Nếu Hà Nội có 5 cửa ô thì Sài Gòn có bốn cửa ngõ chính. Cửa phía Tây đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cửa Tây Bắc đi Củ Chi, Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài; cửa phía Đông Nam (xa lộ Hà Nội) đi về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu, Biên Hòa và cửa chính Đông hướng đi Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước đến Tây Nguyên…
Nếu Hà Nội có 5 cửa ô thì Sài Gòn có bốn cửa ngõ chính. Cửa phía Tây đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cửa Tây Bắc đi Củ Chi, Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài; cửa phía Đông Nam (xa lộ Hà Nội) đi về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu, Biên Hòa và cửa chính Đông hướng đi Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước đến Tây Nguyên… Các cửa ngõ phía Đông lâu nay luôn bị áp lực giao thông quá lớn. Vì thế, sự kiện hầm đường bộ lớn nhất Đông Nam Á chính thức thông xe chiều ngày 20-11 vừa qua được chờ đợi như một phần của lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông phía Đông Sài Gòn.
* Không ùn tắc mới lạ
Ai thường xuyên đi qua bến xe miền Đông, cầu Bình Triệu, sẽ dễ dàng thấy rằng hầu như không ngày nào ở đây không xảy ra ùn tắc giao thông. Các dự án giao thông, như: nâng cấp mở rộng quốc lộ (QL)13, cầu đường Bình Triệu 2, mở rộng đường Ung Văn Khiêm và nút giao thông Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí với việc đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cũng đã và đang tiến hành, song hiện nay, QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Thủ Đức là tuyến giao thông khổ ải bởi đường sá chật hẹp (mỗi chiều chỉ đủ cho hai làn xe), hai cây cầu Ông Dầu và cầu Đúc rộng chừng 8m, tải trọng nhỏ nên gây trở ngại lớn cho các phương tiện giao thông. Đó là chưa kể hành lang an toàn hai bên đường bị lấn chiếm vô tội vạ, nhếch nhác và luôn bị ngập nặng mỗi khi trời mưa lớn hay triều cường, dẫn đến nguy hiểm rình rập. Trong khi đây lại là tuyến huyết mạch vận chuyển hành khách từ bến xe miền Đông với lượng xuất cập bến lên đến 2.500 xe mỗi ngày, dịp lễ tết tăng mấy lần. Đây cũng là tuyến đường chính để các xe tải, container chuyên chở nguyên liệu, hàng xuất khẩu từ cảng biển đến các KCN ở Thủ Đức, Bình Dương và ngược lại. Thế nên tình trạng kẹt xe xảy ra triền miên, nhất là vào giờ cao điểm, khu vực ngã tư Bình Triệu, trước cổng bến xe miền Đông ùn tắc cả tiếng đồng hồ. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh giờ đã trở nên quá tải so với lượng phương tiện khổng lồ nên hầu như lúc nào cũng xảy ra ùn tắc từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Bình Triệu.
Hầm Thủ Thiêm sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông Sài Gòn.
Phía cửa Đông Nam lâu nay lối ra là xa lộ Hà Nội có khá hơn song vẫn ùn tắc nghiêm trọng trong các giờ cao điểm. Ngồi trên xe hơi, luôn được nghe VOV giao thông thông báo các điểm kẹt xe: Cầu vượt Cát Lái, ngã tư Thủ Đức, Suối Tiên, ngã ba Tân Vạn… Nguyên nhân kẹt xe đa phần xuất phát từ lượng xe tải, xe container ngày càng nhiều nhưng hạ tầng giao thông khu vực này không đảm bảo. Trong khi đó, mật độ xe gắn máy và xe con cũng ngày càng nhiều lên.
* Hầm Thủ Thiêm sẽ giải tỏa bớt áp lực
Chiều chủ nhật vừa qua, hàng ngàn người dân Sài Gòn đã đến hai bên đầu hầm Thủ Thiêm để chứng kiến những chiếc xe được lưu thông qua hầm. Người dân quận 2 vui mừng nhất vì giờ đây, với đường hầm này, bán đảo Thủ Thiêm sẽ thành một khu trung tâm mới. Thủ Thiêm giờ không khác gì quận 1, quận trung tâm của TP.Hồ Chí Minh.
Hầm Thủ Thiêm được thông xe tạo nên liên kết một trục đường đô thị mới nối phía Đông và phía Tây TP.Hồ Chí Minh. Đồng thời đây cũng là công trình giao thông lớn và hiện đại nhất TP.Hồ Chí Minh hiện nay.
Hầm Thủ Thiêm được xem là công trình quan trọng trong dự án đại lộ Đông - Tây, một dự án có mức đầu tư hơn 16 ngàn tỷ đồng (tương đương 762 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản chiếm 65%, vốn ngân sách nhà nước 35%. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến trên 22km, chia làm bốn đoạn. Trong đó bao gồm 1,49km hầm vượt sông Sài Gòn, xây mới 13 cầu, cải tạo 3 cầu cũ hiện có, xây mới 5 nút giao thông, xây mới 12 cầu bộ hành. Địa điểm xây dựng toàn dự án đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh với 6.754 hộ dân, 368 cơ quan đơn vị phải di dời, hoặc bị ảnh hưởng một phần.
Hầm Thủ Thiêm gồm 2 đường dẫn (một đầu thuộc quận 1, đầu còn lại ở quận 2 bên khu đô thị mới Thủ Thiêm) và đoạn dìm ngầm dưới lòng đất vượt sông Sài Gòn dài 370m gồm 4 đốt hầm. Mỗi đốt có chiều rộng xấp xỉ 33m, cao 9m, dài 92m, nặng khoảng 27 ngàn tấn. Hầm vượt sông cho phép lưu thông 2 chiều, mỗi chiều 3 làn xe, hành lang thoát hiểm.
Đây cũng là hầm chui vượt sông lớn nhất Đông Nam Á và đầu tiên tại Việt Nam, có 4 đốt dìm dưới độ sâu gần 14m so với mặt sông. Vận tốc tối đa cho xe lưu thông lên đến 60km/giờ, bề dày thành hầm hơn 1,2m được cấu tạo bởi bê tông cốt thép chống thấm có tuổi thọ 100 năm.
Bắt đầu từ hôm nay, thời gian đi lại từ Đông qua Tây và ngược lại ở thành phố Hồ Chí Minh không qua trung tâm TP được rút ngắn 20 phút, giao thông chắc chắn sẽ giảm ách tắc, đi trên tuyến đường từ quận 1 ra cửa ngõ về các tỉnh miền Tây (quốc lộ 1A) sẽ rút ngắn khoảng 1/2 thời gian so với đi các tuyến đường khác.
Nhưng điều quan trọng là sự kiện thông xe hầm đường bộ Thủ Thiêm sẽ góp phần hạn chế rất lớn tình trạng ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn, tạo nên bộ mặt mới cho bức tranh giao thông về hướng Biên Hòa, Vũng Tàu, Bình Dương.
Thanh Bình