Bình Phước hiện được xem là thủ phủ của cây điều. Đến Bình Phước có thể thấy những vườn điều rộng thẳng cánh cò bay xen lẫn trong các vườn cao su bạt ngàn. Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước với khoảng 150 ngàn hécta, cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến tư nhân, công ty liên quan đến ngành điều.
Bình Phước hiện được xem là thủ phủ của cây điều. Đến Bình Phước có thể thấy những vườn điều rộng thẳng cánh cò bay xen lẫn trong các vườn cao su bạt ngàn. Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước với khoảng 150 ngàn hécta, cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến tư nhân, công ty liên quan đến ngành điều.
Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu của ngành điều còn nhiều vướng mắc dẫn đến những bất công cho người trồng điều cũng như chưa phát huy hiệu quả thực sự của hoạt động chế biến. Từ sau lễ hội quốc tế “Quả điều vàng Việt Nam - Bình Phước”, nhiều bài toán khó của ngành điều ở tỉnh này đang từng bước được giải quyết.
* Từ ý kiến của nguyên Chủ tịch nước...
Năm 2010, lễ hội quốc tế “Quả điều vàng Việt Nam - Bình Phước” được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam. Bình Phước vinh dự được chọn là nơi đăng cai tổ chức. Trong lễ hội này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, các lãnh đạo Nhà nước cấp cao, quan khách trong và ngoài nước đã đến dự. Đây là Lễ hội thương mại quốc gia mang tầm quốc tế về ngành điều và lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Ông Bùi Văn Thạch - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Trưởng ban tổ chức khẳng định rằng lễ hội đã tạo được dấu ấn đối với khách quốc tế về thương hiệu điều Việt Nam. Lễ hội đã thành công rục rỡ nhờ tạo ra nhiều cơ hội cho người trồng điều cũng như các doanh nghiệp chế biến điều phát triển.
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước và doanh nghiệp ngành điều. Ảnh: Ngọc Dũng
Lễ hội là dịp để tôn vinh người trồng và chế biến điều, quảng bá và khẳng định thương hiệu điều Việt Nam trên trường quốc tế. Bình Phước đã chi khoảng 15 tỷ đồng cho festival này. Festival phần Lễ và phần Hội. Phần lễ, gồm các chương trình biểu diễn nghệ thuật, thả bóng bay có hình “Quả điều vàng”, rước biểu tượng vui của lễ hội, diễu hành xe hoa, lễ trao tặng 200 ngàn cây điều giống của Chính phủ Việt Nam cho Chính phủ Hoàng gia Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; phần Hội có các hội thi sáng tác logo - biểu tượng của lễ hội; nhà nông với kinh nghiệm trồng điều, bàn tay vàng tách vỏ hạt và bóc vỏ lụa; ẩm thực các món ăn có nguyên liệu từ quả và hạt điều. Bên cạnh đó, còn có các hội thảo, hội nghị, hội chợ thương mại, tham quan dã ngoại, khu phố ẩm thực. Đặc biệt, quả điều vàng kỷ lục Guinness Việt Nam được diễu hành trên xe hoa đã gây ấn tượng đặc biệt trong lòng người xem ngay đêm khai mạc.
Tại lễ hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh là phải có những chính sách hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng chuỗi giá trị thu nhập cho người dân trồng điều, qua đó, đẩy nhanh xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần, tăng cường khoa học - kỹ thuật vào công tác trồng và chế biến hạt điều, khẳng định thương hiệu Vương quốc điều Việt Nam với bạn bè Quốc tế.
* ...Đến câu chuyện nhà máy rượu điều
Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, gần đây, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Bình Phước đã họp đánh giá dự án xây dựng mô hình nhà máy sản xuất rượu điều tại một xã nông thôn miền núi, huyện Bù Gia Mập. Dự án này do Viện Công nghệ sinh học thực phẩm chuyển giao cho Công ty TNHH Mỹ Lệ làm đơn vị tiếp nhận công nghệ. Dự án đã tạo bước đột phá trong sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ; tận dụng hết các lợi thế đất đai và nguồn nguyên liệu, lao động. Phát triển sản xuất, nhằm đảm bảo các khâu sản xuất từ nguyên nhiên liệu thô đến khi ra thành phẩm. Các biện pháp khoa học kỹ thuật được chuyển giao trong dự án sẽ tăng hiệu quả kinh tế của cây điều, góp phần duy trì và phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn tại tỉnh Bình Phước. Việc sản xuất rượu điều sẽ mang lại nguồn thu lớn, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường; hoàn thiện bài toán phát triển ngành điều, giúp cho cây điều Bình Phước tồn tại, mở rộng diện tích, sản lượng, góp phần tăng giá trị kinh tế. Như vậy, ngoài các sản phẩm truyền thống, trong tương lai không xa, sẽ có thêm sản phẩm đặc biệt khác và có thể là sản phẩm đặc trưng cho tỉnh Bình Phước. Nhưng vấn đề ở đây không phải là sản phẩm rượu điều, mà câu chuyện nhà máy rượu điều mở ra nhiều triển vọng về lối ra cho những mô hình phối hợp sản xuất và chế biến.
Và, một bài toán chung, không chỉ của Bình Phước, mà của các tỉnh có diện tích trồng điều lớn cần quan tâm giải quyết là chính sách quốc gia về quy hoạch đất đai; chương trình nghiên cứu khoa học tuyển chọn giống, nghiên cứu khoa học nhằm tăng giá trị ngành điều; chính sách hỗ trợ nhân dân; chương trình khuyến nông; tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ máy móc thiết bị công nghiệp cho công tác chế biến. Thực tiễn hiện nay cho thấy những bài toán khó trên chưa được giải đáp tốt nên tình trạng bấp bênh của ngành điều đang xảy ra và có thể bị khủng hoảng giảm diện tích, thiếu nhiên liệu.
Ngọc Dũng