Hai năm trước, nhất là vào cuối năm 2009, nhiều dự án xây dựng căn hộ ở TP.Hồ Chí Minh rầm rộ khởi công. Nhiều khách hàng đã ứng tiền để mua căn hộ hiện đang đứng trước nguy cơ không được bàn giao nhà như hợp đồng vì tiến độ xây dựng của nhiều dự án khá chậm, thậm chí có dự án hầu như “bất động” một thời gian dài
Hai năm trước, nhất là vào cuối năm 2009, nhiều dự án xây dựng căn hộ ở TP.Hồ Chí Minh rầm rộ khởi công. Nhiều khách hàng đã ứng tiền để mua căn hộ hiện đang đứng trước nguy cơ không được bàn giao nhà như hợp đồng vì tiến độ xây dựng của nhiều dự án khá chậm, thậm chí có dự án hầu như “bất động” một thời gian dài
Một dự án xây dựng căn hộ ở TP.HCM đang chậm tiến độ vì thiếu vốn.
Một khách hàng mua căn hộ thuộc dự án 584 Lilama SHB Town trên đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, ông đã ký hợp đồng mua căn hộ thuộc dự án này cách đây hơn một năm và đang rất lo về tiến độ triển khai dự án. “Ngày nào tôi cũng đi ngang qua khu vực dự án và cảm thấy hết sức lo lắng, vì tiến độ xây dựng rất chậm. Theo lời hứa của chủ đầu tư, lẽ ra đến nay dự án đã xong phần móng và xây thô đến tầng 5, nhưng hiện dự án chỉ xây xong phần móng và để nguyên đó” - vị khách hàng này nói.
Không chỉ dự án 584 Lilama SHB Town, mà nhiều dự án căn hộ khác ở TP.Hồ Chí Minh (từ loại trung bình đến loại cao cấp) đều có tiến độ xây dựng chậm như… rùa.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty địa ốc ACBR nhận xét, chưa có lúc nào thị trường bất động sản (BĐS) lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Thời điểm năm 2008–2009, dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, nhưng doanh nghiệp vẫn xoay sở được do nhờ vào nguồn lợi nhuận tích tụ trước đó. “Còn lần này DN địa ốc mới thực sự thấm mệt. Khi đầu tư một dự án, nguồn vốn tự có của doanh nghiệp góp vào chỉ 15-20%, phần còn lại chủ yếu là vay ngân hàng và huy động tiền từ khách hàng” - ông Hải phân tích. Ông cho rằng, trước đây khi thị trường BĐS sôi động, doanh nghiệp chỉ cần xây dựng xong phần móng là có thể huy động tiền của khách hàng để tiếp tục xây phần còn lại. Song, hiện tại, khả năng huy động vốn của khách hàng là khó xảy ra và vay vốn ngân hàng còn khó hơn nữa. Vì vậy nhiều dự án đứng trước nguy cơ ngừng xây dựng, nhất là các dự án căn hộ cao cấp có quy mô vốn lớn sẽ rất khó khăn trong việc hoàn thành.
Cuối năm nay và năm 2012 là thời điểm có khá nhiều dự án căn hộ ở TP.Hồ Chí Minh đến hẹn bàn giao nhà cho khách hàng, nhưng chắc chắn chưa thể bàn giao. Một chuyên gia BĐS khuyến cáo: “Nếu ai có ý định mua căn hộ, nhất thiết phải tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án và đặc biệt là năng lực tài chính của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án”.
Ông Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả cho rằng, BĐS là lĩnh vực có sức hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về nguyên tắc, nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS phải lớn và dài hạn. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy, vốn dành cho BĐS thường có thời hạn ngắn hay còn gọi là vốn “nóng”, nghĩa là vốn tham gia vào thị trường rất nhanh, song cũng rút ra rất nhanh và gắn liền với hoạt động đầu cơ.
“Mới đây, cán bộ của một ngân hàng thương mại lớn cho tôi xem một danh sách tới 5 vạn khách hàng là các doanh nghiệp. Điều đáng nói là trong số đó có đến 90% khách hàng chỉ có thể đáp ứng từ 15-20% vốn đầu tư ở một dự án nào đó, phần vốn còn lại là đi vay” - ông Ánh nói. Ông cho rằng, qua đây có thể thấy, không ít doanh nghiệp địa ốc lâu nay đều thực hành phương thức “tay không bắt giặc”. Chính vì vậy, khi ngân hàng siết chặt tín dụng là họ gặp khó ngay.
B.Đ.T