mới có thể chấm dứt được tình trạng chôn lấp rác sinh hoạt không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, 2 công ty TNHH Vượng Xanh và Công ty TNHH KBEC Vina (là các đối tác) có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho đầu tư dự án theo hình thức xã hội hóa nên Công ty môi trường BR-VT phải hoãn lại dự án này. Trong 2 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí do hoạt động của khu xử lý chất thải Tóc Tiên đã diễn ra ngày càng trầm trọng, người dân huyện Tân Thành và thị xã Bà Rịa đang rất mong muốn tỉnh sớm có giải pháp dứt khoát để khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Người dân thì bức xúc, trong khi kế hoạch và giải pháp khắc phục của đơn vị chức năng, cơ quan chủ quản hiện vẫn còn nằm trên giấy hoặc còn trong giai đoạn khảo sát. Nếu chấp thuận cho xã hội hóa đầu tư, mỗi năm BR-VT có thể phải bỏ ra từ 80 - 90 tỷ đồng để chi trả cho các nhà máy tư nhân xử lý rác. Nguồn kinh phí này khá cao, thậm chí gần bằng kinh phí đầu tư xây nhà máy xử lý rác theo kiểu cũ. Bài toán kinh tế khiến các nhà quản lý đang dè dặt, chần chừ, chưa thể sớm đưa ra quyết định. Trong khi đó, chỉ tính riêng lượng rác thải sinh hoạt của Vũng Tàu, huyện Tân Thành và huyện Long Điền, mỗi ngày bãi chôn lấp rác tạm tại xã Tóc Tiên phải tiếp nhận từ 500- 600 tấn rác. Quỹ đất hiện nay để dành cho việc chôn lấp cũng đã cạn, nên rõ ràng: không thể kéo dài việc chôn lấp nữa. Đầu tư dự án chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh theo ngân sách nhà nước hay là xã hội hóa đầu tư - dù chọn lựa phương án nào phải tiến hành nhanh vì sức khỏe người dân.
Đức Doanh